Trước SLNA thì Thanh Hóa, TP.HCM, Sài Gòn đều không tiếc tiền để thuê thầy ngoại, mua hàng loạt ngôi sao nhưng tiền bạc không thể đổi thành tích. Năm nay, các CLB TP.HCM lẫn Sài Gòn đều có những cách làm khác, không tạo áp lực thành tích lên BHL, cầu thủ như các mùa giải trước đây.
Nhìn người lại ngẫm đến ta
Cùng tiếp quản đội bóng như Tân Long, nhưng ông bầu Văn Trần Hoàn của Hải Phòng chỉ đưa chỉ tiêu tốp 5 V.League 2022 cho BHL, cầu thủ. Có trong tay các ngoại binh có chất lượng như các ngoại binh đã nhiều năm chơi bóng ở Việt Nam như Rimario, Moses, Mpande, cùng các nội binh Việt Hưng, Hải Huy, cầu thủ nhập tịch Martin Lo cùng HLV Chu Đình Nghiêm, nhà cầm quân có thành tích tốt nhất V.League hiện nay nhưng bầu Hoàn vẫn có một quyết định khá khôn ngoan. CLB Hải Phòng muốn thay đổi từ lối đá dài đơn điệu sang lối chơi kiểm soát ngắn, ban bật nhỏ hơn là thành tích tức thì. Một cách làm bóng đá khá chuyên nghiệp, phù hợp với tình hình thực tế.
Chưa đến 50% trong số 14 bản hợp đồng của T.Bình Định ra sân trong trận đối đầu với SLNA người xem cũng biết được sức mạnh đáng sợ của đội bóng này. Nhìn cái cách thay người, “xoay rubik” của HLV Chu Đình Nghiêm để đội bóng đất Cảng giành 2 trận thắng kiểu“Fergie Time” thì người ta mới biết đối thủ của HLV Huy Hoàng tại V.League tầm cỡ như thế nào.
Tại V.League mùa này, ngoài các nhà cầm quân ngoại của Hà Nội, Thanh Hóa, HAGL thì Đức Thắng, Chu Đình Nghiêm, Phan Thanh Hùng, Trương Việt Hoàng đều được đánh giá cao hơn Huy Hoàng. Ngay cả HLV Thành Công đang dẫn dắt H.Hà Tĩnh cũng được giới chuyên môn chấm điểm thành tích, kinh nghiệm hơn nhà cầm quân của SLNA. Nhìn cựu cầu thủ SLNA bày binh, bố trận đối đầu với Kiatisak với dàn cầu thủ đội tuyển ngay trên sân Pleiku thì có thể thấy ông thầy của H.Hà Tĩnh có trình độ khá cao.
Trong khi đó, chủ đội sân Vinh là đội bóng đứng cuối bảng xếp hạng sau 12 vòng đấu V.League 2021, chỉ có 3 bản hợp đồng đáng kể Quế Ngọc Hải, Đình Hoàng, Trọng Hoàng mà SLNA đã mạnh dạn tuyên bố mục tiêu tốp 3 là điều đáng ngạc nhiên. Niềm hy vọng của hàng công dồn vào Olaha, cầu thủ khi chơi 3 mùa bóng cho SLNA cũng chỉ có 18 bàn thắng, thuộc dạng trung bình của ngoại binh V.League.
Thầy trẻ
Trong cabin kỹ thuật, không kể trợ lý ngôn ngữ thì SLNA có 6 HLV. Trong đó, đứng đầu là HLV trưởng Huy Hoàng tuy đã 41 tuổi nhưng tuổi nghề chỉ vẻn vẹn có 1 trận cầm quân V.League. Trợ lý phân tích trận đấu Xuân Hiếu không xuất thân từ cầu thủ, kinh nghiệm chuyên môn cầm quân V.League cũng không nhiều hơn em trai mình. Gánh nặng trong khu kỹ thuật đổ dồn lên vai Như Thuật, Văn Quyến, Bùi Lê Minh và trợ lý thủ môn Đức Thắng. Phó Giám đốc CLB Văn Sỹ Hùng là người ít nhiều còn có vài tháng cầm quân tại V.League thì đã sớm rời CLB.
Thực tế, ít CLB bố trí một người từng đảm đương chức vụ HLV trưởng, rồi Giám đốc kỹ thuật xuống làm trợ lý thủ môn cho BHL sau như SLNA hiện nay. Trong trận gặp T.Bình Định khi bị thua ngược, ống kính truyền hình cho thấy chỉ HLV Huy Hoàng đứng im, nhìn đồng hồ và chịu trận một mình. Trên mạng xã hội, không nhiều cổ động viên xứ Nghệ nhận định Huy Hoàng đủ sức đưa SLNA vào tốp 3 V.League 2022.
Đá hay cho dân sướng
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Lê Doãn Hợp trong một lần ông đến thăm đội bóng này khi còn đương chức đã căn dặn BHL, cầu thủ SLNA, hãy “Đá hay cho dân sướng, đá thắng cho dân vui”. Nhưng trong bối cảnh cụ thể này có lẽ nên đặt mục tiêu “Đá hay cho dân sướng” trước khi “đá thắng cho dân vui” bởi không chỉ tập đoàn Tân Long đổ tiền vào SLNA, các đội bóng Bình Định, Hải Phòng, Hà Nội cũng không tiếc thì tuyển quân. Mùa này, chỉ cần các cầu thủ SLNA đá đúng bản sắc, thế là thành công lắm rồi.