Nhiều người lầm tưởng rằng, đã là di sản được vinh danh thì nhất định phải phổ biến rộng rãi để nhiều người biết đến.
Di sản phải được bảo tồn trong cộng đồng đã sáng tạo ra nó. Đó là nguyên tắc. Tuy vậy, theo sự phát triển của đời sống, nhiều giá trị di sản được bổ sung, cập nhật, đôi khi được phóng tác dựa trên chất liệu có sẵn. Việc bảo tồn các giá trị di sản phi vật thể đặt ra yêu cầu hạn chế sự cải biên, đặc biệt là tránh tình trạng sân khấu hóa, để đưa di sản đến gần hơn với công chúng, phục vụ đời sống cộng đồng.
Không bị liệt vào danh sách những di sản cần được bảo vệ khẩn cấp như Ca trù, hát Xoan, nhưng dân ca Ví, Giặm, Đờn ca tài tử hay dân ca Quan họ - là những di sản phi vật thể có tính phổ biến trong cộng đồng được cho là đang đứng trước nguy cơ bị “sân khấu hóa”. Bởi nhiều người cho rằng bây giờ, không gian diễn xướng thật sự của các loại hình nghệ thuật dân gian này đã thay đổi. Những phường vải, phường nón không còn, bến nước cây đa cũng mất; đâu còn những buổi giã gạo, kéo lưới để trai gái có dịp đối đáp cùng nhau những câu hát trao duyên, thay vào đó, ánh đèn màu rực rỡ của sân khấu, những thiết bị âm thanh hiện đại, lại dễ dàng đưa những câu vọng cổ, những làn điệu Quan họ, những câu Ví, câu Giặm đến nhanh hơn với công chúng.
Trong hoàn cảnh đó, những người làm văn hóa đã khéo léo đưa những di sản này đến với cộng đồng bằng cách thay đổi không gian biểu diễn, cải biên nội dung cho phù hợp với cuộc sống mới. Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Quan họ hay Đờn ca tài tử được đưa vào nhà hát, được thể hiện trên sân khấu kịch hay các câu lạc bộ, trên sóng phát thanh - truyền hình.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: “Không phải như ngày xưa là hát trên đồng ruộng, hát trên sông nước. Nhưng các trình thức biểu diễn đó cũng được thể hiện rất rõ thông qua hoạt động của câu lạc bộ biểu diễn. Việc sân khấu hóa có ảnh hưởng hay không đến di sản, thì hình thức câu lạc bộ là bước chuẩn bị, đảm bảo tính bền vững để bảo vệ di sản”.
Nhiều người lầm tưởng rằng, đã là di sản được vinh danh thì nhất định phải phổ biến rộng rãi để nhiều người biết đến. Tuy nhiên, các nhà bảo tồn văn hóa thì lại cho rằng dù có phổ biến đến đâu, vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đúng như những gì nó đã được trao truyền, kế thừa. Dân ca có thể trở thành những giá trị phái sinh trong các tác phẩm của các nhạc sĩ đương đại. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, đôi khi dẫn đến nhầm lẫn, di sản bị làm mới và trở thành những giá trị khác. Nói như GS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia thì cần phân định rạch ròi đâu là di sản do cộng đồng sáng tạo, trao truyền từ bao đời nay và đâu là yếu tố cải biên.
“Khi trình bày nghệ thuật dân gian lên sân khấu chúng ta phải nói rất rõ với khán giả, thính giả đây là những cái đã được cải biên, đã lấy từ chất liệu của đờn ca tài tử, của Ví Giặm, chất liệu của quan họ… đưa lên sân khấu, để người ta thấy rằng cách hát xưa như thế này, cách hát ngày nay như thế này. Còn khán giả ưa giá trị nào thì đó lại do tâm lý người nghe. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, công việc bảo tồn vẫn là phải bảo tồn những bài hát cổ, điệu hát cổ, cách múa cổ là nền tảng nuôi sống di sản đó khi nó bước vào xã hội hiện đại”, GS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.
Khi không gian diễn xướng của không ít di sản phi vật thể ngày một thay đổi, các di sản sẽ phải chuyển đổi chức năng cho phù hợp. Điều đó là tất yếu khi đưa di sản vào câu lạc bộ, nhà hát hay xây dựng thành sản phẩm du lịch, để di sản đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, theo TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thì: khi đưa di sản lên sân khấu, lên truyền hình phải phân định rõ các hình thức biểu diễn và di sản phải do công chúng giới thiệu.
“Sẽ là rất tốt nếu có các cuộc liên hoan mà chúng ta dành cho cộng đồng cơ hội để họ được tự giới thiệu di sản của mình và họ tham gia, trình bày những di sản của mình. Còn nếu liên hoan chỉ là liên hoan mang tính chuyên nghiệp thì nó lại thuộc một lĩnh vực khác. Nó không thuộc lĩnh vực bảo vệ di sản mà lại thuộc lĩnh vực nghệ thuật trình diễn một cách chuyên nghiệp. Vấn đề là những người tổ chức, những người hỗ trợ cộng đồng phải lưu ý điều đó”, bà Lý cho biết.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cũng cho rằng dù phải thay đổi phương thức biểu diễn cho phù hợp khi ứng xử với nhiều không gian diễn xướng khác nhau, nhưng vẫn phải tránh tình trạng sân khấu hóa bằng việc giữ lại âm nhạc, điệu hát, phương thức, cách thức sinh hoạt ca hát vốn có của nó.
“Một điều rất quan trọng là phải giữ được nguyên, giữ đúng điệu hát đó. Cũng như ta xem liên hoan, các nghệ nhân lên sân khấu hát đúng bài đó, thế là được rồi. Và thế là bảo tồn rồi. Bây giờ người ta thường biến nó thành các câu lạc bộ. Mà đã biến thành các câu lạc bộ thì lập tức có người biểu diễn và người thưởng thức, còn ngày xưa thì không có. Chúng ta phải chịu một sức ép của lịch sử, và bây giờ làm sao giữ được giai điệu, ngôn ngữ để ta đưa nó vào các phương thức sinh hoạt khác của đời sống hiện đại”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ.
Nếu như quan họ được hát tập thể để xác lập kỉ lục, hát Xoan bị chèo hóa, Hội Gióng được phục dựng những đoạn kịch tính nhất, linh thiêng nhất và mang đi biểu diễn nhiều lần, hay những giai điệu cổ của cồng chiêng Tây Nguyên bị pha trộn bởi các nhạc cụ hiện đại như organ, guitar cùng dàn âm thanh điện tử, được nhiều người nhảy múa để mua vui…thì đó là những báo động về nguy cơ sân khấu hóa di sản, là biểu hiện của tình trạng di sản xa lạ với chủ thể sáng tạo, người dân không còn thấy di sản là của chính mình. Vì vậy, bảo tồn di sản văn hóa một cách bền vững nhất, cách tốt nhất là hạn chế tình trạng sân khấu hóa, để di sản được sống trong đời sống cộng đồng.
Theo VOV.VN