(Baonghean) - Tuần vừa rồi rõ là có lắm chuyện khiến dân tình hoang mang. Hoang mang ở những việc làm lạ lùng gây sốc cho xã hội và cái chính là ở thái độ và cách phát ngôn của những người giữ vai trò, vị trí “cầm cân, nảy mực” trong các cơ quan công quyền.
 
Có thể bình chọn câu nói ấn tượng nhất trong tuần thuộc về phát ngôn của ông cán bộ ngành Tuyên giáo Thủ đô khi đề cập chuyện chặt cây xanh bị dân tình phản đối dữ dội “Thú thực là những người thực hiện không lường được tình cảm gắn bó, yêu Hà Nội của người dân. Do đó, người dân rất phản ứng”. Ô hay, sao lại chỉ có những người vác rìu chặt cây mới không lường được tình cảm mà thật ra là thái độ phản ứng của dân. Người thực hiện chỉ là người thừa hành lệnh của ai đó. Người ra lệnh hay nói chính xác hơn là những người gật đầu, ký quyết định ban hành chủ trương “thảm sát cây xanh” mới là những người không biết dân nghĩ gì. Mà không lường được cũng đúng thôi vì có ai hỏi dân đâu. Ngay khi sự việc mới xảy ra, báo chí đặt vấn đề là chặt cây sao không hỏi dân? Cũng ông cán bộ nói trên tỉnh bơ nói là “chặt cây không phải hỏi dân”. Không tôn trọng dân, không hỏi dân thì làm sao mà lường được tình cảm của dân. Vì không lường được, không bắt được tư tưởng, tình cảm của dân nên khi vỡ chuyện mới lúng túng, quanh co đổ lỗi từ ban, ngành này sang cơ quan nọ. Rồi buộc một số người phải “giơ đầu chịu báng”. 
 
Từ câu chuyện cụ thể này, mới lộ ra một thực tế là trong không ít việc, ở không ít nơi quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã không được tôn trọng, không thực hiện nghiêm túc. Cứ nói “lấy dân làm gốc” rồi dạy nhau phải biết trọng dân, nhưng rồi cứ tự tung, tự tác. Chừng khi thấy dân chúng phản ứng dữ quá mới vội vã viện ra đủ lý do để bào chữa. Bào chữa thôi mà tuyệt nhiên không thấy ai nhận sai rồi ngỏ lời xin lỗi. Sai thì rõ rồi, song cứ như sợ rằng, xin lỗi sẽ làm cho mình kém thế, mất oai đi, nên cứ kiên quyết nói “không” với xin lỗi và tìm mọi cách đổ quanh, đổ quất. Thật ra, trong lãnh đạo chỉ đạo, điều hành trăm công, nghìn việc làm sao tránh khỏi được những lúc sai sót. Sai thì sửa, thì xin lỗi, có sao đâu. Có ai trách cứ, chấp nhặt gì đâu, miễn là thẳng thắn, thành thật với nhau. Cán bộ làm sai, dĩ nhiên là khiến dân buồn. Nhưng sai vẫn không chịu nhận sai - chuyện nhỏ vậy mà không làm được, thì sao làm được việc lớn, lo được cho dân. 
Cho nên, buồn và hoang mang là ở thái độ và cách hành xử thiếu đàng hoàng.
 
Tri Kỷ