(Baonghean) - Những ngày này, rộ lên vấn đề bỏ hay không bỏ điểm sàn thi đại học, nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh, phụ huynh cũng như các thầy cô giáo. Đã từ lâu, việc đưa điểm sàn vào quy trình tuyển sinh là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Những bất cập thường được nhắc đến của điểm sàn là cơ sở nào để xác định điểm sàn, tính cứng nhắc thiếu linh hoạt của điểm sàn và số phận của những trường đại học thiếu chỉ tiêu do điểm sàn “cao”. Người viết xin phép được đưa ra một vài nhận định cũng như kiến cá nhân về việc bỏ hay không bỏ điểm sàn thi đại học.

Điểm sàn có phải là một phương pháp tuyệt đối chính xác và hiệu quả để sàng lọc chất lượng đầu vào cho các trường đại học không? Không hẳn, nhưng với hệ thống, quy trình tuyển sinh và các chế tài, quy định kiểm soát chất lượng của các trường đại học như hiện nay thì việc bỏ điểm sàn là không nên. Trong bối cảnh các trường đại học thi nhau mọc lên và hiện tượng “bỏ bom” giấy báo đậu đại học (trong khi các sĩ tử còn chẳng biết mặt mũi các trường đại học mà mình “vô tình” trúng tuyển tròn méo ra làm sao, tên tuổi, chất lượng như thế nào) thì điểm sàn là hàng rào duy nhất đảm bảo ngưỡng chất lượng tối thiểu cho đào tạo bậc đại học. Dù mang tính tương đối và khuôn mẫu, thiếu linh hoạt đối với từng ngành, nghề khác nhau nhưng chí ít thì điểm sàn cũng cho phép đánh giá, nhìn nhận sơ bộ về chất lượng đầu vào, tránh tình trạng tuyển sinh vô tội vạ nhằm lấy đủ chỉ tiêu của nhiều trường đại học. Hậu quả của vấn nạn trên là sinh viên ngồi nhầm lớp, dẫn đến hoặc phải bỏ dở việc học giữa chừng vì chương trình học quá sức hoặc  ra trường với lỗ hổng kiến thức, kỹ năng và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Cả hai hệ quả trên đều gây lãng phí thời gian, tiền bạc của các học sinh, khiến xã hội trì trệ vì thiếu hụt lao động có chất lượng.

Sở dĩ vấn đề điểm sàn cứ được nói, nói nữa, nói mãi mỗi khi mùa thi đến là vì ai ai cũng công nhận những sơ hở, bất cập của chế tài này trong việc tuyển sinh. Nhiều người so sánh quy trình tuyển sinh đại học ở Việt Nam với nước ngoài và một mực cho rằng phải bỏ kì thi “ba chung” và chỉ giữ lại kì thi tốt nghiệp như nhiều nước trên thế giới (việc tuyển sinh sẽ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và học bạ), lại có người cho rằng các trường đại học phải được tự chủ hơn trong việc tuyển sinh, điển hình như việc quy định điểm sàn cố định cho nhiều trường đại học, nhiều khoa, ngành khác nhau là áp đặt, thiếu cơ sở, không công bằng. Nói thì rất hay nhưng trên thực tế, phải nhìn nhận thấu đáo bối cảnh nền giáo dục tại Việt Nam trước khi rập khuôn nguyên xi phương pháp của các nước bạn. Thứ nhất, kì thi tốt nghiệp phổ thông chưa hoàn toàn đánh giá được một cách xác thực năng lực của học sinh. Tiêu cực trong thi cử vẫn còn tràn lan, khiến tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trở nên đại chúng thay vì mang một giá trị nhất định. Việc xét tuyển dựa trên học bạ cũng chưa khả thi, vì tương tự như tiêu cực trong thi cử, hiện tượng cho điểm, bán điểm đã và đang là một vấn nạn nhức nhối trong học đường. Nhất là trong các trường chuyên lớp chọn, để bao che lấp liếm cho tình trạng học lệch của học sinh, nhiều thầy cô đã nhắm mắt làm ngơ để các “gà” có “học bạ ma” với nhiều con điểm đẹp. Thử hỏi, một khi bậc giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập thì làm sao có thể dựa vào đó để tuyển sinh cho bậc đại học?

Thứ hai, vẫn còn thiếu các chế tài nhằm kiểm soát, thanh tra định kì chất lượng của các trường đại học nên việc để các trường đại học tự chủ trong khâu tuyển sinh, thậm chí trong đào tạo là bất khả thi, vì nếu không có bất kì một ba-ri-e nào cho đào tạo bậc đại học thì nền giáo dục rồi sẽ đi về đâu, thế hệ lao động tương lai rồi sẽ đi về đâu? Nếu muốn bỏ điểm sàn thì phải có quy định cụ thể về các tiêu chuẩn mà một trường đại học phải đạt được để được bộ giáo dục công nhận. Có thể tham khảo phương thức đánh giá, xếp hạng và kiểm soát chất lượng các trường đại học ở nước ngoài: bộ giáo dục đưa ra một chương trình đào tạo chung với các tiêu chuẩn nhất định, các trường đại học được tự chủ trong nội dung, giáo trình đào tạo nhưng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn trên. Cứ sau một khoảng thời gian (có thể là năm đến mười năm), bộ giáo dục sẽ tổ chức thanh tra kiểm tra chất lượng đào tạo tại các trường đại học (cơ sở vật chất, kết quả của sinh viên, tỉ lệ ở lại lớp,...), điều này khiến các trường đại học phải không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng dạy và học để được bộ giáo dục công nhận. Ngoài ra, bộ giáo dục cũng thành lập và bảo trợ cho nhiều cơ quan truyền thông (ví dụ như Pháp có tạp chí Sinh viên - L’étudiant chuyên cung cấp thông tin, tư vấn cho học sinh, sinh viên), đưa ra các đánh giá, xếp hạng thường niên của các trường đại học (xét cả các tiêu chí như quan hệ với các doanh nghiệp hay các trường đại học nước ngoài; số lượng luận án, nghiên cứu khoa học; tỉ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 3-6 tháng sau khi tốt nghiệp; mức lương trung bình mà sinh viên nhận được cho việc làm đầu tiên;...). Có thể thấy, để đưa vào áp dụng một quy trình tuyển sinh “thoáng và mở” như vậy cần cả một hệ thống chế tài để kiểm soát sát sao chất lượng đào tạo, chứ không phải “ở nước ngoài vào đại học dễ lắm” như nhiều người ở mình vẫn nghĩ.

Nói như vậy để thấy, tạm thời Việt Nam mình vẫn chưa bỏ điểm sàn hay mạnh dạn hơn là bỏ thi “ba chung” được đâu. Vẫn còn cần đến một sự thay đổi triệt để và sâu xa hơn nữa, thay vì học tập, làm theo người ta nhưng chỉ nửa vời, hời hợt, không hiệu quả mà thậm chí còn chữa lợn đau chân thành lợn què hẳn. Tất nhiên những bất cập mà ai cũng thấy như tính khuôn mẫu, cứng nhắc của điểm sàn thì có thể cải thiện ít nhiều bằng việc áp dụng những chế tài linh hoạt hơn, ví dụ thay vì đưa ra một mức điểm cố định bất di bất dịch, ta có thể đưa ra một cách tính điểm sàn tuỳ theo khối, theo ngành bằng cách thay đổi hệ số của các môn thi chẳng hạn. Trên đây chỉ là một ví dụ mang tính tượng trưng, đại khái mà người viết đưa ra để chứng tỏ rằng chế tài điểm sàn không hoàn hảo nhưng có thể cải cách để hoàn thiện hơn. Ít ra trong bối cảnh nền giáo dục của chúng ta hiện nay thì đây vẫn là giải pháp tối ưu nhất.

Một mùa thi đại học nữa lại đến gần, mang theo nhiều nỗi lo và áp lực cho học sinh, phụ huynh và cả nhà trường. Những câu chuyện mùa thi, bao gồm cả những bất cập như tiêu cực trong thi cử hay về quy trình tuyển sinh đã thành tích cũ diễn lại đối với toàn xã hội. Làm sao để nền giáo dục nước nhà ngày một hoàn thiện, làm sao để xã hội ngày một tiến lên là câu hỏi muôn năm cũ của người dân và cũng là vấn đề đặt ra cho những cơ quan có thẩm quyền. Tranh luận ngày một ngày hai về bỏ cái này, thêm cái kia cho giống với nước này, nước nọ liệu có trả lời được câu hỏi trên không, hay cần chúng ta có cái nhìn thấu đáo hơn về bản chất, nguồn cơn vấn đề và quan trọng hơn cả là thực trạng đang còn nhiều bất cập của nền giáo dục nước nhà?


Hải Triều