(Baonghean) - Người xưa có câu “Nhân chi sơ tính bản thiện”, nghĩa là sao anh Chắt?
- Câu ni tưởng ả Nhiêu phải biết rõ hơn tui chơ!
- Biết thì đã thưa thốt, không biết nên phải dựa cột mà nghe. Bày đặt thử chắc mần chi, anh Chắt!
- Rứa thì để tui nói rõ ngọn ngành. Câu nớ có nghĩa là con người ta lúc mới sinh ra, bản tính là lương thiện.
- Nói rứa thì khi đang nhỏ ai cũng đều là lương thiện cả?
- Đúng vậy!
- Thế sao lớn lên lại có không ít người ngổ ngáo, ác độc rứa?
- Cái đó là do môi trường xã hội tác động vào nên mới vậy. Ả không nhớ là có câu “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”! Mà răng tự nhiên ả lại đề cập đến lĩnh vực ni?
- Nỏ có chi là tự nhiên cả mô, anh Chắt!
- Không tự nhiên thì phải có nguyên cớ cụ thể. Vậy nguyên cớ chi?
- Thì tui thấy báo chí lúc thì đưa tin đám thanh niên đua đòi ăn chơi, nghiện hút rồi trộm cắp, giết người như ngóe. Khi thì lại chụp ảnh đăng bài mấy người trẻ đi tình nguyện, từ thiện nên đâm ra thắc mắc. Với lại…
- Với lại răng, ả Nhiêu?
- Mấy bữa trước đến Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An thăm cháu ốm thấy có nhiều học sinh đi phát quà Trung thu ở đó. Rành xúc động.  Hỏi ra thì biết đó đều là học trò Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. 
Đến tận giờ vẫn chưa thể nguôi được vì được vô trường nớ học đều là trò giỏi. Đã giỏi lại còn biết đi làm việc thiện thì là người có đức. Rõ ra là tài đức vẹn toàn rồi đó!
- Cũng chưa chắc mô, ả Nhiêu. Không phải là tui đa nghi, nhưng mà chốn học đường vẫn còn trong sáng lắm. Cứ phải ra trường đời lăn lộn, tranh đua với thiên hạ một thời gian dài mới bộc lộ được hết. Nhưng mà nghĩ…
- Nghĩ răng, anh Chắt?
- Đó là một cách làm hay và hiệu quả. Vì tài, đức không phải tự nhiên có mà phải trải qua học hỏi, rèn luyện để hình thành nên nhân cách, trí tuệ. Và cách rèn luyện, bồi đắp ươm, gieo mầm thiện nên bắt đầu từ những việc nhỏ, cụ thể và thiết thực như thế.
 
Tri Kỷ