(Baonghean) - Quốc hội khóa XIII có 40 đại biểu là doanh nhân, là nhiệm kỳ có số đại biểu doanh nhân nhiều nhất từ trước đến nay.
 
Đây là sự đổi mới của Quốc hội nhằm tạo điều kiện cho giới doanh nhân có tiếng nói trên nghị trường. Nhưng qua các kỳ họp Quốc hội khóa này, một số đại biểu là doanh nhân đã “gây sốc” trên nghị trường và dư luận. Một nữ doanh nhân khá nổi tiếng là đại biểu Quốc hội khóa XIII, đã phải nhận Nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu với lý do: Trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội đã khai không trung thực làm cho cử tri và tổ chức hiểu không đúng về tài sản và quá trình hoạt động của bản thân, vi phạm Điều 3, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội. Em ruột của bà này cũng là một doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội, lại gây nghi ngờ cho các đại biểu khi có đơn xin nghỉ một kỳ họp để đi chữa bệnh, sau đó bất ngờ xuất hiện và tuyên bố với báo chí: “Đáng lẽ tôi không nên vào Quốc hội”. Có đại biểu Quốc hội cũng là một doanh nhân, từng gây “sốt” khi có những phát ngôn thiếu tinh thần xây dựng, chĩa “mũi dùi” vào các đại biểu Quốc hội để rồi sau đó phải công khai xin lỗi...
 
Đến trường hợp đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga thì sai phạm đã ở mức nghiêm trọng. Là một doanh nhân, bà Nga đã bất chấp mình là đại biểu Quốc hội để lao theo cuộc chơi “đỏ đen” trong kinh doanh bất động sản. Sau khi bị đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, ngày 7/1/2015 bà Châu Thị Thu Nga đã phải vào trại giam với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gây hậu quả nghiêm trọng. 
 
Không ai hình dung nổi một doanh nhân là đại biểu Quốc hội lại dựng lên dự án “ma” để huy động của dân hơn 500 tỷ đồng với danh nghĩa mua nhà ở chung cư để chiếm đoạt tài sản… Trò lừa đảo trong kinh doanh bất động sản thì nhiều, nhưng ở đây vấn đề là người dân bị lừa bỏ tiền ra mua những ngôi nhà trên giấy, bởi gửi gắm niềm tin vào một đại biểu Quốc hội.
 
Qua những trường hợp trên cho thấy, việc cơ cấu doanh nhân vào Quốc hội là vấn đề không đơn giản. Cơ cấu doanh nhân vào Quốc hội là một chủ trương đúng đắn, bởi doanh nhân ngày càng có vị trí quan trọng trong xã hội. Vào Quốc hội, họ không chỉ làm đại biểu của dân, mà còn làm đại biểu của giới kinh doanh, đem tiếng nói của các doanh nghiệp đến với Quốc hội. Thông qua tiếng nói của các đại biểu là doanh nhân, Quốc hội sẽ có cơ sở đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời trong phát triển doanh nghiệp. Để đạt mục đích đó, các doanh nhân là đại biểu Quốc hội phải đại diện cho giới kinh doanh để làm tròn trách nhiệm là đại biểu của dân.
 
Nhưng là doanh nhân, thì luôn phải tính toán lời lỗ trong kinh doanh, là đại biểu Quốc hội phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Hai trạng thái tư duy này không phải lúc nào cũng thống nhất trong một con người vừa là doanh nhân vừa là đại biểu Quốc hội  Doanh nhân là đại biểu Quốc hội hiểu rất rõ trách nhiệm của mình trước nhân dân. Nhưng vì mục đích lợi nhuận, họ có thể làm những việc đi ngược lại quyền lợi của nhân dân. Lừa đảo như bà Châu Thị Thu Nga là trường hợp hy hữu. Còn trong các trường hợp kinh doanh bình thường khác, doanh nhân là đại biểu Quốc hội chưa chắc đã dám hy sinh lợi ích của doanh nghiệp để bảo vệ lợi ích của người dân khi hai lợi ích này có mâu thuẫn. 
 
Để trở thành đại biểu Quốc hội phải bảo đảm những tiêu chuẩn chung về phẩm chất, năng lực theo quy định của pháp luật. Nhưng với đại biểu Quốc hội là doanh nhân, đạo đức kinh doanh là tiêu chuẩn hàng đầu, là thước đo phẩm chất và nhân cách. Kinh doanh đúng pháp luật, đúng quy luật kinh tế thị trường sẽ đem lại lợi nhuận chính đáng cho doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi khi doanh nghiệp đóng góp tích cực cho xã hội. Ngược lại kinh doanh theo kiểu gian lận, lừa đảo thì sớm muộn doanh nhân cũng sa lưới pháp luật, còn người dân trở thành nạn nhân của doanh nghiệp. 
 
 
 
 
Trần Hồng Cơ