(Baonghean) - Bài “Tận thu” của CTV Duy Hương đăng trên nhật báo ngày 7/9 được bạn đọc đánh giá cao và nhận được số phiếu bình chọn bài hay cao thứ hai của tuần thứ nhất tháng 9. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết. 
 
images1043256_hocphi.jpg
 
Bài viết nói về chuyện lạm thu ở các trường học và bệnh viện, một vấn đề được xem là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Và như con mắt của bà hàng nước thì: “Tiền... tiền... tiền lúc nào cũng thấy nói đến tiền, đi đâu, làm việc gì từ to đến nhỏ cũng đều phải chi tiền. Thế mà ai đó cứ nói là phải khoan thư sức dân. Có mà khoan thủng sức dân thì đúng hơn!”.
 
Lý giải cho sự bực bội, bức xúc của bà hàng nước đó là do “mấy khách hàng quen thuộc đã nghiện món trà nóng, trà đá khuyến mại bằng những bình luận độc đáo của bà phàn nàn chuyện đầu năm đưa con nhập học đại học phải đóng nhiều khoản quá”. Hóa ra là chuyện lạm thu đầu năm học ở các trường đại học. 12 năm vất vả đèn sách; để lo cho con “lai kinh ứng thí” nhiều người đã phải bán lúa, bán ngô, bán cả “đầu cơ nghiệp”. Thấp thỏm đợi chờ, con đậu đại học, mừng chưa kịp, lo đã ào ào ập tới, vì đi kèm với đó là trăm khoản phí đầu năm phải đóng. Chuyện đi học phải đóng tiền là lẽ đương nhiên, nhưng sao lại nhiều khoản vô lý thế: “Thoạt đầu là phí nhập học, nghĩa là bước chân vào cổng trường là phải đóng ngay 230.000 đồng mà không rõ là để chi dùng vào việc gì. Hay là chi cho việc kê bàn, dọn ghế và cả đứng, ngồi, đi lại chỉ dẫn cho tân sinh viên làm thủ tục nhập học. Sau đó là  quần áo đồng phục và huy hiệu trường hết 320.000 đồng. Nếu là sinh viên nữ thì phải đóng thêm 290.000 đồng cho bộ đồng phục áo dài. Phí thư viện 400.000 đồng… Rồi tiền làm thẻ sinh viên, đồng phục thể dục, tiếng Anh căn bản, Tin học căn bản, bảo hiểm các loại… Cuối cùng, nặng nhất là khoản học phí, nhà trường yêu cầu đóng một lúc cho cả năm học là từ mười mấy cho đến mấy chục triệu đồng tùy theo từng trường”. 
 
Đó là ở trường học. Còn đi bệnh viện thì đúng là vừa đau vừa xót. Đau đớn vì bệnh tật, xót ruột, xót gan vì tiền cứ tiêu như nước chảy. Động gì là phải trả tiền thứ đó. Ngoài thuốc men điều trị, tiền phong bao, phong bì lót tay cho các “từ mẫu” thì còn phải trả cả tiền đi thang máy lên xuống. Tiền điều hòa trong lúc ngồi chờ khám bệnh. Chờ lâu, buồn đi vệ sinh cũng phải trả tiền. 
 
Và cái kết có vẻ cay nghiệt của bà hàng nước khiến người đọc cảm thấy chua xót: “Người ta cũng thật là khéo chọn nơi, chọn chỗ để mà bòn tiền thiên hạ. Vì chẳng ai cam tâm để cho con cái thất học nên khó mấy cũng phải cố. Biết là người ta đang moi tiền mình nhưng vẫn phải chấp nhận. Còn đau ốm, bệnh tật thì không thể không đi chữa bệnh được dù nghèo đến mấy. Thế là người ta cứ nhè vào cái thế bất khả kháng đó của người dân mà moi tiền”.
 
 
Người xây dựng