>> Tự sự phố và rừng (phần I)

(Baonghean) - Thăm Hín như một thiếu nữ đẹp bị bỏ quên giữa rừng sâu. Đó là một con thác nhỏ dàn dạt sát mép quốc lộ 7b. Đại tá Vi Hiểu – Đoàn trưởng Đoàn 4 nói: Thăm Hín chỉ lả lơi vào mùa mưa thôi… 
 
Tôi đã từng ốm cóng ở cổng trời Mường Lống cận Tết 2001 ngày rét chấp chới năm “độ xê”, mất phanh xe máy suýt chết ở dốc Sét Đánh trên đường vào bản Nậm Khiên tít sâu của rừng già Nậm Càn, chứng kiến những cái dị thường của thiên nhiên tạo hóa khắp nơi trên miệt Tây nam, Tây bắc tỉnh nhà nhưng không đâu làm tôi xúc cảm như khi gặp Thăm Hín. Thiếu nữ đẹp bị bỏ quên giữa rừng sâu này đã tận dụng hết mùa mưa để chảy hết mình rồi biến mất, rồi hư vô mà lại có đức tin để hiện hữu đẹp vào mùa mưa sau. Lạ thế!   

763424_small_59447.jpg
 Thăm Hín – “Thiếu nữ ngủ quên”.

Trong nhóm mê cà phê Quỳnh, T trẻ nhất. T là con gái Thái sinh ở núi,  đã viết văn in được sách. Lâu lâu không thấy T viết, hay xa núi lâu T không viết được nữa (?). Hôm nọ sau mấy đợt về thăm quê núi bỗng T bảo, em sắp ra thêm cuốn nữa. Giờ tôi nghĩ, hay là T như Thăm Hín?
 
Tôi cũng sinh ở núi. Núi quê ngày tôi thơ bé còn cái rậm rịt của rừng. Có những chiều ở phố, tôi rưng rưng nhớ về “mùi núi sau mưa”. Quê núi sau những trận mưa rào chiều hạ là nắng chói lói qua những vòm cây, bầu trời lên tẻ quạt xanh cao thăm thẳm, trong cái mát mẻ rời rợi ngai ngái nặng dần lên một “mùi núi sau mưa”.

Chao ôi là mùi núi sau mưa! Đó là mùi bùn đất, rơm rạ, lá tre khô và phân trâu tươi vừa mới hầm hập gió Lào và nắng đổ lửa, đã chợt thỏa thích cơn nước trời; chúng nẫu vào nhau, ngún dậy mùi nồng nã dưới nhốn nháo vó trâu tranh nhau chạy lên vệ cỏ vừa chợt mởn lên đầu dốc núi.
 
Bây giờ mùi núi sau mưa của tôi không còn nữa. Nhưng nhiều đêm ở phố tôi vẫn mơ về mùi quê núi hôi hổi ấy. Khao khát viết lên được những điều thân thương của một khoảnh đồi quê ấy. T có ra cuốn nữa chắc cũng chỉ viết nhiều về núi thôi… Nếu có xa núi, không nhắc nhớ về núi thì như con người ta quên tổ tiên ông bà. Cha tôi từng nói vậy. Cha tôi cũng kể ông tôi từng nói với cha tôi như vậy.


 Vợ chồng trẻ người Mông xuống núi, về chợ bằng “ngựa sắt”.

…Rồi cũng phải tạm biệt Thăm Hín. Cảm giác của một lần đánh mất: Rừng xanh có được xanh mãi để giữ lại Thăm Hín không, vì Thăm Hín mong manh thế kia?

Đường vào Phuxailaileng còn cao tít… Dốc và dốc, dốc lên mãi lên mãi đến độ người ta hết cả kiên nhẫn để mà sợ hãi một thử thách không chết người nhưng bất thường.
 
Đôi vợ chồng trẻ người Mông xuống núi về chợ không còn xòe ô, lóc cóc vó ngựa nữa mà xe máy phóng vèo vèo. Lại nhớ chuyện ở cơ quan xuất nhập cảnh dưới phố Vinh, thi thoảng gặp nhóm người trẻ mặc sắc phục Mông túm tụm chụp ảnh làm hộ chiếu. Chợt tiếc đã không hỏi là để đi Lào, hay người Mông bây giờ có đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc hay Đài Loan?

Trừ Sapa Lào Cai giờ người Mông làm du lịch sành không kém người xuôi, thì dám chắc không đâu người Mông xuống núi làm ăn mới tốt như ở Na Ngoi – Kỳ Sơn. Bản người Mông rải ra bám đường 7b sinh sống, tiếp cận nhanh tiến bộ kỹ thuật trồng cây, nuôi con giống mới. Biên cương yên lành thế: Ông già người Mông thư thái tựa hiên nhà đọc báo; bà già người Mông khù khì sưởi nắng trên bậc cửa nhà kê trước vuông sân hạt dẻ tãi phơi óng ả… Chuyện di cư vượt biên trái phép đã xa vời.

Có công lao của Đoàn 4 Quốc phòng đấy…


 Tri thức trẻ tình nguyện tạo giống cho mô hình trồng hoa ly ở Đoàn 4 quốc phòng –
Na Ngoi Kỳ Sơn.

Người đến lần đầu không ngờ ở dưới chân Phuxailaileng lại có cơ ngơi quốc phòng khang trang, đẹp đến thơ mộng như vậy. Đoàn 4 đáng là niềm tự hào của một dải phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc trong xây dựng kinh tế - quốc phòng. Hằng và Thảo là một niềm tự hào của chúng tôi trong chuyến đi này.

Hằng cận thị (do học nhiều) và giàu khát vọng. Thảo da trắng, có nụ cười xinh mong manh. Họ là những cô bé trong đội tình nguyện lên với rẻo cao này để đưa tri thức trẻ góp phần cùng Đoàn 4 xây dựng những mô hình làm ăn mới. Hằng từng đạt giải cao trong một cuộc thi khoa học thực nghiệm tầm quốc gia thì phải! Hằng và Thảo là người xuôi, từng sống, học hành ở phố nhưng không hiểu nhiều về phố mà nay đã kịp hiểu rõ về rừng; cả hai đều không ngần ngại cùng chúng tôi chinh phục Phuxailaileng. Đó là một sự mạo hiểm, vì quả thực sau chuyến lên cột mốc L1 ngay dưới chân mỏm “nóc nhà” Bắc miền Trung, Hằng và Thảo vừa đã qua một chuyến thử nghiệm sức khỏe nhớ đời.
 
Say xe hay say độ cao, say thiên nhiên hùng vĩ? Đại tá Vi Hiểu và các anh trong Ban chỉ huy Đoàn 4 đã phải bố trí chiếc ô tô “ngon” nhất để đưa chúng tôi vượt những “cua đèo không tưởng” lên cùng Phuxailaileng. Nắng phiêu lãng trên những thung lũng lô xô mái nhà dần tít tắp dưới kia, nắng chảy tràn trên những thửa ruộng bậc thang vào mùa gặt, nắng giỡn đùa cùng những vầng cúc dã quỳ vàng rực điểm tô rừng núi biên cương…


 Lưu niệm phút dừng chân trên đỉnh đèo trước cửa rừng già.

Tạm dừng xe trên đỉnh đèo ở độ cao khoảng 1.800m so mực nước biển trước cửa rừng già, tưởng tượng vẫy chào trần thế để lên thượng giới. Sắp sửa những nắng – gió – mù sương - mây trời cùng thâm u cây lá tấu lên một bản xúc cảm hư ảo. Tuyệt vời, tuyệt vời! - “xiều” gọi điện về cho anh Long và Nghệ trong thập thõm những “vòng sóng” Viettel cuối cùng. “Xiều” bảo, anh Long quát em đừng gọi nữa, kể nữa tao thèm. Ô, cứ tưởng “xiều” không biết thuật chuyện!
 
Còn tôi, xin sẽ kể tiếp câu chuyện khác nữa về rừng…

(còn nữa)


Đình Sâm