(Baonghean) - Ngày xưa có truyền thuyết “Nữ Oa vá trời”. Nay tuy không có phép thuật nhiệm mầu như trong thần thoại, nhưng người xứ ta vẫn làm được những việc tương tự. Không “đội đá vá trời” thì “dời non, lấp sông” như ở Đồng Nai.
Chỉ khác một điều, vá trời là trừ họa cho dân còn lấp sông thì nguy cơ gây ra tai họa là nhãn tiền. Thế nên, tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt nam (VRN) “chộ ngá mắt” đã lên tiếng đề nghị rút giấy phép dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" do lo ngại xảy ra những tác động xấu đến môi trường. Ngay lập tức, Đồng Nai lên tiếng khẳng định: dự án lấn sông được tiến hành đúng trình tự pháp luật. Mô đã có ai nói, ai quy kết chi? Kể cả những ngài cực lực phản đối dự án lấp sông.
Mà tất cả chỉ là kêu gọi rồi đề xuất, kiến nghị xem xét ngưng thực hiện dự án. Vì lấp sông thì sẽ thu hẹp dòng chảy, mà thu hẹp dòng chảy thì sẽ gây tắc nghẽn, khó thoát lũ. Khó thoát lũ ắt tạo ra ngập úng ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh. Đơn giản vậy thôi. Bên cạnh sự lo ngại về môi trường thì còn có một mối lo ngại khác lớn hơn rất nhiều. Đó là, Đồng Nai lấp sông làm khu đô thị được thì sẽ có nhiều nơi khác…mần theo. Hệ thống sông ngòi xứ ta vốn đã bị xà xẻo, teo tóp và méo mó, cạn kiệt nguồn nước vì nạn phá rừng và quá nhiều nhà máy thủy điện ở thượng nguồn thì nay lại đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để thực hiện các dự án theo kiểu "Cải tạo cảnh quan phát triển đô thị ven sông ". Mà thực chất là lấp sông, bán đất xây nhà ở. Một bài học ngay trước mắt là 15 năm trước, TP Hồ Chí Minh đã từng lấn, lấp và đặt cống hộp kênh Hàng Bàng cũng nhằm để “cải tạo cảnh quan, môi trường đô thị” nhưng rồi gây ngập úng kéo dài cả một vùng dân cư. Đầu năm nay đã phải làm cái việc cực chẳng đã là “nghiến răng” chi ra hơn hai nghìn tỉ để đào lại con kênh này. Lấp kênh mất một đống tiền, đào lại cũng mất một món, còn nhiều hơn cả khi lấp. Thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Xin hãy lấy đó làm gương.
Vả lại, cứ cho là dự án lấn sông được tiến hành không sai trình tự pháp luật, nhưng khi triển khai vào thực tế, xét thấy mất nhiều hơn là được cộng với sự phản đối dữ dội từ dư luận thì cũng nên ngưng lại mà xem xét, đánh giá lại cho thật kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Đừng nên vin vào cái cớ “đúng quy trình, đúng trình tự pháp luật” mà bỏ qua tất cả và cố tình thực hiện cho bằng được theo ý chí, lợi ích của một ai đó. Rất không nên tạo tiền lệ xấu cho việc vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ, dòng chảy của các con sông. Mà nói như ngài Nghệ ta là đừng “vẹ đàng cho hươu chạy”!
Nghệ Nhân