Chị là một bệnh nhân nhiễm HIV, là đồng đẳng viên thuộc nhóm Tự lực Sông Lam xanh ( Thành phố Vinh). Tôi đã có một chiều ngồi với chị, để được ngộ ra những biên giới mong manh của cuộc sống, giá trị của niềm tin, sự thôi thúc. Và để được tin rằng hạnh phúc là có thật ở người đàn bà mảnh mai kia khi chị sẻ chia cùng tôi những thăng trầm, biến ảo của cuộc đời mình...
Ngày định mệnh
Ấy là một ngày tháng Mười năm 2001, cầm tờ giấy xét nghiệm đề kết quả HIV dương tính của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội ) chị không tin nổi vào mắt mình. Chạy về căn phòng nhỏ, nơi mấy chị em được trung tâm tuyển lao động thuê cho ở để học tiếng Trung chờ ngày xuất cảnh sang Đài Loan, chị úp mặt trên giường.
Chao ôi, mùi mồ hôi chát mặn, mùi lam lũ đang hằn trên chăn đệm bỗng nhiên xa vời quá với chị. Những người bạn cùng phòng, họ ở mọi miền quê, cũng vì nỗi cực nhọc khó khăn mà phải rời quê, xa chồng con ra đi. Mấy hôm trước thôi, chị vẫn còn thấy mình may mắn khi nhìn những bàn tay chai sần, những gót chân nứt nẻ của họ, những vết bầm tím vì bị chồng lên cơn say đánh đập...
Họ đang lựa lời an ủi chị. Lúc đó chị đã nghĩ mình bất hạnh nhất thế giới. Chị ước được đổi lấy cái bàn tay chai sần kia, ước được đổi cái gót chân nứt nẻ, những vết bầm tím kia... bằng giá nào cũng được.
Mọi lời an ủi, lúc đó, với chị như không nghĩa lý. Tai chị ù đi, mắt nhòe nước. Cái thân thể bất động thi thoảng lại nấc lên từng chặp. Không biết đêm hay ngày, không ăn uống để vò xé mình trong cùng cực đớn đau. Mấy ngày triền miên như thế...
Những lúc rơi vào khoảng hẫng không trọng lượng, quá khứ lại hiện về trong chị như một cuốn phim quay chậm: Lên xe hoa ở tuổi 20, những chuyến đi dài của người chồng nghiện ngập, nỗi vất vả vì những lo toan quá sớm ở một cô gái quen được chiều chuộng trong gia đình, sự ra đời của đứa con nhỏ...
Hình như, chị chưa một lần được chạm tay vào hạnh phúc. Mở mắt, chị lại thấy bị vây khốn bởi bóng đêm, mặc dù ngoài kia, chỉ cách căn phòng này một bước chân là thành phố ồn ã. Người ta náo nức sống, và không ai biết, không ai dừng lại bên nỗi tuyệt vọng của chị. Chị không trách chồng, tuyệt nhiên không, dù anh là nguyên nhân của nỗi khổ đau này. Có trách chăng là ma túy, đã cướp đi của chị ước muốn về một người chồng, của con chị một người cha như bao nhiêu gia đình bình dị khác.
Không còn gì bấu víu, chị đã ước mình có thể nằm lại đây với một giấc ngủ lịm. Chị không thể trở về nhà, không thể. Chị muốn chết!
Ngọn lửa nhỏ
Đúng cái phút giây chị chọn cho mình lối đi tăm tối ấy, thì chị nhận được điện thoại của gia đình, của con gái bé bỏng mới hơn 2 tuổi. Nó gọi: "Mẹ ơi, mẹ về với con nhé chứ ở nhà cha toàn đi, không mặc áo cho con, con lạnh lắm."
Ôi, con gái. Con gái bé bỏng và yếu ớt của chị đang lạnh. Sao cái bà mẹ trẻ ngu ngơ là chị lại nghĩ đến chuyện ra đi? Rồi còn mẹ chị nữa, khi hay tin về chị, bà đã ngất xỉu.( Sau này, vì nghĩ thương con gái, có nhiều khi bà đã chạy ra đường cả đêm, như một người mắc bệnh tâm thần).Trong đầu chị, cái con đường tăm tối ấy bỗng hút xa, đáng sợ biết bao.
Chị choàng dậy, lảo đảo, thu xếp để về. Trên chuyến xe trở về hôm ấy, chị không có ý nghĩ gì khác, ngoài việc cầu mong được về thật nhanh để được nhìn thấy, được ôm con gái. Không phải chị là người sưởi ấm cho nó, mà chính nó, nó là ngọn lửa nhỏ vẫy chị quay lại, làm toàn thân chị biết run lên cái cảm giác ấm áp khi nó nép đầu vào ngực, kể cho chị nghe những chuyện ngộ nghĩnh. Sức mạnh, nghị lực, niềm tin...tất cả, tất cả là ở đó, trong cái hình hài bé bỏng vừa trọn một vòng tay ôm.
Chị lao vào làm việc, quên căn bệnh lơ lửng trên đầu mình. Ồ hóa ra, khi chị biết quên nó đi, nó cũng không còn là nỗi đe dọa, hành hạ chị nữa. Chị làm ruộng, nuôi lợn, buôn bán... và cố gắng tích cóp với ý nghĩ nung nấu rằng: Mình phải làm việc đến cùng để phòng khi đi xa, còn có một chút của hồi môn cho con gái. Có bao nhiêu lần, nhìn con, chị cũng đã đối diện với nỗi băn khoăn rằng, liệu cháu có bị lây bệnh từ bố mẹ không? Nhưng, chỉ kịp nghĩ đến thế thôi, chị đã rụng rời. Không, không thể. Cháu xinh quá, ngoan quá! Ngọn lửa nhỏ của chị không thể lụi tắt. Chị không đủ can đảm đưa con đi xét nghiệm. Chị cần phải có một chút hy vọng để sống.
Nối tiếp tai ương
Sau hành trình trở về ít ngày, chồng chị bị bắt với tội danh ma túy. 7 năm có chồng, chị chỉ có 2 năm được gần anh ấy. Nói là gần nhưng anh là lái xe đường dài, luôn vắng nhà.
Sau đó, anh có 5 năm ở trại cải tạo và được trả về khi bệnh tình quá nặng. Chồng mất, chị lại thêm một lần cạn nước mắt. Nhưng đâu đã hết. Cũng lại tháng Mười, vào năm 2008, con gái chị bị sốt, tiêu chảy liên tiếp. Chị vẫn không dám đối diện với sự thật rằng cháu đã nhiễm căn bệnh của mẹ. Khi có kết quả xét nghiệm, chị không dám đi lấy...
Rồi cũng đến lúc chị phải đối diện điều khủng khiếp nhất: Con gái chị cũng đã nhiễm HIV. Bỗng dưng trắng tay, trống rỗng tận cùng, chị như đang rơi xuống vực sâu hút gió. Chị đã thấp thỏm nhìn con lớn lên, đã khỏe mạnh nhờ hai lúm đồng tiền xinh xinh ấy, đã làm việc quên mình vì nghĩ đến một chút hồi môn cho con gái, mà sao...?
Không, bằng mọi giá chị phải cứu nó. Chị không thể buông tay, không thể đầu hàng. 10 tháng ròng, cháu bị hành hạ bởi bao nhiêu bệnh, không chỉ sốt, tiêu chảy, mà còn lao, tiêu xương, nấm máu... Người mẹ trẻ ôm con trên tay, để truyền dịch mười mấy tiếng một ngày, hàng đêm nhìn lên trời thẳm để nguyện cầu, ước mình có thể gánh hết mọi đớn đau mà con mình đang chịu cùng với bao nhiêu sự trừng phạt nữa cũng cam lòng...
10 tháng trời, khánh kiệt, không chỉ là của cải, mà cả thân xác chị cũng chỉ còn như một xác ve. Hàng ngày, trong buồng bệnh, chứng kiến những đứa trẻ hôm qua còn chơi chung cùng con gái mình, hôm nay đã đi xa, chị lại không thể rời mắt khỏi con gái, run rẩy với từng mạch đập của nó. Khi Bệnh viện Nhi Trung ương khuyên nên đưa cháu bé về, chị như người hóa đá. Lại một lần, nhìn xe cộ trôi ngoài kia, mọi người sống náo nức ngoài kia mà thấy sao thế giới lại vô tâm với bất hạnh của mình đến thế. Chị nép cái hình hài bé bỏng ấy vào sâu ngực mình và nói: Mẹ không thể mất con.
Không đầu hàng
Thế là, chị kiên nhẫn ôm con lên Bệnh viện Nhi Nghệ An, tới Phòng khám ngoại trú Nhi ( thuộc dự án Life- GAP). Những người thầy thuốc, điều dưỡng viên, cả những đồng đẳng viên đã hết sức tận tình hướng dẫn chị cách chăm sóc con, chăm sóc chính bản thân mình. Căn nhà nhỏ cấp 4, từ ngày chồng mất, mẹ chị đã đến ở cùng, bóng 2 người đàn bà ra vào với một cháu bé ốm yếu. 3 trái tim đau, vì bệnh tật, vì xót xa, tủi phận. Nhưng không một phút buông tay.
Qua cái Tết năm đó, cháu bé bỗng khỏe lên. Người mẹ như cũng hồi sinh từng ngày bằng nét tươi tắn hơn của con gái. Những bài hát nhí nhảnh lại vang lên trong căn nhà nhỏ. Và tiếng cười, lâu lắm rồi, tiếng cười cũng về lại. Con gái chị đã đứng dậy bởi một phép màu kì diệu. Phép màu ấy, phải chăng là của tình yêu thương, của lòng quyết tâm, sự nỗ lực không mỏi mệt? Cháu lại đến trường sau một năm nghỉ học đi chữa bệnh. Còn chị, bên cạnh những thấp thỏm lo âu, lại nhân lên hy vọng. Người mẹ trẻ có thêm niềm vui sống từ con và từ công việc mới của mình: đồng đẳng viên thuộc nhóm Tự lực Sông Lam xanh
Thật khó để tin, nhưng chị đã nói rằng, đến quãng thời gian này chị mới được chạm tay vào hạnh phúc. Thấu hiểu được sự trả giá của bao nhiêu nước mắt, mới thấy cái hạnh phúc đơn sơ kia nó to lớn đến nhường nào. Một đứa con ngoan, học giỏi, hàng ngày đến giờ biết nhắc mẹ uống thuốc. Một công việc, tuy thù lao rất thấp, nhưng được gặp gỡ, chia sẻ với biết bao người cùng cảnh ngộ.
Chị kể về con, về công việc không giấu được tự hào. " Thế mà đã có lúc tôi từng tuyệt vọng", chị nói, ánh mắt thật vui, như là những ngày bất hạnh đã lùi xa thật xa.
Mỗi sáng, đến phòng làm việc, chị giữ thói quen vào mạng tìm thông tin về căn bệnh AIDS, xem đã có tiến bộ y học mới nào, xem có phương pháp truyền đạt mới nào để người có H không còn cảm thấy tuyệt vọng. Chị nói chắc chắn với tôi: "Mẹ con tôi sẽ vẫn khỏe mạnh cho đến ngày tìm ra thuốc chữa." Chị còn chia sẻ rằng: "Nhiều người nghĩ nhiễm HIV là dấu chấm hết. Nhưng cuộc sống chỉ thực sự là chấm hết với người lùi bước. Một người nhiễm H rất cần vòng tay sẻ chia của cộng đồng, những ánh nhìn kì thị sẽ khiến họ nản lòng. Tôi đã từng bị kì thị, nhưng may mắn là cũng được thương yêu. Giá trị mà tôi nhận ra sau tất cả chính là ý nghĩa của cuộc sống. Cuộc sống của mỗi người được định đoạt bởi chính họ. Và, như bạn thấy đấy, tôi đang rất mạnh khỏe, con gái tôi cũng rất mạnh khỏe, học giỏi dù chúng tôi đều nhiễm HIV hơn 10 năm rồi".
Tôi lặng nhìn chị, người đàn bà mảnh mai đã chống chọi với quá nhiều tai ương kia, mà nét xuân sắc một thời vẫn không bị che khuất, thầm tin rằng, ông trời, bằng cách nào đó, cũng vẫn sẽ đền đáp cho người biết hy vọng, biết kiên nhẫn đợi chờ. Tôi hỏi chị: Chị còn trẻ và xinh như thế, sao vừa rồi không đi thi "Dấu cộng duyên dáng" ?(Một cuộc thi tìm nhan sắc của những người nhiễm HIV ở phạm vi toàn quốc). Chị cười: "Cũng có nhiều người động viên đi thi, nhưng tôi bận quá. Cơ hội vẫn còn mà, biết đâu sang năm tôi sẽ đi".