(Baonghean) - Nói đến chuyện quyên góp làm từ thiện, lại nhớ hồi bé thỉnh thoảng có một người ăn mặc tùng tiệm, cầm mấy gói tăm tre đi đến gõ cửa từng nhà trong xóm, mời mua tăm ủng hộ người mù. Ở trường cũng thấy phát động phong trào mua tăm ủng hộ người mù, về xin bố mẹ 500, 1.000 đồng đến nộp cho cô giáo và nhận về mấy gói tăm nhỏ nhỏ xinh xinh, tự nhiên cảm thấy mình có ý nghĩa với xã hội kinh khủng!

Bây giờ lớn rồi mới hiểu được hết ý nghĩa của những việc mình làm, của khái niệm "làm từ thiện". Mình nghĩ, tập thói quen cho thế hệ trẻ sống bác ái là rất tốt, nhưng quá trình giáo dục nhân văn ấy chỉ thực sự hoàn chỉnh khi bản thân mỗi người nhận thức được trách nhiệm của mình, thậm chí khi ấy, chẳng còn là nghĩa vụ mà xuất phát từ nguyện tâm của mỗi cá nhân. Dạo một vòng trang mạng xã hội bây giờ, thấy có không ít nhóm các bạn trẻ cùng nhau hoạt động xã hội, quyên góp và gây quỹ làm từ thiện. Chính một cô bạn của mình cũng là thành viên khởi lập một nhóm như thế. Hoạt động được hơn hai năm, số lượng thành viên hiện tại vào khoảng 20 - 25 người, chủ yếu trong độ tuổi 20 - 35. Đợt này, nhóm đang rục rịch chuẩn bị tổ chức Tết cho người nghèo, gọi điện lúc nào cũng thấy đang ở một huyện miền núi vùng sâu vùng xa nào đó.
 
Nhóm của bạn mình chỉ là một trong số ít nhóm hoạt động xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Điều đáng chú ý là hầu hết các nhóm trên đều là nhóm tự phát, hoạt động tự do và không trực thuộc một cơ quan, đoàn thể nào. Cô bạn mình chia sẻ: "Các thành viên của nhóm đều ở độ tuổi đi làm, không phải bao giờ cũng có thời gian, điều kiện hoạt động. Thế nên bọn mình thích được tự chủ hơn là trực thuộc, phụ thuộc. Tất nhiên, cái gì cũng có hạn chế của nó, hoạt động tự do đồng nghĩa với việc tiếp cận cơ sở hay vận động, gây quỹ gặp khó khăn hơn. Do tính chất tự phát nên tạo dựng được sự tín nhiệm của mọi người là rất khó. Cũng phải mất một thời gian dài, nhóm mới gây được nguồn quỹ ổn định như bây giờ. Không phải là quá dồi dào, nhưng nhiều nhóm như bọn mình, ắt sẽ đóng góp được phần nào".
 
Những chia sẻ của cô bạn khiến mình không khỏi suy nghĩ. Thống nhất các tổ chức, hội nhóm như thế này, đặt dưới sự quản lý, chủ quản của một cơ quan, đơn vị là điều không thể và cũng không cần thiết. Tuy nhiên, có nên chăng thiết lập một cơ chế quản lý, theo đó các hội, nhóm, tổ chức đăng ký với cơ quan chủ quản và cung cấp các thông tin như: tên nhóm, số lượng thành viên, địa bàn hoạt động và đối tượng. Đồng thời, báo cáo định kỳ về kết quả hoạt động của nhóm, tổng kết và hồi đáp thông tin cho các nhóm nắm bắt, từ đó phân bố địa bàn và đối tượng để có sự dàn trải đồng đều hoặc phối hợp cùng nhau hoạt động. Xa hơn nữa là tổ chức các hội nghị gặp mặt thường kỳ để các nhóm giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và thông tin. Tất cả những hoạt động đó diễn ra dưới sự định hướng, xâu nối của một cơ quan chủ quản.
 
Cô bạn mình nghe xong, ngẫm nghĩ một lát rồi gật gù tán đồng: "Cậu nói rất phải, nhưng vấn đề là ai đứng ra làm những việc đó? Rất khó và cũng rất mất công". Đúng là khó thật, khó ngang với việc cô bạn mình vận động gây quỹ những ngày đầu mới thành lập nhóm, khi chưa gây dựng được sự tín nhiệm và ghi nhận của xã hội. Nhưng rõ ràng bạn mình, và rất nhiều bạn khác cũng đã làm được, có lẽ nhờ vào nguyện tâm đáng quý và sự kiên trì, bền bỉ. Vậy thì, còn điều gì là không thể?
 
T.A