(Baonghean) - Báo chí đưa tin, nông dân một số tỉnh phía Nam đang chặt bỏ cây điều, cà phê và cả cao su nữa để chuyển sang trồng tiêu. Bởi lẽ, giá tiêu bán ra hiện đang ở mức rất cao, hơn 200 nghìn một kg. Nhưng đó là giá hiện tại. Còn khi tiêu ra quả, liệu còn giữ được giá đó nữa hay không. Hay lại mất giá, lại chặt bỏ để chạy theo loại cây khác có giá cao hơn? 
 
Vậy là cho đến hôm nay, người nông dân ở ta vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn trồng, chặt bỏ rồi lại trồng, lại chặt bỏ. Mỗi khi có loại cây, con nào cho giá trị cao hơn là cả làng, cả xóm lại xúm vào nuôi, trồng. Đến khi ra sản phẩm thừa mứa, tiêu thụ không hết lại vứt bỏ. Chẳng biết đã bao nhiêu lần người nông dân xứ ta phải gạt nước mắt chặt bỏ cây điều để trồng cà phê. Chặt cà phê để trồng ca cao. Chặt ca cao để trồng cao su. Chặt cao su để trồng tiêu, trồng điều. Và nay lại chặt điều để trồng tiêu. Bạc tiền, mồ hôi của người nông dân cứ bị lãng phí theo kiểu làm ăn luẩn quẩn đó suốt bao năm qua mà không có cách gì hãm lại được. Để rồi đến hôm nay, nông dân là tầng lớp cần cù, chịu thương, chịu khó nhất nhưng lại là tầng lớp có cuộc sống khốn khó nhất. Giật mình nhìn lại thì thấy, có vẻ như trước đây và cả hiện tại, người nông dân vẫn phải tự mình lo liệu cho mình là chính. Trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả thì họ phải tự mò mẫm, học hỏi nhau rồi chủ yếu là làm theo phong trào. Thấy ai trồng cây gì, nuôi con gì có lãi cao một chút là đổ xô vào làm theo. Làm ra sản phẩm mà không biết bán đi đâu, lại phải phụ thuộc vào thương lái. Chấp nhận để họ bắt chẹt đủ đường chỉ vì một lẽ là không bán cho họ thì không biết bán đi đâu. Trung tuần tháng 11 vừa rồi, nông dân Cà Mau phải đốt bỏ cả cánh đồng mía vì đến kỳ thu hoạch mà không có người mua. Sau mấy tháng đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên đồng ruộng, kết quả thu được chỉ là những đám tro than đen đúa và khét đắng mà thôi. Đau xót biết bao nhiêu!
 
Nhớ một dạo, câu cửa miệng của không ít người khi nói với nông dân là “phải trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả” mà rồi chẳng ai chỉ ra được cho người ta cụ thể là nuôi con gì, trồng cây gì. Mà cũng chẳng ai chỉ ra được cho nông dân là nuôi, trồng rồi thì sản phẩm đem bán ở đâu. Bẵng đi một thời gian, không nghe người ta nói tới câu nói quen thuộc đó nữa mà chuyển qua hô hào đẩy mạnh chăn nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa. Nói vậy cho phù hợp với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Mà rồi cũng chưa nghe thấy ai nói làm hàng hóa xong thì bán đi đâu. Giả sử, xã nào cũng thực hiện tốt việc đó thì rồi đống hàng hóa chất cao như núi tiêu thụ theo phương cách nào cho hết hay lại phải đổ bỏ như bắp cải, cà chua và dưa hấu khi rộ mùa? Thì cứ ngồi họp, cứ bàn bạc với nhau, nhưng hãy bớt bàn những chuyện cao xa này nọ đi mà nên giơ tay biểu quyết cho những việc cụ thể ích dân, lợi nước. Như là chấm dứt cái vòng luẩn quẩn nói trên. Trước phá tiêu để trồng điều thì nay lại chặt điều để trồng tiêu. Mai mốt lại... Phải làm sao giúp nông dân thoát khỏi cái vòng quay tiêu điều đó.
 
Tri Kỷ