(Baonghean) - Lần theo câu thơ của Vương Trọng:  “Bến Cung anh đến đang chiều/ Gặp sông mà vắng mái chèo đò ngang/ Sắc trời mặt nước mênh mang…” tìm về làng Thuần Hậu, xã Trung Sơn (Đô Lương) – một vùng quê thanh bình, tươi đẹp, bên tả ngạn sông Lam.
 
Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Công, làng thành lập từ thế kỷ XVII; mấy trăm năm trước, dải đất màu mỡ ven sông, đã được tổ tiên các họ Nguyễn Công, Nguyễn Thế, Phan Bá, Trần Văn… về đây khai phá. Xưa kia, làng có 4 xóm: Thuận, Nghĩa, Mỹ, Tự, lấy khu vực đình làng làm trung tâm; phía sau là đồng ruộng; phía trước là sông Lam quanh co uốn khúc.
 
Theo các cụ cao niên, ngày trước, trên khu đất thoáng giữa làng, rộng gần 2 mẫu, tồn tại 3 công trình cổ nằm liền nhau, được bao bọc bởi một bức tường chung, xây dựng từ đá ong Rú Cuồi. Đình Thuần Hậu 5 gian đồ sộ, gian ngoài đặt 2 bộ phản và 1 chiếc sập chân quỳ. Trước sân đình, có giếng cổ, ghép nên từ đá núi, mỗi lần cúng tế, thường lấy nước ở đây. Tại đình, tháng 6 âm lịch, làng tổ chức cúng Thành Hoàng và trước khi vào mùa, thường làm lễ Thượng Tân, cầu mong mùa màng tươi tốt. Trong cách mạng, đình là nơi dân làng tập trung mít tinh, cướp chính quyền, ngay sau đó mở các lớp bình dân học vụ. Trong kháng chiến, đình là trụ sở của các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc; là nơi đưa tiễn những người con của làng lên đường đi chiến đấu. 
 
images1178906_11303485_1607590682844020_689625123_n.jpgBến đò Cung, làng Thuần Hậu (xã Trung Sơn, Đô Lương).
Đền Bản Cảnh bên cạnh, có 2 toà thượng, hạ. Ngày trước, tại đền có phả tích, sau bị thất lạc; đây là nơi dân làng thường đến dâng hương, làm lễ cầu yên. Nhà thờ Võ 3 gian nằm gần đền, là nơi lưu danh và thờ tự những người con của làng đã từng tham gia quân đội thời Nguyễn (người được thờ phải từ “cấp uý, cấp quản” trở lên). Hàng năm, đầu xuân, làng lại tổ chức cúng tế tại đây. Những năm chống Mỹ, nhà thờ Võ bị dỡ bỏ, hai dãy bài vị đã được dân làng đưa về các nhà thờ họ. 
 
Từ đình làng, nhìn ra phía bờ sông là chùa Cày và chợ Điếm. Chùa dựng trên khu đất 5 sào, có một nhà Nho trong làng đảm nhiệm việc trông nom, lễ Phật. Chợ Điếm là chợ cổ ra đời từ xưa, do gần chợ có một điếm canh nên người làng gọi tên như vậy. Chợ đóng trên bãi bồi ven sông, gần đường lớn, có ngôi đình to và cây gạo cổ thụ; là trung tâm mua bán, trao đổi của vùng, người từ Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, thường theo đường bộ, đường sông về đây về tụ họp. Trong kháng chiến, để đảm bảo an toàn, chợ đã phải di dời qua nhiều vị trí (ra sát bờ sông, lên núi Đền…), rồi sát nhập vào một chợ ở xã bên (nay là chợ Điếm - Đà Sơn). Sau bao biến đổi, thăng trầm, những công trình cổ của làng đã phai mờ dấu tích, hình ảnh quê xưa với những đền, đình, giếng, chợ thân quen… nay chỉ còn trong hoài niệm.   
 
Sông Lam chảy trước mặt làng, uốn thành một đường cong hình cánh cung, ôm lấy bãi bồi, nên bến sông của làng gọi là bến Cung. Từ xa xưa, bến Cung là cửa ngõ của làng, tổng, huyện, thông sang huyện bạn, một thời gắn liền với chợ Điếm, tấp nập ngược xuôi cảnh mua bán trên chợ dưới thuyền. Những năm Xô viết, bến Cung là nơi đưa người từ Cát Ngạn sang bên này sông, đi biểu tình chống Pháp, ở đồn Chợ Rạng. Những năm chống Mỹ, làng Thuần Hậu là nơi đặt trạm trung chuyển thương, bệnh binh từ các chiến trường về; trong làng, mọi người vừa chiến đấu, vừa tham gia chăm sóc, tải thương. Gần 8 năm ròng, bến đò Cung trở thành nơi vận chuyển thương, bệnh binh từ làng đi Quân y viện IV (đóng ở Cát Văn – Thanh Chương) và cũng là một trong những điểm ném bom ác liệt của giặc Mỹ trên đất Đô Lương. Ngày nay, bến sông xưa vẫn còn đó, có khác chăng chỉ là “bến đò kiểu mẫu” với thuyền máy, nhà chờ và con đường xuống bến đi giữa bãi ngô xanh đã được đổ bê tông. Với người Thuần Hậu, bến đò Cung đâu chỉ là nơi đón đưa khách sang sông, mà còn là nơi in dấu, chuyên chở cả những tháng năm đau thương mà oanh liệt.
 
Theo cụ Nguyễn Thế Trung (85 tuổi), người dân nơi đây từ bao đời vẫn thuần hậu như chính tên gọi của làng; ngoài chí thú làm ăn còn đam mê thể thao, văn nghệ. Ngày trước, làng nổi danh trong vùng về đội vật cù, với nhiều trai tráng, đàn ông khoẻ mạnh, thi đâu thắng đó. Làng còn lập ra một đội tuồng, tập hợp những người hát hay, diễn giỏi như ông Nguyễn Đẩu Cầm, ngày làm việc, đêm luyện tập, mỗi dịp lễ, Tết lại biểu diễn khắp làng trên xóm dưới. Thông qua những vở tuồng cổ như Trưng Trắc – Trưng Nhị, Phạm Tải – Ngọc Hoa… để chuyển tải, tuyên truyền, giác ngộ tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần chống ngoại xâm bất diệt trong nhân dân. 
 
Đã thành “đất lề quê thói”, người Thuần Hậu thường mời nhau uống nước chè xanh, một phong tục đẹp tự bao đời vẫn được người dân nơi đây gìn giữ. Dẫu cuộc sống trên quê xưa đã có nhiều thay đổi, “tường cao, rào kín”, nhưng tấm lòng người dân thì vẫn luôn rộng mở, ấm áp tình làng, qua bát nước chè xanh. Đêm đêm, sau tiếng gọi mời, dân làng lại quây quần, hồ hởi bên những ấm chè đang bốc khói, để hàn huyên thế sự, mà gác lại bao lo toan của cuộc sống mưu sinh. Bát nước chè xanh, tuy giản dị, mộc mạc như chính người quê, nhưng lại là chất keo kết nối tình cảm xóm làng và lưu giữ hồn quê nơi thôn dã.
 
Xuôi bến đò Cung, rời làng Thuần Hậu, thuyền rẽ sóng sang sông, lòng vẫn còn bao lưu luyến về tình đất, tình người Trung Sơn. “Đò chèo ra giữa lòng sông/ Nón em quai buộc nên không trùng triềng”. Vùng quê bên sông Lam ấy, dẫu chẳng còn những nét xưa cổ kính, nhưng truyền thống nhân văn, thì còn chảy mãi đến muôn sau.
 
Huy Thư