(Baonghean) - Suốt cả tuần qua, ngoài chuyện lo Tết, sắm Tết, về Tết... là rôm rả bậc nhất, thì thứ nhì là chuyện con ruồi, anh nông dân và “đại gia” nước giải khát Tân Hiệp Phát (THP).
 
Rôm rả là vì, con ruồi vốn là một trong những loài đáng kinh tởm nhất vì “hai chân của nó rất vi trùng nhiều” bỗng dưng có giá “trên trời” với nửa tỷ đồng một cá thể. Có được sự lên ngôi ngoạn mục đó, là nhờ vô tình hoặc cố ý nằm trong chai nước ngọt của hãng nước giải khát THP. Anh nông dân, cũng không rõ vô tình hay cố ý, vớ được chai nước đó liền ra giá với THP: hoặc là chi 1 tỷ đồng để đổi lấy chai nước trong sự im lặng, hoặc là sẽ bị loan tin, đưa ảnh lên mạng Internet và báo chí. Mà nếu như thế thì uy tín của THP, chất lượng sản phẩm của THP coi như đổ sông, đổ bể. Việc kinh doanh có thể vì thế mà xuống dốc thê thảm và khó lòng mà vực dậy được. 
 
Đó là theo cách nghĩ không đến nỗi ngây thơ mà còn có chút ma mãnh, tinh quái của anh hai lúa xứ Tiền Giang. Nhưng ở đời, mấy ai học được chữ ngờ. THP một mặt vờ đám phán hạ giá con ruồi chết trong chai nước từ một tỷ xuống 500 triệu đồng; một mặt nhờ công an can thiệp. Và khi anh nông dân không hề chất phác kia đang ngửa tay nhận những đồng tiền không đàng hoàng, minh bạch kia thì bị công an tra còng vào tay với tội danh cưỡng đoạt tài sản. 
 
Chuyện có lẽ sẽ trôi đi theo dòng đời sôi động và anh nông dân có lẽ sẽ im lặng trả giá cho những giây phút nổi máu tham bằng những chuỗi ngày ngồi sau song sắt nhà tù. Nhưng không, các trang mạng xã hội lập tức nổi sóng với nhiều ý kiến bàn cãi từ nhiều góc độ. Phải nói rằng, đó là một sự nổi sóng rất bất ngờ và rất không bình thường. Người bênh anh nông dân thì phê phán THP cố tình chơi xấu, hại người. Vì đã gặp gỡ, đã thỏa thuận rồi lại lật lọng đi báo công an cho một phút nổi máu tham. Thế nên đã kêu gọi cộng đồng tẩy chay các sản phẩm của THP để “đòi lại công bằng cho anh nông dân”. Lời kêu gọi này, nếu nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người tiêu dùng thì đó sẽ là một thảm họa đưa THP đến bên bờ vực của sự phá sản. Kẻ bênh THP thì cho rằng hành vi đó của anh nông dân đích thị là cưỡng đoạt, là tống tiền. THP báo nhà chức trách là đúng, là có “trách nhiệm xã hội” trong việc bài trừ, triệt tiêu những phần tử, những mầm mống của cái xấu. Luồng ý kiến thứ ba thì cho rằng, hành vi của anh nông dân và của THP đều không đúng mực. Lẽ ra, khi phát hiện có ruồi chết trong sản phẩm của THP thì anh nông dân, nếu thật sự có trách niệm với cộng đồng, sẽ gọi tới các cơ quan chức năng để phản ánh và yêu cầu làm rõ chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của THP. Đồng thời loan tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo tới người tiêu dùng. Hoàn toàn không nên “đục nước béo cò” kiểu như thế. Còn THP, lẽ ra, khi phát hiện sản phẩm của mình có vấn đề thì không được năm lần, bảy lượt đàm phán với mục đích để giấu nhẹm chuyện con ruồi đi. Mà nên kiểm tra kỹ lưỡng để xác định có thật hay không. Nếu bị vu khống thì làm rõ ra là bị đổ oan. Nếu có thật thì phải tìm ra nguyên nhân. Sau đó công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự việc không hay và gửi lời xin lỗi đến người tiêu dùng. Đồng thời tiến hành thu hồi những sản phẩm có nghi vấn. Cho dù thiệt hại đến mấy cũng chấp nhận. Kiên quyết không đàm phán, không tiếp tay cho những hành vi tống tiền dù với bất cứ giá nào. Thế mới quang minh, chính đại, mới xứng đáng tư cách của một doanh nghiệp lớn. Đằng này lại chấp nhận đàm phán. Như thế là đã có chủ ý giấu giếm sự việc nếu đàm phán thành công. Và khi không được như ý thì gài bẫy, đẩy một người vào vòng lao lý chỉ vì một suy nghĩ nông cạn, dại dột. Thử hỏi, làm thế có xứng mặt “đại gia” không?
 
Còn về phía phía các trang mạng xã hội, dấy lên một đợt sóng như vậy là nhằm mục đích gì? Bảo vệ anh nông dân kia ư? Không hẳn là vậy đâu. Có khi đó chỉ là cái cớ để kêu gọi tẩy chay sản phẩm của THP. Phải chăng là đang có một ai đó “thừa gió bẻ măng”, “mượn đao giết người”. Nhân chuyện này, đẩy lên đỉnh điểm để triệt hạ đối thủ cạnh tranh trong thị trường nước giải khát vốn luôn cho nhiều lợi nhuận. Nhưng đây chưa chắc là một cú ra đòn hiểm hóc từ đối thủ của THP, mà cũng có thể là một “độc chiêu” quảng bá của chính THP. Vì từ khi xảy chuyện đến nay, tần suất xuất hiện của THP trên các mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng luôn dày đặc và luôn thu hút được sự quan tâm của nhiều người mà không cần phải bỏ ra một xu nào cả. Nếu đúng là như vậy thì đây là một “quái chiêu” ít có trong nghệ thuật quảng bá thương hiệu. Điều còn lại là phải hết sức cảnh giác và luôn luôn tỉnh táo nhìn nhận đâu là bất thường thật và đâu là bất thường giả, có chủ đích để khỏi rơi vào mê hồn trận của những chiêu trò quảng bá thương hiệu hay loại trừ đối thủ miễn phí cho một ai đó. Vừa làm nhiễu loạn dư luận, vừa tốn công, phí thời gian một cách vô ích.
 
Duy Hương