(Baonghean) - Ngày 27/11 vừa qua, các đại biểu tham dự kỳ họp Quốc hội thứ 8 đã ấn nút thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp. Nhưng có một vấn đề còn bỏ ngỏ, đó là nên giao cho Bộ LĐ - TB&XH hay Bộ GD&ĐT quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
 
Sở dĩ bỏ ngỏ là vì khi được hỏi ý kiến thì trong tổng số 336 phiếu thu về, có 114 phiếu (chiếm tỉ lệ 34%) nhất trí giao cho Bộ LĐ - TB&XH làm đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; 99 phiếu (chiếm tỷ lệ 29,4%) đề nghị giao cho Bộ GD&ĐT. Vậy là không bên nào chiếm được số phiếu quá bán nên đành tạm giao cho Chính phủ quản lý và quyết định sau. Phía ủng hộ giao cho Bộ GD&ĐT thì cho rằng với nền tảng mấy chục năm hình thành, quản lý và phát triển hệ thống trường Cao đẳng và giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT có nhiều kinh nghiệm, lợi thế hơn về nhiều mặt trong quản lý nhà nước và nghiệp vụ chuyên môn. Đặc biệt là trong quan hệ với các cơ quan ngang bộ như: Tài chính, LĐ - TB&XH, Công an, Quốc phòng hay các bộ khác về quản lý phát triển trường để đào tạo nhân lực cho đất nước và hỗ trợ người học về chế độ chính sách... Xét về tính kế thừa và phát huy các vấn đề này thì rõ ràng Bộ GD&ĐT có nhiều thuận lợi. Nếu chuyển qua Bộ LĐ-TB&XH quản lý thì cần cân nhắc vì việc này sẽ gây tốn kém thời gian, công sức và lãng phí nền tảng hạ tầng gây dựng bao năm nay. 
 
Thế nhưng, có một thực tế là công tác giáo dục và dạy nghề của ngành giáo dục trong nhiều năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém nên chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong thực tế. Thiếu cân đối cung, cầu nên dẫn đến thực trạng thừa thầy, thiếu thợ, nhất là thợ lành nghề, thợ kỹ thuật cao. Rồi không ít “thầy” phải đi làm “thợ” mà rồi  làm cũng không xong là bằng chứng rất rõ ràng cho thấy cái “nền tảng hạ tầng gây dựng bao năm nay” nằm ở mức độ nào. Có đáng tin cậy và có thể phát huy được không hay là cần phải gây dựng một nền tảng mới. Vì thế mà nhiều đại biểu đã bỏ qua “nền tảng lâu năm” đó và tỷ lệ phiếu ủng hộ thấp là hoàn toàn có cơ sở từ thực tế. 
 
Còn phía ủng hộ chuyển giao cho Bộ LĐ - TB&XH quản lý thì cho rằng có thể đạt được những đột phá và điểm mới thuận lợi trong công tác dạy nghề, hướng nghiệp trên nền tảng gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo lao động với giải quyết việc làm và phúc lợi xã hội cho người lao động. Vì Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chuyên trách lo lắng việc làm và bảo đảm cuộc sống cho người lao động nên rất có kinh nghiệm và cả tiềm lực trong lĩnh vực này. Nếu giao cho bộ này nắm thì sẽ tạo ra sự thống nhất từ đầu vào cho đến đầu ra. Có lẽ vì thế mà cho dù không dành được quá bán, nhưng số phiếu ủng hộ của các đại biểu dành cho Bộ LĐ - TB&XH cao hơn hẳn. Ở đây có một chút rắc rối là ở ta hiện nay,  Bộ LĐ - TB&XH quản lý hệ thống dạy nghề với các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Còn Bộ GD&ĐT quản lý hệ thống giáo dục chuyên nghiệp gồm trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng. Hơn thế, cao đẳng hiện đang được xếp là một trình độ đào tạo thuộc giáo dục đại học.
 
Trong khi đó, về bản chất, các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, cao đẳng và cao đẳng nghề đều thực hiện đào tạo theo định hướng thực hành nghề nghiệp và đều chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho người học để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, dịch vụ. Vì thế, trước khi quyết định giao cho bộ nào thì nên sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng hợp nhất các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề. Phải tập trung về một mối để có cơ quan chủ quản, chuyên trách quản lý một cách bài bản, xuyên suốt thành một hệ thống chuyên biệt thì mới có thể đạt được hiệu quả cao. Trong việc “tranh chấp” quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp còn có một khía cạnh khá là tế nhị. Đó là giáo dục nghề nghiệp hiện đang được coi là “miếng bánh ngon” vì nhu cầu phát triển của đất nước trong hiện tại và cả ở tương lai đang rất cần nhiều lao động được đào tạo nghề bài bản. Ai được quản lý lĩnh vực này là coi như “ấm bụng” vì ngân sách nhà nước luôn và sẽ luôn luôn dành sự  ưu tiên cho mảng này. Cho nên, bộ nào cũng muốn quản lý “miếng bánh ngon” đó.
 
Vì thế, cần lưu ý một điều hết sức quan trọng là giao cho ai thì phải tính tới hiệu quả phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước chứ không nên vì lợi ích của riêng bộ, ngành nào để có cái nhìn khách quan và sự lựa chọn chính xác.
 
Duy Hương