(Baonghean) - Nước ta chưa phải là một nước giàu. Điều đó ai cũng biết. Nhưng cách tiêu tiền (dĩ nhiên là tiêu tiền công) của ta thì nỏ khác chi địa chủ.
 
Dám khẳng định như rứa là vì lâu lâu, báo chí nước ta lại rộ lên những tin bài theo kiểu “con đường đắt nhất hành tinh”, “đoạn đường đắt nhất hành tinh”… Mà tiêu biểu nhất là đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu ở quận Đống Đa (Hà Nội) chỉ dài khoảng 1.500m, nhưng ngốn tới gần 2.000 tỷ đồng. Tương đương, tổng thu ngân sách trong 4 năm của một tỉnh Tây Bắc. Đó là đường nội đô. Còn đường cao tốc cũng chẳng kém cạnh gì. 1 km đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi “ngốn” khoảng 12,7 triệu USD (tương đương 267 tỷ đồng). Trong khi ở Trung Quốc - nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, để có được 1 km đường loại đó, người ta chỉ tốn khoảng 5 triệu USD và Mỹ - nước giàu nhất hành tinh mà làm đường kiểu đó cũng chỉ dám chi ra 4,5 triệu USD cho 1 km.
 
Nhìn vào đó, rõ ràng ta tiêu tiền không những nỏ kém mà còn vượt xa các nước giàu. Ai dám bảo là nghèo thì không chịu chơi bằng giàu nào? Có điều, chịu chơi, chịu chi thì chịu nợ cũng nhiều. Chuyện nớ thì ai cũng biết, cũng đã thấy cả rồi và có vẻ như người ta lại tiếp tục “bơ” đi sau vài ồn ào trong dư luận và trên các diễn đàn. Vì rằng, nghe nói suất đầu tư cho 1 km đường sắt trên cao ở các đô thị lớn của ta như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng nhiều khả năng đoạt kỷ lục thế giới về giá thành.
 
Theo số liệu cập nhật đến tháng 11 của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), tổng mức đầu tư điều chỉnh của tuyến Hà Đông – Cát Linh đạt hơn 18.000 tỷ đồng (tăng trên 9.230 tỷ đồng) cho 13,5 km đi trên cao. Trong khi đó, tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội ngắn hơn 1 km nhưng có 4 km đi ngầm (chiếm 32%), suất đầu tư theo đó vượt 2.600 tỷ đồng mỗi km. Như vậy, suất đầu tư mỗi km tại đây khoảng 1.333 tỷ đồng. Còn theo tính toán của Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh thì chi phí đầu tư xây dựng mỗi km đạt gần 2.000 tỷ đồng, tương đương 94 triệu USD, xấp xỉ các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhưng đó là chưa tính tới nguồn tiền chi cho giải phóng mặt bằng. Nếu tính thì chắc chắn sẽ lại đạt danh hiệu “con đường đắt nhất hành tinh”.
 
Và để lý giải cho sự đắt đỏ khác người đó ở ta, những người có liên quan nói, việc tính giá thành phụ thuộc các yếu tố như mục đích an toàn mức độ cao nhất hay đường sắt đô thị giản đơn, tuổi thọ sử dụng, thời gian đầu tư xây dựng; đặc điểm địa hình, địa chất, đặc biệt là phụ thuộc vào kết cấu, tỷ lệ xây dựng ngầm... Rồi còn do chi phí giải phóng mặt bằng ở ta cao hơn nước ngoài… Toàn là những nguyên nhân, lý do khách quan, hợp lý và bất khả kháng cả. Mà tịnh không một ai nói gì về nguyên nhân chủ quan, ví như sự quản lý tài chính yếu kém, lãng phí, thất thoát và cả những hiện tượng “gửi giá” vào trong đủ thứ nguyên, vật liệu để trục lợi cá nhân và suất đầu tư càng lớn thì chia chác càng được nhiều… 
 
Tóm lại là người ta tìm đủ mọi cách, mà nói  như người Nghệ ta là: trút nhớt cho lươn. 
 
Nghệ Nhân