(Baonghean) - Báo Nghệ An mới rồi thông tin "Hệ lụy khi dự án Thủy điện Yên Thắng khai tử". Dự án Thủy điện Yên Thắng (được thực hiện ở khe Huổi Nguyên xã Yên Thắng huyện Tương Dương) được chủ đầu tư khởi công vào tháng 10/2009, nhưng sau đó không triển khai và bị UBND tỉnh Nghệ An thu hồi giấy phép vào năm 2013. Hậu quả của dự án không thực hiện này là cả một vùng đất, môi trường bị tàn phá nặng nề do khai thác vàng!
Thật ra bất cứ lòng hồ dự án thủy điện nào nếu có quặng sa khoáng doanh nghiệp đều được phép "tranh thủ" tận dụng khai thác là điều không lạ. Điều lạ ở Yên Thắng là sau khi khai thác chán, những kẻ khai thác cùng máy móc chuồn đâu không rõ. Còn chủ đầu tư dự án thủy điện cũng lặn mất tăm, mất tích. Hậu quả là cả một vùng đất hiếm hoi nuôi sống người dân bao đời bị tan hoang. Đất đai, sông suối, môi trường bị ảnh hưởng nặng nề, cho đến hôm nay cũng không thể khắc phục được.
Đáng nói ở đây, việc lợi dụng xây thủy điện để khai thác vàng ở Yên Thắng có thể rơi vào im lặng, nếu báo chí không nhắc tới. Và, hậu quả của sự lợi dụng ấy là xã hội - người dân gánh chịu. Mà cái hậu quả ấy, buồn thay, dường như được đoán trước. Giật mình nhớ lại một chuyện có thật: Tại buổi lễ khởi công Dự án Thủy điện Yên Thắng, một đại biểu (thành phần chỉ dự, không có ý kiến) là người quen thân người viết bài này, ghé tai nói: "Họ (nhà đầu tư) không làm thủy điện đâu, ông cứ chờ mà xem". Và, hậu quả là như báo Nghệ An nêu mới rồi.
Rồi lại chợt nghĩ, có những điều đôi khi một người hay nhóm người hiểu, thì phần đông lại không hiểu và họ phải gánh chịu hậu quả. Và chẳng biết tại sao câu "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" được nhiều người nhắc nhiều lần trong các văn bản, trong các cuộc họp, nhưng đi vào cuộc sống lại chậm chạp thế?
Việt Long