(Baonghean) - Trong Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị có quy định: “Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện đối với những nơi đủ điều kiện”. Mô hình này thường được gọi là “hai trong một”, khi thực hiện ở nhiều địa phương đã phát huy tác dụng  tốt, tuy nhiên cũng đang bộc lộ những vấn đề bất cập. 
 
Mô hình bí thư cấp ủy (hoặc phó bí thư thường trực) đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân được thực hiện ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã (trừ những nơi chưa có điều kiện) đã chứng minh đây là mô hình hợp lý, vừa tạo điều kiện để cấp ủy chỉ đạo hoạt động của hội đồng nhân dân, vừa nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong phát huy quyền dân chủ.
 
Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân (cấp huyện và cấp xã) khi áp dụng có khó khăn hơn. Đến nay, chưa thấy địa phương nào bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân huyện. Đã có một số xã thí điểm mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân xã, nhưng trong điều hành có những khó khăn. Những nơi chưa bố trí bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân xã đều với lý do không có cán bộ đủ khả năng gánh cả hai vai. 
 
Là chủ tịch ủy ban nhân dân phải điều hành công việc hàng ngày tại công sở, phải thường xuyên xử lý các vấn đề quản lý nhà nước theo thẩm quyền, đó là chưa nói phải mất rất nhiều thời gian cho những cuộc hội họp. Trong khi đó khối lượng công việc của cơ quan đảng cũng rất lớn đòi hỏi bí thư cấp ủy phải thường xuyên chỉ đạo.
 
Ở cấp huyện, nếu bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân huyện thì khối lượng công việc sẽ rất lớn khó giải quyết kịp. Đặc thù của cấp xã là cấp ủy và chính quyền đều tập trung giải quyết những vấn đề trực tiếp liên quan đến người dân, bởi vậy mô hình bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân xã có thể thực hiện được nếu người đứng đầu đủ năng lực để đảm đương trọng trách “hai trong một”.
 
Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã đối với những nơi đủ điều kiện. Nhưng thế nào là đủ điều kiện? Đây là một vấn đề cần phải làm rõ. Điều kiện trước hết là phải có người đứng đầu đủ năng lực đảm nhiệm tốt cả hai vai: bí thư và chủ tịch. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào năng lực của người đứng đầu thì chưa thể phát huy hiệu quả mô hình “hai trong một”. Khi người đứng đầu đảm nhận cả hai vai thì từ cấp phó đến các bộ phận tham mưu đều phải nâng cao năng lực và đổi mới phương pháp làm việc để đáp ứng yêu cầu của mô hình “hai trong một”. Cấp phó (gồm phó bí thư và phó chủ tịch) phải chủ động giải quyết các công việc sau khi đã có ý kiến chỉ đạo của cấp trưởng (là bí thư kiêm chủ tịch). Nếu cấp phó làm việc theo kiểu thụ động, việc gì cũng hỏi cấp trưởng thì không thể thực hiện mô hình “hai trong một”. Các bộ phận tham mưu phải có những cán bộ giỏi, đủ năng lực chủ động giải quyết mọi công việc theo đúng sự chỉ đạo của người đứng đầu (hoặc cấp phó của người đứng đầu). Nếu đội ngũ cán bộ tham mưu do năng lực hạn chế phải “cầm tay chỉ việc” thì không bao giờ thực hiện được mô hình “hai trong một”. Cải tiến lề lối làm việc cũng là một yêu cầu quan trọng để thực hiện mô hình “hai trong một”. Nếu cơ quan đảng cũng như cơ quan nhà nước vẫn trong tình trạng hội họp nhiều như hiện nay thì người đứng đầu có năng lực giỏi vẫn khó đảm nhận công việc của cả bí thư và chủ tịch.
 
Tóm lại, để hiện thực hóa mô hình “hai trong một” không chỉ đòi hỏi nâng cao năng lực, trình độ của người đứng đầu, mà phải đổi mới cả hệ thống chính trị và nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
 
Trần Hồng Cơ