(Baonghean) - Dân gian có câu “tấc đất, tấc vàng” để nói lên giá trị to lớn của tài nguyên đất đai theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thế nhưng, ngẫm không phải trong trường hợp nào câu nói đó cũng đúng.
 
Ấy nên, nhiều người đã ngã ngửa khi nghe Chủ tịch Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lên tiếng tại hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông - lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014”, rằng hàng triệu ha đất nông - lâm trường mà trong 10 năm chỉ nộp ngân sách được 1.800 tỷ đồng, tính ra mỗi ha chỉ có 90.000 đồng, tức khoảng 10 kg gạo loại thường. Như vậy đã lộ ra một sự thật hiển nhiên là các nông - lâm trường quản lý 7,5 triệu ha đất, bằng 23,2% diện tích tự nhiên của cả nước, nhưng sử dụng đất kém hiệu quả. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó được chỉ ra là việc giao khoán sai mục đích, sai đối tượng khá phổ biến, dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai...
 
Và vấn đề đặt ra ở đây là tại sao việc sử dụng đất kém hiệu quả kéo dài những tận một thập kỷ; nguyên nhân thì cũng đã rõ mà sao không xử lý, không khắc phục được? Đến hôm nay, hàng triệu ha đất vẫn nằm trong tình trạng “kém phát triển, thu nhập thấp” - lỗi do đâu và ai phải chịu trách nhiệm chính cho tình trạng này? 
 
Để phân định được rạch ròi thật không dễ dàng gì. Vì lỗi đến từ nhiều phía. Về cơ bản, như một số vị đại biểu của dân xác định, thì lỗi do cơ quan quản lý các cấp và các cơ quan có liên quan không quản lý được đất đai nông - lâm trường. Bởi cho đến nay, việc xác định cắm mốc giới, diện tích của phần lớn các nông, lâm trường chưa thực hiện được. Còn vì sao vẫn chưa thực hiện được lại là cả một vấn đề vô cùng rắc rối, phức tạp, liên quan đến lợi ích cá nhân. Vì nếu đã phân định được rạch ròi rồi thì rất khó nhập nhằng để trục lợi. Rất khó để mà ngầm chia đất cho nhau, rồi phát canh thu tô như địa chủ ngày xưa. Thế nên chẳng mấy ông chủ đất nông - lâm trường hồ hởi, mặn mà với việc rạch ròi cụ thể mà vẫn cứ muốn chiếm cứ đất đai theo kiểu quy hoạch tùy tiện, chỗ nào cũng nói đất của nhà nước, đất của nông - lâm trường. Không làm được mà cứ giữ, không hiệu quả cũng không chịu nhả ra giao cho dân trồng rừng, khai thác, sản xuất.
 
Có lẽ, nguyên nhân chính dẫn đến việc quản lý đất nông - lâm trường kém, khai thác quỹ đất hiệu quả thấp chính là ở chỗ đó. Thế nên, để giải quyết được tận gốc của vấn đề thì cần xử lý triệt để nạn cát cứ đất đai trá hình để trục lợi dưới danh nghĩa đất nông - lâm trường. Và, nên coi đây là một vấn nạn cần phải xử lý thật nghiêm.
 
Duy Hương