(Baonghean) - 4 năm trước, tôi là nạn nhân bị tai nạn giao thông phải nằm điều trị hơn 2 tuần ở bệnh viện. Thời gian đã trôi qua khá lâu nhưng những ám ảnh mà tôi phải chứng kiến về tai nạn giao thông trong những ngày điều trị tại bệnh viện vẫn còn nguyên cảm giác sợ hãi.
 
Đó là những nỗi đau của người mẹ già, người vợ trẻ khi mất đi những người thân yêu. Phần lớn họ những người trụ cột trong các gia đình. Đó là những đứa trẻ mồ côi lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương của cha mẹ. Đó là nước mắt, thương tích, là chết chóc, bi thương... giữa thời bình. Trong thâm tâm, tôi thực sự không muốn nhắc lại những ám ảnh 4 năm về trước. Hy vọng, chia sẻ lại những gì đã chứng kiến với mong muốn bất kỳ ai khi tham gia giao thông phải có trách nhiệm hơn với chính mạng sống của bản thân mình và những người xung quanh, từ đó giảm thiểu những nỗi đau không đáng có.
 
Nước mắt
 
Trong những ngày nằm trên gường bệnh, khi vết thương trên cơ thể đã bắt đầu bình phục là lúc tôi phải tận mắt nhìn thấy những khuôn mặt căng thẳng, mệt mỏi, phờ phạc sau chấn động của tai nạn giao thông. Đó là tiếng rên rỉ, gào thét đau đớn của bệnh nhân ở nhiều cấp độ nguy kịch khác nhau. Đó là ánh mắt vô hồn, man dại của một người mẹ trẻ bên cạnh đứa con không qua khỏi lưỡi hái tử thần đi ra từ phòng cấp cứu. Đó là khuôn mặt héo hắt và tiếng gào khản đặc giữa đêm đông của người mẹ trên 70 tuổi nhìn đứa con vĩnh viễn ra đi vì uống rượu say, đâm xe vào cột mốc cách nhà vài trăm mét... 
 
Có những bệnh nhân bị tai nạn được đưa đến bệnh viện không biết mình là ai và ra đi mãi mãi mà không có lấy một người thân bên cạnh... Bước chân y tá, bác sỹ vội vàng trong tĩnh lặng chạy đua với lưỡi hái tử thần. Nỗi đau, mất mát của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng là nỗi buồn của người bác sỹ. Đôi lúc, thiết nghĩ tiếng còi xe cứu thương như tiếng bom rơi, đạn nổ trong chiến tranh...
 
Mất mát và hệ lụy
 
Tai nạn giao thông để lại những hậu quả, mất mát và những nỗi đau không gì có thể bù đắp. Mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha... những số phận thiệt thòi, những mảnh đời nghiệt ngã. Tai nạn giao thông làm chia lìa những người thân thuộc, máu mủ, tước đi niềm hy vọng của cả gia đình và cộng đồng. Sau những vụ tai nạn giao thông, kéo theo đó là nỗi đau luôn đè nặng cho người ở lại và cả xã hội. Thương tật, mất khả năng lao động, đói nghèo, khánh kiệt từ vấn nạn của tai nạn giao thông. Anh T, một nạn nhân nằm cùng buồng bệnh bị gãy chân, tay sau một tai nạn. Vết thương của anh rồi sẽ lành, nhưng nỗi dày vò vì chính anh đã cướp đi sinh mạng của một người là trụ cột của gia đình qua vụ tai nạn do anh không làm chủ tốc độ. Anh cũng là nạn nhân của chính anh. 
 
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia mỗi năm có trên 10.000 người thiệt mạng. Bình quân mỗi ngày có 25-27 gia đình mất người thân, đó là chưa kể những người bị thương tật suốt đời để lại nhiều hệ lụy. Về vật chất, hàng năm cả nước cần trên 40.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả do tai nạn giao thông gây ra. Có người ví, tai nạn giao thông ở Việt Nam như “sóng thần” ở Nhật Bản. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, ở Nhật Bản thì hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới có “sóng thần”, còn tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn diễn ra hết năm này qua năm khác, chưa biết bao giờ mới dừng lại. 
 
Từ tai nạn của bản thân rút ra rằng, bi kịch thực sự chính là vô ý thức trong tham gia giao thông. Chỉ đến khi chính mình phải hứng chịu mất mát, để lại nỗi ám ảnh suốt đời không gì thanh tẩy được thì mới nhận ra chính là chúng ta đang thiếu một thứ rất quan trọng, đó là văn hóa tham gia giao thông. 
 
Nguyên nhân của thực trạng
 
Chúng ta có thể kể ra rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng sâu xa nhất vẫn là ý thức chưa cao khi tham gia giao thông của mỗi người. 
 
Nhiều câu hỏi thường trực là tại sao hạ tầng và phương tiện giao thông ngày càng tốt hơn, hiện đại hơn nhưng tai nạn giao thông cũng tăng thêm? Phải chăng yếu tố ý thức con người khi tham gia giao thông chưa được chú trọng. Ngay ở các đô thị lớn, vẫn diễn ra tình trạng người tham gia giao thông bằng xe gắn máy, thậm chí điều khiển ô tô, vì một lý do này khác tự ý vượt đèn đỏ, lấn chiếm làn đường, vỉa hè, thanh, thiếu niên đua xe trái phép, uống rượu bia khi tham gia giao thông... Ở nông thôn, tình trạng người tham gia giao thông khi chưa có bằng lái, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu... vẫn khá phổ biến. Nhiều người còn không thuộc, hiểu ý nghĩa của các biển báo hiệu giao thông, các quy định về làn đường... do vậy, khi tham gia giao thông dễ gây tai nạn. Để rồi khi tai nạn xảy ra lại đỗ lỗi cho hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, đường xấu, nhiều ổ gà, sửa đường, đào đường không có biển báo... Nhưng thực tế nếu người tham gia giao thông hiểu luật, chấp hành tốt quy tắc đảm bảo ATGT thì sẽ giảm được rất nhiều tai nạn.
 
Chấp hành luật pháp là tôn trọng bản thân
 
Thực tế chúng ta đã có luật và các hệ thống quy phạm về đảm bảo ATGT nhưng khi lưu thông trên đường, ai cũng chỉ nghĩ đến mình mà ít khi nghĩ tới người khác, vì vậy mới gây nên cảnh tắc đường do chen lấn, và nghiêm trọng hơn là gây ra tai nạn. Nhiều người uống rượu, bia quá nồng độ, học sinh chưa đủ tuổi vẫn điều khiển xe máy khi tham gia giao thông... Đâu đó chúng ta vẫn thấy hình ảnh cả gia đình trên chiếc xe gắn máy, người chồng vừa lái xe vừa nhắn tin, phía trước có một đứa con, phía sau một đứa nữa và người vợ trẻ, cả nhà đều không đội mũ bảo hiểm. Hay nhiều người vừa lái ô tô, vừa “à ơi” câu chuyện qua điện thoại... 
 
Tai nạn giao thông chính là do chúng ta gây ra từ những hành vi thiếu văn hóa. Công an, cảnh sát không thể có mặt khắp nơi để điều tiết giao thông, điều chỉnh hành vi của chúng ta. Bởi vậy, sự tôn trọng pháp luật chính là coi trọng mạng sống của bản thân mình. Không ai làm thay chúng ta điều đó. 
 
Phan Nguyên Hào