(Baonghean) - Trong bài báo “Dân vận” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm 1949, khi bàn về phong cách của người cán bộ dân vận, Người đặt ra những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt. Đó là “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Vì sao phong cách được Người đề cập đầu tiên là “óc nghĩ”?
Chúng ta có thể thấy Bác đã rất đề cao vai trò trí tuệ trong phong cách của người cán bộ dân vận. Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu nâng cao trí tuệ của người cán bộ dân vận lại càng bức thiết hơn bao giờ hết. Vừa qua, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành các quy định góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, quy chế giám sát, phản biện xã hội, Quốc hội đang bàn bạc, góp ý để ban hành Luật Trưng cầu ý dân. Hệ thống dân vận các cấp cần cổ vũ ý thức chính trị của nhân dân, khuyến khích những đóng góp xây dựng của nhân dân, để nhân dân nói lên tiếng nói của chính mình, từ đó nắm bắt dư luận, phản ánh kịp thời, chính xác đến các ngành, các cấp có thẩm quyền để lựa chọn, xử lý. Cán bộ dân vận cũng là những người thay mặt nhân dân giám sát quá trình tiếp thu, sửa đổi những điều bất hợp lý trong ban hành, thực hiện chính sách của các ngành. Sự tham gia vào hoạch định chính sách
sẽ giúp nhân dân tích cực hơn trong quá trình thực hiện, và các ban, ngành sẽ nhận được những góp ý sát hợp thực tiễn, những sáng kiến mà nhân dân sáng tạo ra. Vậy để cổ vũ, thúc đẩy ý thức chính trị tích cực của nhân dân thì công tác dân vận phải làm những gì?
Trước hết, người cán bộ dân vận cần tự nhìn nhận lại và nâng tầm mình lên trước đòi hỏi mới của Đảng và nhân dân trong nhiệm kỳ mới. Người cán bộ dân vận phải mở rộng, nâng cao nhận thức về các lĩnh vực để tham gia góp ý và giám sát quá trình hoạch định, thực hiện chính sách của các ngành, các cấp. Đội ngũ cán bộ dân vận các cấp phải thực sự am hiểu sâu, rộng các lĩnh vực chính trị, xã hội, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực tổng hợp, phân tích, đánh giá vấn đề, có chính kiến, bản lĩnh vững vàng, không sợ va chạm. Đây là vấn đề rất quan trọng vì nếu cán bộ không đủ năng lực kiểm tra, thẩm định thì nội dung góp ý sẽ không chính xác, ảnh hưởng đến quyền lợi của đông đảo nhân dân. Vì vậy, mỗi cán bộ làm công tác dân vận phải tự ý thức trau dồi, rèn luyện bản thân, nâng cao trình độ, năng lực bằng cả lý luận và thực tiễn để đáp ứng yêu cầu công việc và trình độ dân trí ngày càng cao.
Cán bộ trong hệ thống dân vận cần xác định trọng tâm, trọng điểm công tác trong từng giai đoạn. Nội dung công tác dân vận bao trùm nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nếu không xác định được điểm nhấn thì công tác dân vận trở nên luốt, yếu so với các mảng công tác khác. Điều này cũng sẽ dẫn đến tâm lý chán nản, tự ti, tự xem nhẹ vai trò của bản thân và vô hình trung đánh mất vai trò chủ động, quan trọng của công tác dân vận trong mắt xích hệ thống chính trị.
Làm công tác dân vận là phải phát huy tinh thần sáng tạo, linh hoạt, chủ động từ những công việc nhỏ nhất, bởi công tác vận động quần chúng không thể có công thức chung để áp đặt với mọi trường hợp, hoàn cảnh. Với mỗi điều kiện thực tiễn, mỗi nhóm người, mỗi cá thể quần chúng... cần có một phương pháp riêng để vận động, thuyết phục. Những điều giáo chương, sách vở, những văn bản pháp quy... khi đưa vào vận động sẽ kém thuyết phục. Người cán bộ dân vận cần dùng tiếng nói, phong cách của người dân để lôi kéo họ, cần tạo ra không gian, tổ chức gần gũi để tập hợp nhân dân. Thực tiễn cuộc sống biến đổi muôn hình vạn trạng, mỗi cán bộ dân vận cũng phải biến đổi theo, sống cuộc sống của mỗi người dân thì mới có thể hiểu, vận động, thuyết phục nhân dân tin theo mình, tin theo Đảng, Nhà nước.
Điều kiện nắm bắt thông tin nhanh nhạy trên phạm vi toàn cầu, sự giao lưu rộng mở giữa các nước, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội khiến nhân dân có cái nhìn nhiều chiều, có lúc không xác định được thông tin chính thống, dễ dẫn đến tâm lý dao động, phản ứng tiêu cực, thái quá trước một số sự kiện xã hội. Điều này đòi hỏi cán bộ làm công tác dân vận phải thức thời, nắm bắt thông tin toàn diện, nhạy bén, dự báo tình hình và định hướng dư luận kịp thời.
Thanh Hà
(Ban Dân vận Tỉnh ủy)