(Baonghean) - Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là vinh dự, là niềm tự hào to lớn của cả nước nói chung và của nhân dân xứ Nghệ nói riêng. Vậy là những làn điệu mộc mạc của dân quê nơi thôn dã vùng đất Hoan - Diễn xưa đã được cả thế giới công nhận và tôn vinh. Vấn đề còn lại là phải làm gì và làm như thế nào để tiếp tục và mãi mãi xứng đáng với sự tôn vinh ấy?
Sở dĩ phải đặt ngay câu hỏi như vậy là vì, đã có những di sản văn hóa được UNESCO vinh danh và sau đó đã bị thu hồi lại danh hiệu vì không còn giữ được mọi thứ nguyên vẹn như khi được công nhận. Cụ thể là năm 2007, Khu Bảo tồn Arabian Oryx của Oman cũng bị tước danh hiệu khi để tình trạng săn bắn trộm diễn ra tràn lan và nạn ô nhiễm môi trường khiến các loài vật quý hiếm ở đây suy giảm mạnh. Hai năm sau đó, UNESCO đã tước danh hiệu Di sản thế giới của Thung lũng Elbe ở Dresden (Đức), do nơi đây đã tiến hành xây dựng cây cầu bốn làn bắc qua sông, phá hỏng cảnh quan của thung lũng này. Và ca trù của nước ta, tuy vẫn giữ được danh hiệu là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Nếu không có cách cứu vãn kịp thời thì khả năng bị thu hồi danh hiệu rất cao.
Do đó, việc cần làm ngay sau khi được tấn phong là phải tạo điều kiện thuận lợi có các chương trình, đề án cùng các giải pháp cụ thể để khoảng 15 điệu ví, tám điệu dặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp tiếp tục được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt. Nhất là ở các làng, thôn, xóm, khu dân cư của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, tạo nên bản sắc riêng của văn hóa xứ Nghệ. Theo đánh giá của các chuyên gia về di sản thì dân ca ví, dặm rất đời thường và dung dị, do đó, công tác bảo tồn sẽ không gặp nhiều thách thức như các loại hình nghệ thuật đài các và đòi hỏi sự tinh tế và cầu kỳ trong biểu diễn. Tuy vậy, nếu không có bước đi, cách làm phù hợp thì không dễ gì đạt được kết quả như mong muốn. Phải làm sao để vừa quảng bá, sân khấu hóa được di sản, nhưng không đời thường hóa nó và phải làm sao để dân ca ví, dặm vốn gắn bó chặt chẽ với phương ngữ xứ Nghệ có thể lan tỏa ra bên ngoài, được hiểu và yêu thích bởi các cộng đồng khác.
Đây thật sự là một thách thức, bởi những làn điệu ví, dặm nảy sinh và tồn tại song hành với các sinh hoạt và các nhóm nghề nghiệp có từ xa xưa trong chốn thôn quê. Nay các làng nghề, các hình thức sinh hoạt dân gian, các hình thức diễn xướng gắn với loại hình sinh hoạt này ngày càng ít đi, thậm chí biến mất. Nghĩa là môi trường sống của ví, dặm hiện tại rất hạn hẹp và mong manh. Vì thế, việc cần làm trước mắt là phải phục hồi, tái tạo lại môi trường sống cho ví, dặm. Đầu tiên là đi tìm những chủ nhân đích thực của các làm điệu ví, dặm chính là những người dân am hiểu về loại hình sinh hoạt văn hóa dân dã này, mà ta hay gọi là những “nghệ nhân dân gian” để lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đi cùng với đó là tạo môi trường sống phù hợp với ví, dặm trong cộng đồng, trong chính môi trường diễn xướng của loại hình nghệ thuật dân gian này. Đó chính là khôi phục các làng nghề, các nghề thủ công truyền thống gắn với phục vụ du lịch để việc hát dân ca được gắn với không gian sinh hoạt và môi trường lao động của cộng đồng. Đồng thời, tạo được nguồn thu để duy trì một cách bền vững.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các câu lạc bộ, các nhóm hát dân ca trong từng làng, từng xã và trở thành một sinh hoạt văn hóa thường xuyên. Và nên coi đây là một trong những tiêu chí để được công nhận làng, xã văn hóa. Đặc biệt cần đưa dân ca ví, dặm trở thành một phương tiện tuyên truyền hấp dẫn bằng các vở kịch dân ca có đủ ví, dặm, tạo thêm sức sống mới ngay trong cuộc sống thường ngày của cộng đồng. Một điều không thể thiếu, là ngay bây giờ phải bắt tay vào làm thật tốt công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị của danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Dân ca ví, dặm Nghệ - Tĩnh cho người dân hiểu rõ danh hiệu cao quý đó, di sản văn hóa phi vật thể vô giá đó là của chung tất cả mọi người dân xứ Nghệ. Để từ đây có ý thức tham gia một cách chủ động, tích cực và sáng tạo nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát triển dân ca ví, dặm.
Duy Hương