(Baonghean) - Người phụ nữ Việt với thiên chức của mình đã làm nên những phẩm chất đạo đức tốt đẹp: nhân ái, nghĩa tình, thủy chung và giàu đức hy sinh. Cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, những phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ nước ta được phát triển, nâng cấp thành những tiêu chí chuẩn mực mới, đó là: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. Họ trở thành những nhà nghiên cứu khoa học; chủ doanh nghiệp, thành cô giáo đem con chữ đến với vùng cao... gánh trọn “hai vai” việc nước, việc nhà.
 
 
image_6137378.jpgCác nữ kỹ sư kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty CP xi măng Vicem Hoàng Mai. Ảnh: HV
 
 
Theo thời gian, những chuẩn mực của người phụ nữ có thay đổi thế nào đi chăng nữa, thì người phụ nữ vẫn mãi là người “giữ lửa” trong mỗi gia đình, là người có vai trò quan trọng trong giữ gìn hạnh phúc, là hậu phương vững chắc cho chồng và những đứa con. Bà Lê Thị Ninh (64 tuổi), xóm 9, xã Nghi Liên, TP. Vinh tâm sự: Niềm vui lớn nhất của bà là hàng ngày được nấu cho chồng, cho con những món ăn hợp khẩu vị, bày dạy cho cháu nội những điều hay lẽ phải, lúc rảnh rỗi chăm sóc vườn cây, ao cá. Điều đáng mừng là hiện nay trong gia đình bà cả 3 thế hệ cùng chung sống, đặc biệt 3 cô con dâu của bà Ninh tuy ở cùng một nhà nhưng rất hòa thuận và biết lo lắng cho cuộc sống gia đình.
 
Nói về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, ông Lê Ngọc Nam (65 tuổi) chồng bà chia sẻ : Câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” rất đúng với gia đình ông. Thời trai trẻ, ông đi bộ đội, sau đó chuyển công tác sang ngành Y, xa nhà triền miên. 3 đứa con thơ, bố mẹ chồng già yếu đều một mình bà Ninh lo liệu, gánh vác. Nếu không có sự tảo tần, hy sinh đó của vợ, chắc hẳn, gia đình ông không có được hạnh phúc vẹn toàn. 
 
Cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, những phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ vẫn không hề thay đổi mà được phát triển, nâng cấp thành những tiêu chí chuẩn mực trong thời đại mới, đó là: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. Họ không chỉ hoàn thành tốt vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình mà còn “giỏi việc nước”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xã hội giao phó. Như chị Phan Thị Thuận – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) một mình phải gánh vác “việc nước, việc  nhà”. Chồng chị là bộ đội ở tận Đắc Lắc, một năm về tranh thủ đôi lần, lâu nhất cũng chỉ dăm bữa, một tuần rồi đi. Ở nhà, chị Thuận một nách 2 con nhỏ: con trai đầu học lớp 6, con gái thứ 2 mới hơn 2 tuổi. Một ngày của chị Thuận bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc lúc nửa đêm.
 
Để có thể hoàn thành được công việc, chị lập hẳn một thời gian biểu cho cả 3 mẹ con một cách cụ thể, chi tiết : Từ chuyện buổi sáng mấy giờ làm gì, cho con ăn gì, trưa mấy giờ đón con trai, chiều mấy giờ chở con trai đi học thêm, mấy giờ đón con gái ở trường mẫu giáo… đến chuyện ngày hôm nay giải quyết việc gì ở Hội, đi xóm nào để hướng dẫn chị em làm thủ tục vay vốn xóa đói giảm nghèo, cùng các đoàn thể tham gia vụ hòa giải ly hôn ở đâu, tham gia lớp tập huấn ở huyện lúc mấy giờ… Chị Thuận tâm sự: “Nhiều lần cũng muốn nghỉ công tác Hội nhưng chị em tín nhiệm lại tiếp tục tham gia. Được chồng động viên, khích lệ chị cũng thấy ấm lòng, tiếp thêm động lực để gánh trọn hai vai”.
 
Trước đây, phụ nữ miền biển thường quanh quẩn nơi chân sóng, ngóng chồng, chờ con sau những chuyến khơi xa. Cuộc sống của họ hoàn toàn phụ thuộc vào những chuyến đi biển của chồng. Nhưng ngày nay, phụ nữ vùng biển đã vượt lên khó khăn, phát triển ngành nghề, trở thành những chủ doanh nghiệp của các xưởng sản xuất, chế biến hải sản. Chị Hoàng Thị Hậu (Khối 4, Nghi Thủy – Thị xã Cửa Lò)  - chủ cơ sở chế biến thủy hải sản, có tổng thu nhập 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 10 chị em với mức lương 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Trăn trở của chị là phấn đấu mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa để có thể giải quyết thêm việc làm cho chị em trong vùng.
 
Theo thời gian, phụ nữ dần khẳng định được vị thế của mình, họ có thể hoàn thành nhiều công việc khác nhau và không thua kém gì các “đấng mày râu”. Nhiều chị đã trở thành tổng giám đốc, thủ trưởng cơ quan, chủ tịch hội đồng quản trị… Đặc biệt, nhiều người đã tạo dấn ấn tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học; nhiều chị là chủ nhiệm các đề tài, dự án được đánh giá xuất sắc.
 
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan - Trưởng Bộ môn Lý luận chính trị, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho rằng: “Trong công việc, phụ nữ khó khăn hơn nam giới bởi dù làm bất cứ công việc hay chức vụ gì, người phụ nữ trước hết vẫn phải đảm bảo công việc gia đình, phải giải quyết những quan hệ khác như với nội, ngoại, bạn bè… Dù vậy, tôi tin rằng với ý chí quyết tâm cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan, đơn vị, chị em trí thức sẽ vượt qua khó khăn về mặt thời gian để làm quản lý và nghiên cứu khoa học”. 
 
Phụ nữ xã Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu) tham gia sản xuất sản phẩm mây tre đan xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Yên
 
Trong công tác cán bộ, nhiệm kỳ qua, bằng những chỉ đạo cụ thể sát sao của các cấp uỷ, chính quyền, chất lượng và số lượng của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị của tỉnh ta ngày càng tăng. Hiện nay, 100% cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các sở, ngành cấp tỉnh và cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý cấp huyện có trình độ đại học trở lên; 100% có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị và tương đương. Số cán bộ nữ được đề bạt, bổ nhiệm ở các cấp, các ngành ngày càng tăng.
 
Từ năm 2011 trở lại đây, 100% cán bộ nữ đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đây là cơ sở để tỉnh ta hướng tới việc đề ra những chỉ tiêu ngày càng cao hơn cho đội ngũ cán bộ nữ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhấn mạnh một số chỉ tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2020 như: Tỷ lệ phụ nữ tham gia các khóa đào tạo lý luận chính trị, quản lý nhà nước đạt từ 30% trở lên; Cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt tỷ lệ từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp đạt từ 35% trở lên; 60% sở ban ngành, 100% UBND các cấp có cán bộ lãnh đạo cấp trưởng, phó là nữ. 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Phụ nữ là một nửa của xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ có một nửa”. Ghi nhớ lời Bác, ngày nay  các cấp, các ngành đang ra sức giúp đỡ chị em “giải phóng” những lo toan gia đình để vững bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế. Và để gánh trọn hai vai “việc nước, việc nhà”, ngoài nỗ lực của bản thân, cảm thông, chia sẻ,của gia đình rất cần sự hỗ trợ của xã hội.
 
Thanh Thủy