(Baonghean) - Mấy ngày vừa qua, đại biểu Quốc hội tập trung bàn bạc, thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phần lớn các ý kiến cho rằng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khắc phục được những vướng mắc trong quản lý đất đai theo luật hiện hành như đã có quy định rõ ràng về quyền lợi của người dân bị thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì lý do quốc phòng - an ninh, kinh tế, xã hội; định giá đất bị thu hồi sát với giá thị trường… Bên cạnh đó, dự án luật đã có quy định về việc tổ chức lại cuộc sống của người dân nếu bị thu hồi đất, đây là vấn đề hết sức quan trọng. Bởi nếu không giải quyết được vấn đề dân sinh thì sẽ có một bộ phận không nhỏ dân cư phải chịu thiệt thòi, hy sinh cho sự phát triển. Tuy nhiên, không ít đại biểu băn khoăn về quy định thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội, bởi "kinh tế xã hội" là một phạm trù quá lớn và rất dễ bị lợi dụng nhằm mục đích tư lợi và cũng có những ý kiến gờn gợn lo khi vẫn dùng cụm từ “thu hồi đất”.
Một chuyên gia về pháp luật đã khẳng định: Thực tế cho thấy các quy định pháp luật về đất đai hiện hành đã và đang gây ra một thực trạng nhức nhối trong xã hội. Nông dân bị thu hồi đất một cách tràn lan, tùy tiện; sự trục lợi trên đất đai và giàu lên nhanh chóng của các nhóm lợi ích bắt tay với quyền lực công; khiếu nại, tranh chấp về đất đai diễn ra khắp mọi nơi và ngày càng nóng bỏng... Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng trên xuất phát chính từ những bất cập của những áp đặt không phù hợp với thực tiễn cuộc sống của pháp luật về đất đai. Hơn 30 năm áp dụng các quy định này vào thực tiễn, chúng ta đã chứng kiến, đã thấu hiểu sâu sắc rằng chúng cần được sửa đổi một cách toàn diện. Vậy có nên giữ nguyên một số khái niệm như quy định cho phép “Nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội” nữa hay không?
Vấn đề là phải nghiên cứu, phân tích kỹ càng để xem những sự chỉnh sửa, bổi sung trong dự luật về đất đai có khắc phục được triệt để những bất cập và cả bất công như đã nói ở trên hay là mới chỉ dừng lại ở mức giải quyết những hiện tượng bề nổi mà chưa đi sâu vào giải quyết đúng tận gốc rễ sâu xa, bản chất của vấn đề. Phải tiên liệu xem, khi dự luật đất đai (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thi hành thì có giảm thiểu được số vụ khiếu kiện về đất đai hiện đang chiếm phần lớn trong các vụ khiếu kiện đông người? Những “bờ xôi, ruộng mật” của người dân có tiếp tục bị lấy khỏi tay dân chúng một cách tùy tiện, núp dưới hai chữ “thu hồi” nữa hay không. Và sẽ không còn tiếp tục mọc lên những khu tái định cư hậu thu hồi đất với nhiều cái không như không đường, không điện, không nước sạch, không việc làm, không đất trồng trọt… dẫn đến một cái không nữa là dân không ai muốn ở.
Chúng ta vẫn thường nói khi bố trí tái định cư cho những người bị thu hồi đất thì “nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Vậy mà trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa thấy nói về khu tái định cư nào bằng nơi ở cũ chứ chưa nói là tốt hơn. Mà chỉ thấy nói nhiều và nói mãi về những khu tái định cư “nhiều không”. Liệu những cái “sửa” đó có làm thay “đổi” được thực trạng hiện hành hay không? Điều này rất mong các đại biểu của dân xem xét kỹ và có câu khẳng định rõ ràng hoặc là “có” hoặc là “không” trước khi bấm nút thông qua. Còn nếu cứ “cơ bản đồng tình” một cách chung chung như xưa nay vẫn thế thì…
Đất đai là quốc gia công thổ là tài nguyên chung phải được sử dụng cho mục đích phát triển chung của đất nước của nhân dân chứ không phải để đem lại lợi nhuận cho bất cứ một nhóm người nào, như đã và đang xảy ra ở không ít nơi. Phải sửa đổi để không ai có thể làm sai lệch được mục đích đó. Và đã sửa thì phải tạo ra được sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp. Và thay đổi càng nhanh, mạnh, càng sâu, rộng càng tốt. Như thế mới bõ công mới đáp ứng được sự mong đợi của người dân khi tham gia góp hàng triệu ý kiến cho việc sửa đổi trong suốt cả năm qua.
Duy Hương