(Baonghean) - Trong tuần 5 tháng 8, loạt bài: “Quản lý đất trang trại” gồm 2 kỳ đăng trên nhật báo ngày 27, 28/8 của P.V Văn Trường đã có số phiếu đề cử cao thứ hai. Sau đây là lời bình dành cho bài viết.

Loạt bài viết đã rung hồi chuông cảnh báo về tình trạng buông lỏng quản lý đất trang trại hiện nay ở tỉnh ta. Trong kỳ 1, tác giả chỉ thẳng ngay hành vi vi phạm ở đất trang trại rất phổ biến đó là “đưa nhà ra đồng”, tức là người dân ngang nhiên xây dựng nhà kiên cố trên đất nông nghiệp, trái với quy định. Theo cái lý của người dân vi phạm như chị Vũ Thị Thúy ở xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) – một nhân vật xây dựng nhà kiên cố trên đất nông nghiệp được đề cập trong bài là “cần có chỗ “an cư” để thuận tiện cho việc phát triển trang trại” hoặc dùng để xây dựng nhà hàng kinh doanh như trường hợp của hộ ông Nguyễn Văn Cường cũng ở xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu). Thực trạng trên không chỉ diễn ra ở Quỳnh Lưu mà còn là xảy ra hết sức phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tác giả đã dành nhiều thời gian, công phu điều tra và thâm nhập thực tế chỉ rõ vi phạm xây dựng nhà kiên cố trên đất trang trại ở cả huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Yên Thành. Thực trạng vi phạm này mang lại nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài, tùy vào từng địa phương như tác giả đã chỉ ra trong bài. Đó có thể là vi phạm hành lang an toàn giao thông và hành lang đê ở xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên); hay gây ô nhiễm môi trường ở Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu)… Nhưng cái hệ lụy lớn nhất theo như ý kiến của một lãnh đạo Phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đề cập trong bài, đó là: “Sử dụng đất trang trại, đất nông nghiệp sai mục đích ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đầu tư xã hội. Trong quá trình Nhà nước cần thu hồi đất, thì ao, hồ có thể lấp lại được chứ nhà cửa và các công trình kiên cố của dân xây trái phép phải phá bỏ sẽ rất phức tạp…”.
images1047468_images1037111_nha_2.jpgNhững ngôi nhà xây kiên cố trên đất nuôi trồng thủy sản ở Hưng Lợi (Hưng Nguyên).
Vậy tại sao tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, đất trang trại đang diễn biến ngày càng phức tạp và phổ biến trên địa bàn tỉnh ta như vậy? Phải chăng, công tác quản lý, xử lý vấn đề này của chính quyền địa phương bị buông lỏng, yếu kém , chưa đủ sức răn đe? Theo dõi tiếp kỳ 2 của loạt bài, độc giả đã tìm ra được câu trả lời cho những câu hỏi này. Tác giả nêu rõ: “Ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Quỳnh Lưu thừa nhận: Do khâu quản lý yếu kém, đặc biệt là cấp xã không xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng vi phạm ngay từ đầu, để tình hình vi phạm kéo dài và diễn biến ngày càng phức tạp cả về quy mô lẫn số lượng nên giải quyết, xử lý rất khó khăn”. Tương tự, “ông Nguyễn Đức Thiện - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường Yên Thành không giấu diếm: Ngoài việc buông lỏng quản lý đất đai của địa phương cấp xã thì ở cấp huyện, khâu quản lý đất đai cũng còn nhiều yếu kém nên mới để xảy ra tình trạng trên….”. Ngoài việc chỉ ra nguyên nhân, tác giả cũng đã phản ánh được thái độ trong việc xử lý, chấn chỉnh tình trạng vi phạm của các địa phương được đề cập trong bài viết.
 
Như vậy, có thể thấy loạt bài: “Quản lý đất trang trại” của tác giả Văn Trường đã phản ánh một cách khá đầy đủ tình trạng vi phạm cũng như sự yếu kém trong công tác quản lý đất đai trang trại ở một số địa phương trong tỉnh. Một số địa phương cũng đã nhận ra tình trạng này và tiến hành các biện pháp khắc phục, chấn chỉnh. Tuy nhiên, điều đọng lại đối với độc giả, tình trạng vi phạm trên có nằm hoàn toàn ở lỗi “yếu kém” trong công tác quản lý của chính quyền địa phương hay còn gì ở phía sau đó?
 
Người xây dựng