(Baonghean) - Sau bản tin 24h của Đài THVN về việc Trường THPT Long Bình ở tỉnh Tiền Giang trả lương cho lớp trưởng thì vấn đề này đã nhận được sự quan tâm của dư luận cả nước. Có ý kiến đồng tình, có ý kiến không hoàn toàn nhất trí, bởi đó là một giải pháp mà một số địa phương đang làm chỉ với mong muốn đem lại hiệu quả giáo dục cao hơn.
Trong công tác giáo dục, lớp trưởng có vai trò là người liên kết, là cầu nối giữa giáo viên chủ nhiệm và tập thể lớp. Do vậy, người lớp trưởng phải có sự nhiệt tình, hăng hái, có tác phong chững chạc, tư cách đạo đức tốt và nhất là có học lực khá trở lên để tạo uy tín trước tập thể. Bên cạnh đó, một trong những kỹ năng không thể thiếu và đòi hỏi người làm lớp trưởng nổi trội hơn trong tập thể là năng lực tổ chức, diễn thuyết và sự năng động…
Những người làm lớp trưởng được gì và chịu thiệt thòi gì so với các bạn không làm cán sự lớp? Trước hết xin nói về sự thiệt thòi: Người lớp trưởng là người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, luôn bận rộn với công việc chung, vất vả hơn các bạn khác, tuy nhiên, không vì thế mà các bạn lớp trưởng thua các bạn khác về kết quả học tập, trái lại, họ biết thu xếp để cân đối giữa việc học và công việc tập thể. Thế còn cái được của lớp trưởng? Đó là niềm vui, sự vô tư, trong sáng vô ngần của tuổi học trò, được các bạn tôn trọng, thầy cô yêu mến. Cái được không nhỏ nữa là cơ hội để các bạn rèn dũa những kỹ năng sống, khả năng tập hợp, khả năng tổ chức, nói chung là những kỹ năng của người lãnh đạo, quản lý sau này. Chính vì vậy mà rất nhiều lớp trưởng sẽ thành công trên con đường sự nghiệp của họ, những “vốn liếng” từ thời đi học làm lớp trưởng sẽ giúp ích cho họ về sau.
Vậy việc “trả lương” cho lớp trưởng, như các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu vừa qua có nên chăng?
Xét về mặt tổ chức và thực thi, các trường ở Tiền Giang, và có thể ở nhiều nơi trên cả nước, làm không sai. Họ đã có sự thống nhất giữa nhà trường và hội phụ huynh, được đại đa số ủng hộ, số tiền chi ra không lớn, không có dấu hiệu tham ô, lãng phí mà phần nào đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi muốn trao đổi chính là tác dụng giáo dục của giải pháp ấy.
Bên cạnh sự động viên kịp thời, thể hiện sự ghi nhận của nhà trường với những đóng góp của lớp trưởng, thì giải pháp “chi lương” cũng còn những hạn chế. Hạn chế lớn nhất của giải pháp là từ chỗ một người làm việc vô tư trong sáng, đầy tinh thần trách nhiệm, sẽ khiến bị dị nghị là lớp trưởng làm việc vì chế độ lương!. Rồi nảy sinh hiềm khích, ghen tị, thậm chí là đố kỵ… mất đi niềm tin và sự vô tư của tuổi học trò. Thực tế, nếu không chi lương cho lớp trưởng và những cán bộ lớp khác, thì không hẳn vì thế mà phong trào của trường lớp sẽ đi xuống.
Ai cũng biết và chia sẻ với những khó khăn của lớp trưởng và hiểu rằng họ xứng đáng được nhận một phần thưởng nào đó. Nên chăng đó là những món quà nhân các ngày lễ như 20/11 của các thầy cô trao tặng, hay vào ngày 26/3 của Đoàn; với các bạn nữ thì thêm ngày 8/3 chẳng hạn. Đối với những lớp trưởng có hoàn cảnh khó khăn mà vẫn đảm đương tốt công việc của lớp, thì cần có chế độ đối với một học sinh nghèo vượt khó, một cán bộ Đoàn xuất sắc thì có thể miễn 100% học phí mà vẫn đảm bảo được tính giáo dục.
Thiết nghĩ, đối với một lớp trưởng, hay Bí thư Đoàn ở một lớp học, không giống như với một xóm trưởng, khối trưởng hay bí thư chi bộ ở cơ sở; bởi các em đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, không nên đặt vấn đề một cách thực dụng quá đối với các em, và tin rằng bản thân các em cũng không đòi hỏi gì khi làm lớp trưởng.
Trần Hữu Vinh