(Baonghean) - Mình sinh vào khoảng giữa tháng Chín, tức vào khoảng giữa tháng Tám âm lịch (đôi khi xê dịch không đáng kể) nên sinh nhật mình thường được tổ chức chung với ngày Tết Trung Thu. Bởi vậy mà suốt nhiều năm liền, thay vì đốt nến, cắt bánh gatô như bạn bè thì mình lại thắp đèn lồng và ăn bánh nướng hình con cá chép. Đặc biệt, còn có đoàn múa lân đến “mừng” sinh nhật mình, làm gì có ai tổ chức sinh nhật “hoành tráng” đến như thế cơ chứ?
 
Tuổi thơ rồi cũng qua đi, Trung Thu đến chẳng còn háo hức với đèn lồng, bánh cá. Không còn ngồi chồm hỗm trước cửa nhà chờ đoàn múa lân, rước đèn đi qua để chen vào, đi đến đầu làng cuối xóm nữa. Mình cặm cụi thắp nến cắm vào chiếc đèn lồng cho đứa cháu đi chơi Trung Thu. Thằng bé mang mặt nạ Tôn Ngộ Không cười nhăn nhở - thật chẳng hợp chút nào với dáng vẻ ngoan ngoãn, kiên trì chờ đợi của nó, khiến mình phì cười. Những ký ức tuổi thơ cũng theo đó vỡ oà, thoát ra khỏi cánh cửa thời gian niêm phong phủ đầy bụi bặm…
 
Đêm nay trăng tròn và sáng quá. Mình ngẩng đầu lên khỏi đống giấy tờ, sổ sách ngổn ngang, bất giác nghĩ lại những mộng mơ xưa, được lên cung trăng có chị Hằng và chú Cuội. Vì sinh nhật mình hay tổ chức trùng vào Trung Thu nên bạn bè gọi mình là thằng Cuội. Gọi mãi thành quen, có lần cô giáo mới đến dạy thay mà mình lại đi học muộn, lúc điểm danh cô hỏi “Lớp mình vắng ai?”, cả lớp trả lời “Thưa cô, vắng bạn Cuội”. Lát sau mình ba chân bốn cẳng chạy vào lớp, cô hỏi “Em là ai?”, mình thưa với cô tên thật thì cô ngạc nhiên báo “Em có nhầm lớp không, lớp này chỉ thiếu mỗi bạn Cuội thôi”. Cả lớp được dịp cười đau bụng. 
 
Nói chung những trò nghịch ngợm khi xưa thì nhiều không kể xiết, nhưng là những trò đùa giỡn vô tư, vô hại. Nghĩ đến đây, mình không kìm được một tiếng thở dài. Càng về sau này, đồ chơi Trung Thu càng biến tướng đi nhiều, mà sự háo hức, hồn nhiên vui Trung Thu của trẻ em dường như cũng đổi khác. Thay vì rước đèn, rước lân, bọn trẻ bây giờ còn chơi trò bắn súng nước, bắn súng đạn nhựa - toàn những trò chơi tai quái. Nhiều lần chạy xe trên phố đêm Trung Thu, mình bị mấy đứa trẻ đứng ở vỉa hè chĩa súng nước bắn vào người, mà nào phải là nước máy - chúng dùng mực viết, thế có tai hại không? Rồi mấy đứa cháu mình không ít lần chạy về khóc rấm rứt, chỉ cho mình xem những vết đạn nhựa bắn vào người thâm xanh. Mình lắc đầu buồn rười rượi. Qua đêm nay là hết Tết Trung Thu, nhưng với mình, Trung Thu nghe sao xa lắc xa lơ như đã từ nhiều năm về trước…
 
Đổi thay là điều không ai, không thứ gì có thể tránh khỏi, cho dù đó là một con người hay một ngày lễ. Mình không còn là đứa trẻ và ngày Tết Trung Thu cũng đã đi qua nhiều giai đoạn phát triển, biến đổi của xã hội và thời đại. Trung Thu của mình gắn với những chiếc đèn lồng làm từ giấy và nan tre, nan giang cùng chiêc bánh nướng hình con cá nhân thập cẩm. Trung Thu nay không thiếu những đồ chơi chạy pin, phát nhạc ò í e, với những chiếc bánh nướng, bánh dẻo đủ màu sắc, đủ mùi vị, giá cả cũng vô cùng…Về sau này, còn có trào lưu bánh trung thu thủ công do các chị, các mẹ làm để phục vụ gia đình, sau thấy được ưa chuộng quá nên làm nhiều để bán. Phải chăng đây sẽ là một nét văn hoá Trung Thu mới, khi mà người ta dần bão hoà với những thức đồ sản xuất hàng loạt trên dây chuyền công nghiệp và thấy thèm, thấy nhớ hương vị mộc mạc, giản dị? 
 
Vậy là không phải cái gì mới cũng xấu, mà có những đổi thay đáng yêu, đáng quý lắm chứ. Nhất là khi đã chán sự màu mè, ồn ào, hào nhoáng rồi, người ta chắt lọc và tôn vinh những gì thuộc về tinh thần, tìm tòi để mang những nét xưa cũ hiện thân về trong lớp áo mới của thời đại. Mình nhẩn nha ngồi ăn chiếc bánh nướng do một người bạn làm tặng, nhâm nhi cốc trà nóng. Chợt thấy những mùa Trung Thu - sinh nhật xưa cũ như vẫn còn đâu đây…
 
Hải Triều