(Baonghean) - Hướng tới kỷ niệm 45 năm chiến thắng Truông Bồn, các cấp bộ Đoàn đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trong đó nhấn mạnh sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ Tiểu đội thép Đại đội 317 anh hùng đã góp phần xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Ký ức thời hoa lửa
 
Năm nay 70 tuổi nhưng đối với ông Nguyễn Trọng Ngoạn ở xóm 10, xã Mỹ Sơn (Đô Lương), những hình ảnh về một Truông Bồn bị đế quốc Mỹ ném bom từng góc đất, ngọn cỏ vẫn in đậm trong trí óc.
 
Vào thời kỳ ác liệt nhất của chiến tranh phá hoại năm 1964 – 1972, tuyến đường 15A trở thành huyết mạch giao thông quan trọng nhất để chi viện hàng hóa, lương thực, vũ khí vào miền Nam. Trong những ngày tháng hoa lửa ấy, Truông Bồn có sự hiện diện của nhiều lực lượng chiến đấu, như: Binh trạm 1 đơn vị vận tải, Tiểu đoàn 1 Công binh, Bộ đội Công binh D30 Quân khu IV, Đại đội Công binh 27, Tiểu đoàn 67 tên lửa thuộc Trung đoàn Tên lửa 278, Tiểu đoàn 72 Tên lửa thuộc Trung đoàn 236, các đơn vị TNXP 304, 307, 316, 317, 318, 327, 332, 333, 340 và lực lượng dân quân, nhân dân địa phương…
 
Trong ký ức của người cựu TNXP Đặng Quang Mai, ngày đau thương 31/10/1968 không bao giờ quên. Sáng đó, ông và rất nhiều đồng đội khác với quyết tâm “không để đồng đội nằm dưới đất” đã sử dụng máy ủi, cuốc, xẻng, tay lật từng tấc đất để tìm 13 TNXP Tiểu độ 2, Đại đội 317 đã hy sinh. Và chỉ có 6 người còn tương đối nguyên vẹn được tìm thấy, 7 người khác đã hòa vào đất mẹ. Nước mắt như mưa, mọi người đã làm ngôi mộ tập thể cho 7 người ngay vị trí cái hầm tránh trú ấy, 6 người khác thì lập mộ ở Cồn Rò Lịp – nay là rú Sẵn Sàng, xóm 9, xã Mỹ Sơn.
 
Chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Hùng, xã Quang Sơn – người cựu TNXP Đại đội 317 năm xưa, hiện là người duy nhất còn sống ở huyện Đô Lương. Mời khách bát nước chè sánh chát, bà Hùng từ tốn kể cho chúng tôi về thời hoa đỏ của mình: “Vì căm thù giặc Mỹ và nghe theo tiếng gọi cứu nước thiêng liêng của Đảng, 17 tuổi, thiếu nữ Lê Thị Hùng hiên ngang trở thành cô TNXP của Tiểu đội 4, Đại đội 317. Lúc này, đơn vị chủ lực Đại đội 317 đã  được chuyển đến Truông Bồn, trọng điểm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Đại đội đã phát động chiến dịch 100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông. Tiếng là ở rất gần nhà nhưng bà Hùng chẳng mấy khi có thể về thăm nhà, công việc sửa đường, bắc cầu, thông xe cứ cuốn bà đi.
 
Ngày cũng như đêm, đơn vị của bà Lê Thị Hùng và nhiều đơn vị khác đã dùng cuốc xẻng, xà beng, quang gánh để san lấp, kéo pháo, bưng chuyền đất. Không thể kể hết những gian khó vào lúc ấy: Có những lúc con đường vừa làm xong, bom Mỹ lại đánh tới thế là phải làm lại từ đầu. Công việc quần quật cả ngày, thời gian nghỉ ngơi cũng hiếm hoi. Nơi này thì sửa đắp đường, nơi kia làm đường tránh; có những người phải mặc áo trắng đứng thành hàng cách nhau không xa để làm cọc tiêu sống dẫn xe trong đêm tránh hố bom và bom nổ chậm. Trong thời điểm đau thương sáng ngày 31/10/1968 lịch sử ấy, bà Lê Thị Hùng cũng bị bom hất văng xuống khu vực lò vôi bên dưới sườn đồi, đến 12 giờ trưa mới tỉnh. Những ngày tiếp theo, bà Lê Thị Hùng đã cùng mẹ Thởm, các đồng đội chăm sóc cho người Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông – người duy nhất sống sót của Tiểu đội thép.
 
Sau trận bom ấy, bà Lê Thị Hùng và các đồng đội tiếp tục di chuyển về công tác tại Phà Bến Thủy. “Tinh thần TNXP Truông Bồn” vẫn luôn được phát huy, năm 1969, bà Lê Thị Hùng với nhiều chiến tích đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bà tiếp tục công tác tại đây cho đến năm 1972 thì chuyển ngành sang làm thương nghiệp ở huyện Kỳ Sơn. Trên tuyến lửa Truông Bồn năm xưa, ông Nguyễn Tâm Cớn tổ trưởng tổ phá bom của Đại đội 317 không quản ngại hy sinh, một mình bò vào bãi bom nổ chậm nối từng mối dây dưới trời nắng gắt và máy bay Mỹ quần đảo trên đầu để phá thành công một lúc 30 quả bom. Trong một tháng trời cùng đồng đội phá 300 quả bom nổ chậm bằng 1 cuộn dây và 1 thỏi nam châm… Người chiến sỹ năm đó hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Thành khẳng định: “Những người thanh niên xung phong năm xưa luôn dũng cảm kiên cường và trong cuộc sống hôm nay vẫn vẹn nguyên tinh thần xung kích ấy”. 
 
Thắp lửa tri ân
 
Để di tích lịch sử Truông Bồn thực sự là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các hoạt động tham quan, tìm hiểu sự kiện và Khu di tích Truông Bồn, giúp các em cảm nhận được sự hy sinh cao cả của các thế hệ TNXP trong cuộc khánh chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Cô Nguyễn Thị Quý – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Sơn (Đô Lương) cho biết: “Trong các tiết dạy Lịch sử, Địa lý, địa danh Truông Bồn gắn với sự hy sinh oanh liệt của 13 TNXP được các giáo viên dạy môn Lịch sử thường xuyên đề cập. Ngoài ra, từ năm 2008, Liên đội nhà trường đã nhận chăm sóc Tượng đài Truông Bồn. Hàng tuần, các chi đội tiến hành quét dọn, chăm sóc cây cối xung quanh, làm cho di tích thêm xanh- sạch- đẹp, đồng thời qua đó các em có thêm  những hiểu biết về sự kiện Truông Bồn 31/10/1968. Còn trong dịp Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Truông Bồn, trường đã mời bác Đặng Văn Tập – cựu TNXP từng làm nhiệm vụ ở Truông Bồn, là người trong xã, đến nói chuyện về những ngày tháng chống Mỹ oanh liệt. Tổ chức giao lưu, học tập “Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Truông Bồn”; tặng quà cho các cựu TNXP...
 
images862943_c_c_em_h_c_sinh____luong_xem_bi_u_di_n_van_ngh__t_i_chuong_tr_nh_giao_luu__h_c_t_p_k__ni_m_45_nam_chi_n_th_ng_tru_ng_b_n.jpgHọc sinh huyện Đô Lương xem biểu diễn văn nghệ tại chương trình giao lưu nhân Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Truông Bồn.
 
Trao đổi với thầy Nguyễn Tất Tây – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương được biết: Trong kế hoạch hoạt động từng năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo luôn chỉ đạo các trường triển khai thực hiện nghiêm túc việc giáo dục truyền thống lịch sử quê hương, tổ chức tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử trên địa bàn, trong đó có di tích Truông Bồn. Từ năm học 2010 - 2011, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường phối hợp với Hội phụ huynh tổ chức “Hành trình tri ân” cho học sinh tham quan chuỗi di tích Truông Bồn – Kim Liên – Đồng Lộc. 5 năm trở lại đây, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hướng tới Truông Bồn nhằm giáo dục ý thức tự hào của các em học sinh về một “địa chỉ đỏ” của quê hương.  
 
Bên cạnh việc phát động quyên góp ủng hộ xây dựng Khu di tích Truông Bồn xứng tầm lịch sử, các trường đã đưa di tích Truông Bồn vào chương trình tham quan học tập các di tích lịch sử hàng năm. Cô Trần Hải Yến – giáo viên dạy môn lịch sử Trường THPT Lê Viết Thuật cho biết: “Tập thể giáo viên nhà trường ý thức được tầm vóc của chiến thắng Truông Bồn và ý nghĩa của Khu di tích Truông Bồn trong việc giáo dục truyền thống cho thể hệ trẻ, trong hoạt động ngoài giờ lên lớp của mỗi học sinh nhà trường không thể thiếu việc tham quan Khu di tích Truông Bồn. Hàng năm, trường còn tổ chức CLB Sử học, thi tìm hiểu lịch sử địa phương, trong đó có Truông Bồn, tạo nên không khí hào hứng ở các lớp học. Tuy vậy, tôi vẫn mong rằng nhà trường cũng như các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức thêm các cuộc gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử của sự kiện Truông Bồn để các em được cảm nhận một cách sâu sắc hơn ý nghĩa của sự kiện này”. 
 
Hướng tới kỷ niệm 45 năm chiến thắng Truông Bồn, các cấp bộ Đoàn đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trong đó nhấn mạnh sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ Tiểu đội thép Đại đội 317 anh hùng đã góp phần xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngoài ra, các cơ sở Đoàn còn tổ chức các hoạt động như: Thi tìm hiểu về Khu di tích lịch sử Truông Bồn, giao lưu các nhân chứng lịch sử, các hoạt động về nguồn; tổ chức đợt tuyên truyền, sưu tầm, vận động nhân dân, các nhân chứng lịch sử hiến tặng các hiện vật, kỷ vật chiến tranh liên quan đến Truông Bồn để trưng bày tại Khu di tích… Có thể nói, các hoạt động của các trường học và các cơ sở Đoàn trong việc giáo dục truyền thống Truông Bồn sẽ góp phần nêu cao lòng tự hào dân tộc, tạo niềm tin, lý tưởng cách mạng, nâng cao tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay.
 
PV văn xã