(Baonghean) - Hằng năm đến ngày giỗ của các con, hoặc ngày Tết Nguyên đán, ngày TBLS, người Mẹ ấy lại thắp lên 9 ngọn nến, 9 nén hương, xếp 9 cái bát 9 đôi đũa trong chiếc mâm tròn và lặng im thầm gọi các con. Xem bức ảnh "Đợi con về" trên tạp chí, tôi đã khóc.

Mấy năm sau, dù không còn nhớ tên tác giả của bức ảnh, song hình bóng của Bà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ trong bức ảnh ấy, thì mãi hằn sâu trong tâm tưởng bao người. Da Mẹ chằng chịt nếp gấp thời gian, tay Mẹ ghì ôm di ảnh một trong 9 người con là Liệt sỹ, tim Mẹ chằng chịt nỗi đau suốt đời chịu đựng, và tôi đoán chừng gương mặt anh bộ đội trong khung ảnh chỉ khoảng ngoài đôi mươi…

Anh đội chiếc mũ mềm gắn quân hiệu, Mẹ ngồi hóa đá bên mâm cơm mà tay vẫn ghì ôm di ảnh của anh. Giữa mâm cơm đặt bát hương khói lên nghi ngút. Vây quanh bát hương, là chín chiếc bát sứ màu trắng, mỗi chiếc bát vắt ngang một đôi đũa mộc….

Trong "Đợi con về", nơi tận cùng trái tim của Mẹ dường như khái niệm thời gian của mấy mươi năm về trước đã hóa thạch, Mẹ vẫn kiên nhẫn ngồi đợi các con. Và cho dù nước mắt bao lần chan xuống mâm cơm, Mẹ vẫn sống với niềm tin trọn vẹn: Các con của Mẹ mãi mãi xuân xanh như ngày họ lên đường tham gia giữ nước. Bức ảnh lưu giữ một khoảng lặng trong dằng dặc khoảng lặng mất mát hy sinh của Mẹ Thứ.

763438_small_59646.jpgĐợi con về

Khoảng lặng ấy không chịu ngủ yên, khoảng lặng ấy ngày càng lớn trong tâm tưởng của hằng triệu người Việt Nam, thuộc nhiều thế hệ, đang sống làm ăn, và ngày càng thêm nhiều người làm giàu trên chính miền đất có tới hằng chục vạn người con đã nằm lại, trong đó có 9 người con của Mẹ. Khoảng lặng ấy lớn tới mức bao trùm hết thảy mất mát hy sinh vô bến vô bờ của Mẹ Tổ quốc Việt Nam. Không dừng ở bức ảnh thông tấn thể hiện một điển hình người thật việc thật, "Đợi con về" đã làm được công việc "gom biển vào chai" để nói lên điều phủ lấp thẳm sâu dưới lòng biển: Mọi cuộc chiến dù đã lùi xa, song mất mát đau thương do nó gây ra thì vẫn còn ngổn ngang giữa dòng đời.

Từ nguyên mẫu của bức ảnh, Mẹ Thứ về lại thôn Thanh Quýt 2 (xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trung dũng kiên cường), để tiếp tục sống hết mình cháy hết mình với niềm tin "Đợi con về". Và ngày 10/12/2010 (nhằm mồng 5 tháng mười một năm Canh Dần), các con của Mẹ đã về trong bảng lãng khói hương, để tiễn đưa Mẹ vĩ đại về chốn vĩnh hằng, thượng thọ 107 tuổi. Hằng trăm tờ báo,  tạp chí, truyền thông đăng phát tin về việc Mẹ ra đi.

Lễ viếng, Lễ tiễn đưa Mẹ diễn ra trên đất Quảng Nam "trung dũng kiên cường", và nhanh chóng tỏa lan thành muôn vàn sự kiện giữa hằng triệu trái tim Việt Nam sống trong và ngoài lãnh thổ. Cuộc đời Mẹ là điển hình của hằng vạn nốt nhạc bi hùng, những nốt nhạc làm nên khúc tráng ca giữ nước được toàn dân tộc viết bằng xương máu, hy sinh trong suốt 30 năm của thế kỷ 20. Trong cuộc giữ nước liệt oanh ấy, Mẹ Thứ cống hiến cho nền độc lập tự do của Tổ quốc 9 người con đẻ, 1 người con rể, 2 cháu ngoại. Sự hy sinh lớn lao của Mẹ đã thành tiểu biểu của 5797  Mẹ VNAH tỉnh Quảng Nam, và của gần 50000 Mẹ VNAH trên khắp cả nước.

Mẹ Thứ sinh năm 1904 tại xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn (huyện có 1.081 Mẹ VNAH). Hai cuộc kháng chiến, khu vườn nhà Mẹ có tới 5 hầm bí mật, hằng ngày Mẹ và con gái đầu lòng là Lê Thị Trị nuôi dấu cán bộ, bộ đội, du kích. Để che mắt địch, thường ngày hai mẹ con chăn thả bò phía trên những nắp hầm bí mật ấy, khi có động hai mẹ con lại giả vờ ra vườn coi sóc bò để ngụy trang bảo vệ hầm. Khi địch rút khỏi làng, Mẹ hé mở nắp hầm để lấy không khí cho người đằng mình dễ thở.

Kháng chiến chống Pháp, 4 con của Mẹ vào Vệ quốc đoàn và dân quân du kích, trong vòng 4 tháng của năm 1948 Mẹ lần lượt nhận tin cả 3 người con hy sinh: Lê Tự Xuyến hy sinh ngày 18.6. Lê Tự Hàn (anh) hy sinh ngày 05.10. Lê Tự Hàn (em), hy sinh ngày 15.10.1948. Lê Tự Lem hy sinh ngày 01.4.1954.

Nuốt nước dấu mắt vào tim, Mẹ tiếp tục động viên 6 người con vừa trưởng thành lên đường cùng toàn dân kháng Mỹ giữ nước, các con của Mẹ chiến đấu tại nhiều địa bàn của miền Nam thành đồng Tổ quốc, rồi Mẹ lại phải nhận Giấy báo tử của các con, nhận sự chịu đựng những phần máu thịt còn lại của cơ thể đã bị chiến tranh hủy diệt: Lê Tự Nự hy sinh ngày 05.9.1966. Lê Tự Mười hy sinh ngày 14.4.1972. Lê Tự Trịnh hy sinh ngày 12.9.1972. Lê Tự Thịnh hy sinh ngày 28.8.1974. Lê Tự Chuyền hy sinh ngày 30.4.1975 lịch sử. Và con rể Ngô Tường hy sinh năm 1957, 2 cháu ngoại Ngô Thị Điểu hy sinh năm 1970,  Ngô Thị Cúc hy sinh năm 1973.

Di ảnh của Mẹ

Ba mươi năm 2 cuộc chiến, 11 lần tiễn đưa con, cháu lên đường chiến đấu, thì lần lượt cả 11 lần Mẹ Thứ khóc thầm. Trên thế giới này có đất nước nào như Việt Nam Tổ quốc tôi không? Hai cuộc kháng chiến quá vãng mấy chục năm rồi, vậy mà còn bao bà Mẹ vẫn gánh nặng nỗi đau lớn đến vô tận vô cùng như Mẹ Thứ, như các Mẹ: Phạm Thị Ngư trú xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận, có 8 con là LS, bản thân Mẹ là AHLLVTND.

Mẹ Trần Thị Mít quê xã Hải Phú, huyện Hải Lǎng, tỉnh Quảng Trị, có 9 con là LS. Mẹ Nguyễn Thị Rành trú ấp Trúc Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi,TP HCM, có 8 con là LS, bản thân Mẹ là AHLLVTND. Mẹ Lê Thị Tự quê xóm Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có 9 con là LS. Mẹ Phạm Thị Khánh, quê Hòn Đất tỉnh Kiên Giang, có 7 con là LS…

Còn nhiều, nhiều lắm, các Mẹ đã đang lặng lẽ sống giữa quê hương đất nước, trái tim phi thường của các Mẹ tiếp tục đập vì mục đích cao cả mà các con, cháu đã dâng hiến cả cuộc đời. Lặng lẽ sống với một nghị lực hy sinh chịu đựng phi thường, cuộc đời các Mẹ sẽ thành huyền thoại trong các thế hệ mai sau.

Đành rằng sinh, lão, bệnh, tử là quy luật nghiệt ngã không thể cưỡng lại, nhưng trước tin Mẹ Thứ quy tiên, hằng triệu trái tim Việt Nam ngậm ngùi thổn thức rơi lệ. Ngày 17.12.1994, Chủ tịch Nước, Quốc hội nước CHXHCNVN long trọng trao tặng Mẹ Thứ danh hiệu Bà Mẹ VNAH; Tổ quốc, nhân dân đã quyết định chọn nguyên mẫu dáng hình của Mẹ dựng nên Tượng đài Mẹ VNAH-biểu tượng của phụ nữ Việt Nam "kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang" để mãi mãi lưu truyền cho hậu thế. Từ cuộc đời của Mẹ, tác giả Nguyễn Long Biểu tạc bức tượng Bà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ bằng đá sa thạch. Cùng bức Tượng của Mẹ dựng trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, chiếc nồi đồng của Mẹ thường ngày dùng nấu cơm, đun nước uống tiếp tế cho chồng,con và bộ đội, du kích trong kháng chiến chống Mỹ được trưng bày trang trọng tại bảo tàng này.

Năm 2007 dịp kỷ niệm 60 năm ngày TBLS, Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng đã  thực hiện tác phẩm Tượng đài Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu Mẹ Thứ. Ngày 16.11.2007, Thủ tướng CP ra QĐ đưa công trình Tượng đài vào danh mục công trình văn hóa quốc gia. Ngày 27.7.2009 dịp kỷ niệm 62 năm ngày TBLS, chính quyền tỉnh Quảng Nam tiến hành Lễ động thổ xây dựng Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Quần thể Tượng đài dựng trên đỉnh núi Cấm, thuộc thôn Phú Thạch, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tượng làm bằng chất liệu đá sa thạch, cao 18,5m, rộng 84,7m, rộng theo đường cong 117m, chính giữa khối Tượng đài là chân dung Mẹ Thứ cao 18m.

Phía trước Tượng đài là Quảng trường tiền môn với 30 ô thảm cỏ tượng trưng cho 30 năm hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Đây là Tượng đài Mẹ VNAH lớn nhất nước được chọn từ phác thảo của Họa sĩ Đinh Gia Thắng và Kiến trúc sư Nguyễn Luận, với ý tưởng: Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mẹ hóa thân thành Tượng đài bất tử

Quần thể kiến trúc Tượng đài gồm 8 trụ huyền thoại, mỗi trụ cao 9 mét, đường kính bình quân trên 1,2 m bằng đá sa thạch, khắc ghi công lao của hơn 46000 Mẹ VNAH trên khắp cả nước. Bên trong lòng Tượng đài là Nhà tưởng niệm Mẹ VNAH diện tích 400m2, bao gồm phòng trưng bày, phòng khách, khu bảo quản giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và cống hiến của các Mẹ đối với Tổ quốc, nhân dân. Hai bên Tượng đài là hai thảm hoa 600m2 với nhiều họa tiết, sắc thái của 54 dân tộc anh em sống trên Tổ quốc Việt Nam.

            ***
Cuộc đời Mẹ Thứ là điển hình về  mất mát đau thương quá sức chịu đựng của các bà  mẹ miền Trung quê tôi trong kháng chiến vệ quốc, vừa là điển hình về sự hy sinh cao cả, về khát vọng tự do, hạnh phúc của một dân tộc anh hùng. Tuổi đời của Mẹ Thứ không thiên thu như muôn người, nhưng cuộc đời vĩ đại của Mẹ đã thành bất tử, đã hóa thân thành tượng đài giữa lòng Tổ quốc nhân dân.


Giao Hưởng