(Baonghean) - Trên các chuyến bay từ Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về TP. Vinh và nhiều chuyến bay nội địa khác, khi máy bay còn chưa dừng hẳn, nhiều hành khách đã đứng dậy, mặc áo, lấy đồ… chen lấn, xô đẩy, đôi lúc hỗn loạn. Thói quen đó nói lên nhiều điều.
Thực tế, nhiều hành khách nước ngoài rất ngạc nhiên với sự chen lấn của người Việt Nam. Họ thường chọn cách ngồi yên và rời khỏi máy bay cuối cùng cho an toàn… Bình thường, hành khách ngồi ở hàng ghế trên lấy hành lý xuống trước, cứ như vậy đến hành khách ở hàng ghế cuối cùng. Trước đây, các tiếp viên thường nhắc nhở, nhưng hình như hướng dẫn và nhắc nhở không tác dụng nhiều với hành khách Việt trên các chuyến bay nội địa…
Nhưng đáng suy ngẫm là, nhiều người đã ra nước ngoài, đều cho biết rất ít khi thấy cảnh chen chúc mà không xếp hàng. Và những người Việt có thể chen lấn, xô đẩy để có một vị trí tốt trên máy bay, xe bus ở Việt Nam… thì vẫn tuần tự xếp hàng ở xứ người!
Qua khảo sát và phân tích thực tế của các cơ quan chức năng, số những người thường xuyên chen lấn tại các sự kiện, điểm phục vụ dân sinh, thì người chen lấn không phải là những người nghèo khó. Họ không phải là những người bán vé số hay chạy xe ôm, không phải những người phải chạy ăn từng bữa... Đơn cử, hàng nghìn người chen lấn để có được một đĩa shusi miễn phí không quá 50 nghìn đồng tại một của hàng ở Thủ đô Hà Nội khi mới khai trương, chắc chắn không phải vì thiếu ăn, đói ăn… Thế ra, người ta coi trọng một đĩa shusi hơn cả danh dự? Nhiều người thì nhận định, ở mình chỉ cần 2 người trở lên là có ngay phản xạ chen lấn.
Nói gì thì nói, ít nhất người Nghệ An cần khắc phục sự chen lấn, xô đẩy ở các chuyến bay về TP. Vinh như lâu nay; nhất là khi Sân bay Vinh được nâng tầm Cảng hàng không quốc tế…
Phan Nguyên Hào