(Baonghean) - Tuần qua, bài: “Ai thương các con” của Hải Triều đăng trang 5 báo Nghệ An cuối tuần  ngày 31/8, số báo 9962 nhận được số phiếu bình chọn cao nhất và được Ban Biên tập khen thưởng. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết:
 
Như tác giải nói, “ở đây mình đang bàn về chuyện bên lề chứ không bàn về chương trình giáo dục”. Và chuyện bên lề đó là những bất cập, bất tiện đó chỉ do tính toán mà ra. Cụ thể ở bài viết đó là sự tính toán, bố trí nhập trường, nhập học của học sinh các bậc học từ mầm non cho đến đại học. Trong ngày nghỉ lễ trọng đại của đất nước, tất cả mọi công dân đều được nghỉ thì học sinh đậu đại học lại được gọi nhập học, rồi lại phải đi đi, về về, tốn kém bao nhiêu là tiền của, trong khi đó trăm mối lo đang đổ lên đầu các bậc phụ huynh có con em đậu đại học. Trải qua 12 năm đèn sách, biết bao chi phí đã đổ vào cho con cái  học hành, đến kỳ thi đại học lại phải bán thóc, bán bò, tay xách nách mang lên thành phố ứng thí. Rồi thấp thỏm lo âu. Không đậu cũng lo, đậu rồi thì mừng, nhưng trong cái sự mừng đó lại là nỗi lo: Trong nhà có anh "dính" vào đại học là phải lo trăm đường. Khi chưa thi, lo. Thi xong rồi, lo. Có kết quả rồi, lo. Thu xếp được nhà cửa, xe cộ cho ngoài Hà Nội rồi, chỉ việc ra học thôi, vẫn lo!”. Trăm mối lo đổ dồn, vậy mà các trường chẳng chịu tính toán sao cho tiện, cho phù hợp: “Các trường đồng loạt cho nhập trường ngay trước kỳ nghỉ lễ, khiến các em phải đi đi, về về. Đi tàu, xe vào kỳ nghỉ lễ đã đông, nay càng đông hơn: vừa lãng phí, vừa bất tiện cho các em, lại vừa tăng nguy cơ tai nạn giao thông vì quá tải. Giá như các trường linh động hơn, bám sát với lịch làm việc cũng như điều kiện của các em sinh viên thì tốt hơn nhiều”.
 
Còn với các bậc phụ huynh ở cấp học dưới cũng chẳng chịu “hiểu”, chẳng chịu “tính toán” mà cứ theo phong trào, “nghe người ta nói, người ta bàn” rồi làm khổ các bé phải học nhồi, học nhét vào các lớp có sỹ số đến 60 em. Tiếp đến là việc chọn thầy, chọn lớp để con cháu được “trưởng thành” hơn. Điều này là “viển vông và thiếu văn hoá”. Vì “chương trình phổ thông thì việc chọn thầy cô thật giỏi liệu có giống việc lấy búa tạ ra để đập kiến” và vô văn hóa vì “thiếu tôn trọng đối với người thầy, người cô”.
 
Tất cả là việc làm của người lớn, mong rằng người lớn đừng vì sự hãnh diện, sỹ diện của mình mà nên tính toán, hay nhìn nhận làm sao để các con của mình được học hành trong môi trường lành mạnh, chất lượng và an toàn. Ngành giáo dục cũng cần tính toán các bước thi cử, nhập trường, nhập học cho phù hợp với hoàn cảnh của học sinh. Chứ cứ tiện thế nào làm thế đó thì biết “có ai thương các con”?
 
Người Xây Dựng