(Baonghean) - “Hạnh phúc tưởng dứt áo ra đi/Bất ngờ quay trở lại” hai câu thơ vui này có vẻ ứng với trường hợp  mấy thí sinh thi đại học đạt điểm cao, nhưng lại “phạm quy” nên suýt nữa không được gọi nhập học.

Đầu tiên là thí sinh Trần Văn Sâm, đạt 26,5 điểm kỳ thi liên thông ngành Y, niên khóa 2015-2019 suýt mất cơ hội theo học Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Mà lỗi là do sơ suất khi làm hồ sơ dự thi của Sở Y tế tỉnh Bình Thuận. 2 trường hợp còn lại, một ở tỉnh Nghệ An và một ở tỉnh Quảng Bình. Cả 2 đều đạt điểm cao đủ để đỗ vào Học viện Chính trị Công an Nhân dân. Nhưng vì do khi làm hồ sơ dự tuyển đã khai lý lịch không đầy đủ. Cụ thể là 2 ông bố đều đã từng có những hành vi vi phạm pháp luật và có án, nhưng 2 người con đều không đưa vào phần kê khai. Thế là phạm lỗi không trung thực, một trong những yêu cầu hàng đầu trong phẩm chất của người công an nhân dân. Thế là đủ điểm đỗ, nhưng không được gọi nhập học. Lỗi có thể là biết mà giấu nhẹm đi,  không khai ra mà cũng có thể là không biết để mà khai. Vì 2 ông bố đó phạm tội lúc thanh niên, chưa lập gia đình. Nghĩa là lỗi có từ trước khi các em chào đời. Nhưng quy định là quy định, ai cũng phải tuân theo. Bất kể lỗi đó là do đâu. Ngành Công an đã làm đúng quy định: không trung thực là không đưa vào ngành. Rất may, là sau bao ồn ào của dư luận, cuối cùng thì cả 3 em đều được cắp sách đến giảng đường nhờ vào sự quan tâm của Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng Giáo dục.
 
Đây là một kết thúc có hậu, đầy trách nhiệm và cũng rất ấm áp tình người đến từ nhiều phía. Ban đầu là từ phía những “người dưng nước lã”, dù không quen biết gì các em nhưng khi thấy hoàn cảnh trớ trêu là điểm thi gần đạt tuyệt đối mà không được bước chân đến ngôi trường mơ ước chỉ vì một lỗi không hẳn chỉ của riêng em. Và họ đã lên tiếng. Nhờ đó, cơ quan chủ quản và rất nhiều người khác đã biết đến câu chuyện, khởi đầu cho những bước giải quyết tiếp theo. Về phía các cơ quan chủ quản thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an cũng đã làm tròn chức trách, bổn phận của mình. Dĩ nhiên, các em được gọi đi học, không phải do áp lực dư luận. Cũng không phải được châm chước. Mà chủ yếu là những người có thẩm quyền xét thấy cái lỗi không trung thực không hẳn do ý muốn chủ quan của em. Với trường hợp ở Bình Thuận thì lỗi rõ ràng là không phải của thí sinh. Còn 2 trường hợp còn lại thì việc phân định lỗi của ai là khá tế nhị. Có những việc chẳng mấy hay ho, đẹp đẽ gì của gia đình trong quá khứ, các bậc làm cha, làm mẹ vẫn thường giấu diếm con cái thì làm sao mà em biết để khai cho đầy đủ, trung thực và rõ ràng được. Lỗi hoàn toàn không do cố ý. Thế nên, khi xử lý trường hợp này, những người “cầm cân nảy mực” của ngành Công an đã có cách giải quyết đầy tính nhân văn. 
 
Mừng cho các em, cho ngành Công an và cả những ai đã dành tình cảm quan tâm đến các em. Nói mừng là vì từ sự việc này, đã cho thấy, các cơ quan công quyền khi giải quyết những công việc liên quan đến quyền lợi của người dân đã chọn cách xử lý vừa thấu tình, vừa đạt lý. Có người đánh giá việc lãnh đạo 2 bộ đặc cách cho 3 thí sinh vào các trường đại học theo nguyện vọng không chỉ thể hiện tính nhân văn trước số phận, tương lai của một con người mà còn là quyết định đúng của sách lược trọng dụng nhân tài. Dĩ nhiên, các em chưa đủ tiêu chuẩn, phẩm chất để được gọi là nhân tài. Nhưng so với bạn bè cùng trang lứa thì tạm công nhận là có tư chất, nếu gặp môi trường thuận lợi, được bảo ban, kèm cặp giúp đỡ mà nói gọn lại là được đào tạo bài bản, có chiều sâu thì sẽ là mầm mống của nhân tài. Ở chỗ này cần thống nhất một quan điểm là nhân tài không phải tự dưng mà có. Mà phải trải qua một quy trình từ phát hiện người có phẩm chất, năng lực, đưa đi đào tạo rồi tạo môi trường thuận lợi để tài năng “có đất dụng võ” và phát triển thì mới có được nhân tài. Việc các em thi đạt điểm cao có thể coi như là bước phát lộ ban đầu nhân tố tài năng. Nếu vì những sơ suất không đáng có mà buộc các em không được đến giảng đường thì không chỉ làm tan vỡ ước mơ, chặn mất đường tới tương lai của các em mà còn có khả năng làm thui chột nhân tài. Vì biết đâu, sau này các em làm nên nghiệp lớn hay có những đóng góp quan trọng cho đất nước. Và giảng đường đại học là một trong những nền tảng, đòn bẩy quan trọng cho nhân tài bộc lộ phẩm chất và phát triển.
 
Từ mấy trăm năm trước, trên bia Văn miếu Quốc Tử Giám đã khắc dòng chữ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng khẳng định: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Việc hai bộ ra các quyết định như đã nói ở trên cũng có thể coi là một cách làm khéo ở khâu lựa chọn để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng giúp đất nước có thêm những người tài, giỏi. 
 
Phải nói thẳng ra rằng, những quyết định kiểu đó, chưa có nhiều. Đó mới chỉ là những chuyển động ban đầu nhưng rất đáng mừng.
Bụt Sơn