(Baonghean) - 45 năm trôi qua kể từ ngày 31/10/1968, hàng triệu lượt người đã tìm về Truông Bồn (Mỹ Sơn, Đô Lương) - mảnh đất nắng lửa mưa chan, kiên cường bất khuất giữa khúc ruột miền Trung. Có ai về lại nơi đây mà không khẽ khàng bước chân, không rưng rưng nước mắt, không ngước nhìn lên bầu trời Truông Bồn cao trong để cho miền tưởng nhớ thổn thức ùa về…

Huyền thoại một con đường
 
Những ngày cuối tháng 10, đi trên Quốc lộ 15A thênh thang hướng về Truông Bồn, nếu không có người Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2- Đại đội 317 năm xưa - bà Trần Thị Thông đi cùng đoàn, khó có thể hình dung đã từng có một Truông Bồn, một đường 15A rất khác! Bà Thông chốc chốc lại bồi hồi chỉ cho chúng tôi những địa danh gắn liền với thuở đôi mươi hoa lửa của bà. Đây là dốc Kỳ Lợn, kia là dốc U Bò, và cầu Om, khe Vực Chỏm… những chiến địa từng oằn mình dưới hàng vạn tấn đạn bom các loại nay đã là con đường nhựa trải dài tít tắp. 
 
Bà Trần Thị Thông thủ thỉ: “Con đường ni là “nhân chứng” chiến tranh đây!”. Con đường chứng kiến sự quả cảm và hy sinh của cả một thế hệ TNXP mở đường thông tuyến xe qua. Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc, đặc biệt, tập trung sức mạnh không quân đánh phá ác liệt các tỉnh thuộc khu IV cũ. Thời điểm đó, tại Nghệ An, phà qua sông Lam đã bị máy bay địch chia cắt, cầu Cấm bị đánh sập, tuyến giao thông huyết mạch để đưa sức người, sức của vào chi viện cho chiến trường miền Nam gần như bị cắt đứt. Bấy giờ, đường 15A trở thành trọng điểm giao thông vận tải, đồng nghĩa với việc trở thành tọa độ lửa, chia lửa với các tuyến giao thông khác trong toàn tỉnh.
 
Tọa độ lửa Truông Bồn có chiều dài chỉ vẻn vẹn 5km, trở thành tuyến đường độc đạo, nối các nút giao thông như Mốc số 0, Quốc lộ 1A, đường 7 và đường 34. Ngày ấy 6000m2 đất Truông Bồn gần như bị san phẳng. Có những ngày cao điểm, không lực Hoa Kỳ điên cuồng đánh phá 131 lần, ném hàng trăm, hàng ngàn bom phá, tên lửa và rocket. Gần 19.000 quả bom các loại đã ném xuống Truông Bồn, và chỉ bằng một phép chia đơn giản cũng cho thấy một con số khủng khiếp: cứ mỗi mét vuông nơi đây phải gánh chịu sức công phá của hơn 3 quả bom tấn. Tàn khốc là vậy, song, với sự quả cảm, kiên cường của quân, dân cùng với lực lượng TNXP, “mạch máu” 15A vẫn được giữ vững, thông suốt.
 
Có một tình yêu mang tên: Đất nước
 
Trong suốt dặm dài hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh Nghệ An đã có 4,3 vạn thanh niên xung phong lên đường phục vụ kháng chiến, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Những chàng trai, cô gái TNXP đến từ khắp nẻo miền quê xứ Nghệ, mang theo trái tim và tâm hồn phơi phới tuổi đôi mươi, kiên cường đối mặt với bom đạn hiểm nguy, gian khổ thiếu thốn trên các tuyến giao thông trọng điểm, trong đó có Truông Bồn. Tất cả đang ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, có người chưa một lần hò hẹn, chưa một lần nắm tay người thương, nhưng những đôi bàn tay ấy vẫn ngày đêm đắp đất mở đường, tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì một ngày Tổ quốc xanh trời bình yên.  
 
Đứng lặng người bên Khu di tích Truông Bồn, bà Trần Thị Thông tâm sự: “Sự kiện ngày 31/10/1968, Tiểu đội 2 thuộc Đại đội 317, tổng đội TNXP đang làm nhiệm vụ trên trọng điểm Truông Bồn thì bị trúng loạt bom phá của không quân Mỹ, khiến 13 TNXP hy sinh, chỉ còn tôi may mắn sống sót, có lẽ nhiều người biết đến rồi. Nhưng ít người biết chuyện trước ngày 31, nhiều người trong số những liệt sỹ đó đã hết thời hạn TNXP, nhận quyết định chuyển ngành hoặc nghỉ phép về thăm quê…”.
 
Trước ngày 31/10/1968, Tiểu đội 2 dự định tổ chức một bữa cơm thân mật- bữa cơm mà những người con trai, con gái Tiểu đội Thép gọi đùa là để “tạm biệt cuốc xẻng” bởi ngày mai, 8 người trong số họ sẽ được trở về quê hương với những kế hoạch riêng cho cuộc đời mình. Chị Trần Thị Doãn, chị Hà Thị Đang, chị Nguyễn Thị Phúc, chị Phan Thị Dung, chị Vũ Thị Hiên đã cầm trên tay giấy báo nhập học trung cấp; anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm trở về quê làm đám cưới; chị Đàm Thị Bốn về chăm sóc người mẹ già ngày đêm trông ngóng. Thế nhưng dự định nhỏ nhoi về bữa cơm ấm tình đồng đội, những kế hoạch cuộc đời đã vĩnh viễn không trở thành hiện thực, bởi họ đã tiến lên vì tâm niệm “còn ở lại đơn vị một giờ là còn chiến đấu”, vì “tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc!”… 
 
Những trái tim tuổi đôi mươi ấy ngời lên vẻ đẹp của tình yêu đất nước, và khi khoảnh khắc 6h10’ngày 31/10/1968, 72 quả bom ào ào ném xuống tuyến đường có chiều dài 120m, rộng khoảng 50m - nơi các anh các chị đang làm nhiệm vụ, khiến 13 người hy sinh tại chỗ, thì những trái tim anh hùng ấy vẫn còn mãi đập. 13 cuộc đời tươi trẻ với biết bao ước mơ, hoài bão, khát vọng…, có chung một bức thư nhà, một manh áo ấm, một chùm bồ kết, một mảnh gương soi… giờ lại chung cả thời khắc cuối cùng của sự sống! Chỉ một ngày nữa thôi, Hiệp định ngừng bắn sẽ được ký kết, bầu trời miền Bắc sẽ xanh yên ả, nhưng họ đã không kịp bước chân về phía hòa bình. 
 
Giờ đây, những ký ức về ngày tháng cuối cùng định mệnh ấy đã trở thành mốc son trong dòng chảy bất tận của thời gian, nhưng đối với những con người đã từng sống và chiến đấu trên tuyến lửa năm xưa, quá khứ chưa bao giờ ngủ yên. Bà Lê Thị Hường-cựu TNXP của Tiểu đội 2, Đại đội 317, sống khép mình lặng lẽ trong xóm nhỏ ở xã Tăng Thành, Yên Thành. Trở về sau cuộc chiến, không có ở bên một bờ vai vững chãi, không có cả tiếng khóc trẻ thơ, bà đối diện với những khoảng trống mênh mông của lòng mình. Những lúc “vết thương lòng day vào năm tháng”, bà lại cồn cào nhớ về những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại ở lứa tuổi đôi mươi.
 
Bà Hường chính là người đầu tiên phát hiện ra tiểu đội trưởng Trần Thị Thông còn sống. Chính đôi bàn tay của bà đã ra sức cào từng vạt đất, lật từng tảng đá, và hét lên trong vô vọng: “Có ai còn sống không! Trời ơi, có ai còn sống không?!” Không một tiếng rên hồi đáp. Tiếng thét tuyệt vọng ấy rơi vào khoảng không thinh lặng của bầu trời sau trận chiến, và đến nay, 45 năm đã trôi qua, vẫn dội vào lòng bà như một nỗi đau nhức nhối. Bà bảo, nhớ lắm, nhớ đồng đội lắm, nhiều đêm không ngủ được vì đau nhức tuổi già, vì buồn phiền lắm nỗi tình riêng, vì sự trống trải, cô quạnh đơn chiếc, nước mắt cứ ứa ra. Nhưng rồi nghĩ mình còn may mắn hơn đồng đội là còn được sống, còn có bà con đoàn thể quan tâm. Và không bao giờ hối tiếc về những tháng ngày tuổi trẻ.
 
Truông Bồn mãi gọi tên
 
Trở lại Truông Bồn vào những ngày cuối cùng của tháng 10 kỷ niệm để thấy thấm đẫm trong tim mình một tình yêu giản dị với Tổ quốc quá đỗi thân thương này. Với những người dân Mỹ Sơn, biết bao năm tháng đã trôi xa, nhưng ký ức Truông Bồn vẫn âm ỉ cháy. Cùng với tiểu đội trưởng Trần Thị Thông, chúng tôi về thăm gia đình cụ Nguyễn Thị Phác- mẹ Thởm của những TNXP năm nào. Năm nay đã 93 tuổi, mẹ yếu đi nhiều lắm. Nằm lặng đi trên chiếc giường nhỏ, trong căn nhà tranh tối tranh sáng, nhưng khi vừa nhìn thấy bà Trần Thị Thông, mẹ Thởm lập cập nhổm dậy, ôm chầm lấy người con gái nuôi của mình. Mẹ bảo: “Hồi đó thiếu thốn cực khổ nhưng dân bầy tui thì thương TNXP lắm. Nhà ăn chi thì TNXP ăn nấy chơ không phân biệt mô. Nhớ mấy đứa lắm. Đứa mô cũng hát hay múa đẹp, đêm về cứ rộn ràng! Rồi trận bom xuống thì chỉ còn con ni (bà Thông - PV) sống chơ có còn ai nựa mô. Thương lắm!”
 
images862632_dong_doi_ve_tham_lai_tr_bonnhan_ky_niem_45_nam.jpgĐồng đội về thăm lại Truông Bồn nhân Kỷ niệm 45 năm.
 
Không chỉ có ký ức trân quý của mẹ Thởm, ở Mỹ Sơn, khi chúng tôi về thăm lại Truông Bồn thì tại khu vực Tượng đài chiến thắng, các hoạt động tri ân hướng tới 45 năm ngày chiến thắng Truông Bồn của cụm các trường học trên địa bàn Mỹ Sơn (Đô Lương) đang diễn ra. Đây là điểm nhấn trong tuần lễ tri ân mà Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Mỹ Sơn đồng lòng tổ chức, như một nén tâm hương kính dâng lên anh linh các anh hùng liệt sỹ, và để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay nhớ về quá khứ hào hùng của cha anh. 
 
Bà Trần Thị Thông xúc động trước những bức tượng của các đồng đội mới được phục dựng tại Khu di tích Truông Bồn.
 
Trên chính dốc Kỳ Lợn- nơi 13 liệt sỹ hy sinh năm nào, nay là Khu mộ chung được xây cất trang nghiêm, thành kính. Đây là một trong những hạng mục nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Truông Bồn gồm 3 khu vực chính: khu vực Tượng đài Chiến thắng, khu vực Trung tâm và khu vực bảo tồn, tôn tạo nhà dân xóm 9 với mục đích tái hiện lại sinh hoạt, đời sống của nhân dân trong những năm tháng chìm trong bom đạn đầy cam go, khốc liệt. Ngay khi được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án, công trình đã nhận được sự chung sức đồng lòng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (đến thời điểm tháng 7/2013, hơn 110 tỷ đồng từ các tấm lòng tri ân, uống nước nhớ nguồn đã đóng góp vào nguồn vốn xây dựng quần thể Khu di tích lịch sử Truông Bồn). 
 
Ngày 30/10/2012, Dự án tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn được khởi công, do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Địa danh Truông Bồn đã trở thành huyền thoại của ngành GTVT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Bằng tấm lòng và niềm vinh dự, tự hào của những người lính mở đường, việc thi công các hạng mục công trình của quần thể Khu di tích lịch sử Truông Bồn được các cán bộ, công nhân viên của ngành GTVT Nghệ An thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Ông Nguyễn Hồng Kỳ- Giám đốc Sở GT- VT Nghệ An cho biết: “Nhận được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ GT-VT và cùng với tâm niệm “uống nước nhớ nguồn”, Sở GT-VT đã triển khai thi công các hạng mục công trình khu di tích lịch sử Truông Bồn với tinh thần làm việc nhiệt huyết, trách nhiệm. Công trình sẽ là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố lịch sử và thẩm mỹ kiến trúc trang nghiêm, để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ, giáo dục thế hệ mai sau biết về sự hy sinh gian khổ của cha anh.”
 
Bà Thông trước đền thờ 13 liệt sỹ. Ảnh: Đ.C
Cựu TNXP phường Bến Thủy (TP. Vinh) hát về đồng đội tại Truông Bồn. Ảnh: S.M
 
Vượt qua giới hạn của một địa danh lịch sử, Truông Bồn hôm nay đã thực sự sống trong lòng dân tộc. Những ngày cuối tháng 10, đi giữa muôn nẻo đường thênh thang, có một nguồn mạch tri ân được khơi dòng bất tận. Nguồn mạch ấy cũng là tiếng gọi giục giã của tuổi trẻ và lương tri, giữ sáng ngọn lửa lòng yêu nước đến muôn đời sau.
 
Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 1304/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho tập thể 14 thanh niên xung phong Đội 65, Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An. Tại lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Truông Bồn (10/2008), thay mặt Đảng và Nhà nước, đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định: Việc phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho các chiến sỹ TNXP Truông Bồn, tuy muộn nhưng đó là một sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước ta đối với những đóng góp và sự hy hinh anh dũng, quả cảm của họ đối với nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Nhóm phóng viên