(Baonghean) - Tiếng nhạc cất lên cùng với tiếng hát đệm của dàn hợp xướng, mở đầu cho 3 tập phim về Truông Bồn, do nhóm phóng viên Báo Nghệ An thực hiện, một bộ phim khiến không ít người rơi nước mắt. Giọng đồng ca nữ dàn trải mênh mang, du dương như tiếng gió trên một cánh đồng ngun ngút xanh sóng lúa. Sau đó, các ca từ của bài “Nhớ về Truông Bồn” dần được lẩy trên một khuông giai điệu mượt mà, tha thướt đầy xúc động của bài hát. Bài hát của nhạc sỹ Tiến Dũng, cũng là ca khúc mở đầu cho chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Chiến công và huyền thoại” vào tối 28/10/2013, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An tổ chức.

TIN LIÊN QUAN
Một mảnh đất đã đi vào lịch sử, những cái tên đã khắc tạc vào lòng dân tộc như một tấm bia không bị thời gian làm úa màu. Truông Bồn và 13 TNXP của những năm 60 thế kỷ trước đã trở thành huyền thoại. Chính các anh, các chị đã khiến cho một huyền thoại có thể trở nên gần gũi với hiện thực đến mức chính là hiện thực. Một hiện thực nhiều máu, nước mắt và mất mát. Một huyền thoại đẹp về những điều cao quý có thực trong đời: sự hy sinh, tình yêu nước, lòng quả cảm. Mảnh đất ấy, những con người ấy đã làm nên nguồn cảm hứng cho biết bao nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ…

Bài hát “Nhớ về Truông Bồn” của nhạc sỹ Tiến Dũng cũng trong mạch nguồn cảm hứng ấy. Nó là tấc lòng của một con người đứng chân trên mảnh đất hòa bình của 45 năm sau, là sự ngưỡng vọng về quá khứ, là nén tâm hương dâng lên 13 người anh hùng đã ngã xuống để “làm nên tượng đài” hôm nay. Hẳn là nhạc sỹ Tiến Dũng đã mượn âm nhạc để hóa giải những nốt lặng trong trái tim mình. Vùng đất Mỹ Sơn, Đô Lương ám ảnh tâm trí anh và có lẽ anh cảm thấy như mắc nợ nếu chưa viết về nó. 

images862709_7a.jpgTiết mục ca múa “Nhớ về Truông Bồn” tại chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Chiến công và huyền thoại”. Ảnh: N.S
Tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần bài hát “Nhớ về Truông Bồn”. Những lúc ấy, cùng với âm nhạc, tôi được trở về với quá khứ hào hùng. Nước mắt rơi, tôi cảm thấy mình òa vỡ cùng nỗi đau xót, nhưng đó là nỗi đau xót khiến con người bỗng trở nên gắn kết với cuộc đời. Tôi không còn lạc lõng nữa giữa những bộn bề lo toan đôi khi quá riêng tư và ích kỷ của mình. Tôi thấy trái tim mình dù đang nghẹn ngào vẫn được nâng đỡ bởi một mối liên hệ nào đó với tất cả mọi người xung quanh, với những gì đã qua, đang tồn tại và những gì sắp đến, với cả những thanh âm kia đang da diết gọi mời vào thế giới của những giai điệu.Và tôi như đang cùng với người nhạc sỹ chầm chậm bước chân mình trên con đường 15A năm nào, chầm chậm nhìn lên tượng đài sừng sững và lặng lẽ cúi đầu…
 
“Nhớ về các chị, các anh, nhớ về mùa hoa sim tím…”. Lời hát đầu tiên đã cất lên trong giai điệu dặt dìu, thiết tha mà thành kính. Nhạc sỹ chọn bông hoa sim, bông hoa đã được xem như hình ảnh ẩn dụ về những người thanh niên xung phong năm nào, rất đỗi bình dị, thủy chung gắn với những cung đường sỏi đá, rộp phồng bàn tay cuốc xẻng. Nhiều mùa hoa sim đã qua kể từ ngày các anh chị nằm xuống với Truông Bồn. Điều gì đã ra đi cùng với 13 TNXP vào cái ngày 31/10 định mệnh năm ấy? Điều gì họ ấp ủ, yêu thương, mong mỏi, khát khao giờ đây đã vĩnh viễn bị chôn vùi xuống đất? Điều gì họ chưa kịp nhắn nhủ với bạn bè, chưa kịp tỏ bày với người yêu thương?
 
Trong “bao người con của một thời oanh liệt” ấy, có người vết thương lòng còn chưa kín miệng khi anh trai mới hy sinh ở chiến trường, có người con gái tuổi chưa tròn 17 bước vào trận địa với mong mỏi vừa làm vừa học thêm. Có người, nước mắt hàng đêm lưng tròng vì nhớ mẹ, nhớ em nhưng vẫn quyết tâm làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc. Có hai người, lặng thầm yêu nhau giữa mưa bom đạn lửa và cùng khao khát hướng về một đám cưới không còn xa. Cô gái ấy, như mọi người con gái khác trên đời, xứng đáng có được một đám cưới mong ước, khoác trên mình một bộ áo lộng lẫy và duyên dáng nhất, mỉm cười với người đàn ông yêu thương… 
 
Bản nhạc “Nhớ về Truông Bồn” của NSƯT Tiến Dũng.
 
Nhưng chiến tranh với tất cả sự khốc liệt, bất trắc của nó đã tước đi những cơ hội ấy. 8 người trong số những TNXP ở Truông Bồn năm nào lẽ ra đã được trở về nhà vào ngày hôm sau – tức ngày mai của cái ngày vĩnh viễn chấm dứt mọi mơ ước, dự định và cơ hội đó. Họ xung phong vào trận lần cuối trước khi về quê, nhưng đó lại cũng là lần cuối cùng cho tất cả. Một lựa chọn, đôi khi là định mệnh. Cái định mệnh mà ta không thể nói “giá như” cũng không thể giải thích tại sao. Chỉ biết rằng, cả cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm này cũng là lựa chọn của họ, “những người con của một thời oanh liệt”. Và khi đã lựa chọn, ở một khía cạnh nào đấy, cái chết cũng chính là một cách sống, một lẽ sống. “Mười ba cái tên” cũng là “mười ba bông hoa” đã ở lại Truông Bồn để “kết nên Tượng đài”.
 
Như không thể nén kìm những cảm xúc chợt nhói lên trong tim mình, nhạc sỹ đã thảng thốt gọi: “Đất Nghệ ơi, Truông Bồn ơi. Mỗi tấc đất nơi đây trộn bầm máu thịt…”. Nhắc đến quê hương, nhắc đến Truông Bồn để thấy vọng về một câu hỏi thẳm sâu của người con đứng trên đất mẹ mà vẫn thương về đất mẹ: Sao quê hương mình lại nhiều thế đau thương? Mảnh đất của sóng gió, bão giông, đạn lửa, mảnh đất oằn cong gánh 2 đầu đất nước, mảnh đất mà để bảo vệ nó, bao máu xương đã “trộn bầm” cùng đất. Mỗi ca từ, mỗi âm sắc của bài hát khiến người nghe như đang được hòa vào trong nắng gió Mỹ Sơn, như đang đứng trước màu rưng rưng tím của đồi sim, trước chênh vênh con dốc Kỳ Lợn.
 
Trước mắt tôi, dường như thấy sáng lên trong đêm hàng cọc tiêu sống, dường như nhìn thấy vành nón ghi dòng chữ “Tặng Dung” được tìm thấy sau trận bom đạn năm nào. Tôi tưởng tượng ra đôi mắt sáng nụ cười của cô gái ngày mai được trở về quê làm đám cưới với người yêu cùng tiểu đội, không ngờ rằng ngày ăn hỏi chính là ngày gia đình phải để tang mình… Tôi nghĩ về chị Trần Thị Thông, với những bước chân nặng nề trở lại trận địa xưa nơi chị sống sót sau trận oanh tạc không thể nào quên ấy, chị Lê Thị Hường với nỗi ám ảnh chiến tranh đang dành cả quãng thời gian còn lại của đời mình cho những mảnh ký ức…
 
Tôi nghĩ về những vùng đất Nghệ cũng như ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, những nơi tôi đã đi qua hay chưa từng đặt chân tới, đã quá nhiều xương máu đổ xuống để có được hòa bình hôm nay. Có lẽ cần phải đi chậm lại một chút, cúi xuống và lắng nghe… Dưới những bông sim tím kia, dưới những tán lá xanh biếc kia có thể đã từng có một trận chiến, một sự hy sinh, một điều linh thiêng, như huyền thoại được kể lại bên dốc Kỳ Lợn.
 
Nhưng ở đây, có một điều rất riêng mà nhạc sỹ Tiến Dũng đã khéo léo đưa vào trong câu hát, một chi tiết tưởng chúng rất nhỏ “đằm sâu câu ví dặm à ơi” nhưng lại làm nên lồng lộng một chân trời quê hương. 
 
Những ca từ sẽ chỉ là thứ ngôn ngữ khô héo nếu giai điệu không thổi sức sống cho chúng. Với sự hỗ trợ của nhạc phối, của dàn hợp xướng, các nốt nhạc bài “Nhớ về Truông Bồn” được khai triển theo hướng tăng dần cao độ. Cùng với đó, cảm xúc được nâng lên từng cung bậc, mỗi lúc càng trở nên dạt dào, bay bổng. Sự phối hợp của các giọng bè đã tăng cường cho các thông điệp của ca từ và của giai điệu chính. Tất cả các yếu tố của âm nhạc cộng hưởng với chiều sâu của nội dung đã tạo nên một hòa âm đầy đặn, khai thác được sự phong phú về âm sắc và làm rung động lòng người bởi sức mạnh của ca từ. 
 
Tôi tin rằng, những điều chúng ta khó diễn đạt bằng lời, những điều mà ngôn từ trở nên bất lực trước sự sâu lắng, phiêu linh, thiêng liêng và tinh tế của nó, thì chúng ta có thể cậy nhờ vào âm nhạc. Hãy lắng nghe niềm vui, nỗi buồn trong lòng mình khi bạn thưởng thức một khúc ca hay một bản nhạc nào đó, có thể bạn sẽ tìm thấy những xúc cảm trong trái tim mình mà trước đó chính bạn cũng không biết hay không chắc về nó.
 
Tôi đã tìm thấy nỗi xúc động, niềm đau xót của mình khi nghe “Nhớ về Truông Bồn” của nhạc sỹ Tiến Dũng. Nhưng, như tôi nói, đó là niềm đau xót khiến con người tin yêu và gắn bó hơn với cuộc đời. Chắc hẳn rằng, cũng như bao tác phẩm khác, bài hát không thể nói hết được những điều muốn nói trong tâm khảm người nhạc sỹ, càng không thể khắc họa hết những điều cao cả và đẹp đẽ của những chàng trai, cô gái Truông Bồn, nhưng khi những giai điệu ấy cất lên, nó đã chạm đến trái tim ta, làm cho ta biết khóc. Ấy là nước mắt đồng cảm, nước mắt đã quyện hòa từ lòng biết ơn thiêng liêng, từ nỗi nhớ, từ máu thịt đã hồi sinh…
 
Quỳnh Lâm