(Baonghean) - Đã thành một truyền thống đẹp, không chỉ đến tháng Bảy, tháng có Ngày Thương binh - Liệt sỹ thì những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa mới diễn ra trên khắp cả nước. Mà, “như suối ngầm trong đất chảy trăm nơi”, các hoạt động chăm lo gia đình thương binh, liệt sỹ và những gia đình có công với cách mạng diễn ra âm thầm, bền bỉ trong từng ngày, từng tháng, từng năm. 
 
Không phô trương, không ầm ĩ, các hoạt động sâu nghĩa, nặng tình ấy tập trung đi vào những việc làm có hiệu quả thiết thực. Như xây dựng nhà tình nghĩa, mua thẻ BHYT tặng các đối tượng chính sách. Tạo nơi ăn, chốn ở ổn định và thêm điều kiện chăm lo sức khỏe cho những người có công lao với đất nước. Rồi các cơ quan, đoàn thể tổ chức nuôi dưỡng và thường xuyên qua lại thăm hỏi, tặng quà, động viên các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh nặng. Tạo điều kiện giúp con em các gia đình thương binh, liệt sỹ học hành đến nơi, đến chốn, có việc làm... Những nghĩa cử này tuy không lớn nhưng có ý nghĩa thật cao cả. Giúp các các gia đình chính sách luôn cảm thấy được chăm lo, quan tâm một cách thật tình. Đó chính là một lời tri ân của thế hệ hôm nay dành cho những người đi trước, bởi ngoài giá trị vật chất, những việc làm này còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay dành cho những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; bảo vệ và xây dựng đất nước.
 
Thế nhưng, như thế là chưa đủ. Vì lẽ, các thương binh, liệt sỹ đổ máu xương của mình không chỉ để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho dân tộc mà còn để nước Việt Nam ta luôn hoà bình, ổn định, phát triển để có thể “sánh vai các cường quốc năm châu”. Để mỗi khi ra bên ngoài có thể ngửa cổ tự hào xưng hai tiếng: Việt Nam. Sở dĩ nói những điều như thế vào những ngày này là vì đã, đang và có không ít những người Việt có những hành động làm mất quốc thể. Khi mà ở nước ngoài, ở những bàn ăn tự chọn,  người ta trương biển bằng tiếng Việt với những lời cảnh báo “ăn bao nhiêu, lấy bấy nhiêu. Để thừa là phạt”. Ở các siêu thị thì là “Không được ăn cắp, có camera theo dõi”. Ở các quán bar, quán trà nơi để ô, giày dép ở ngoài có tấm biển nhắc nhở bằng tiếng Việt “không được lấy ô, lấy giày của người khác để dùng”… Và  mới đây nhất, có hai khách du lịch người Việt bị bắt quả tang khi ăn cắp ở Thụy Sỹ và Singapore thì thẳng thừng từ chối nhập cảnh đối với không ít nữ du khách Việt vì nghi ngờ mục đích du lịch là để sang làm gái mại dâm đã như giọt nước làm tràn ly, khiến cho cả cộng đồng người Việt cả ở trong và ngoài nước vừa xấu hổ vừa phẫn nộ. Đi ra ngoài thì vậy, ở trong nước những vụ tham ô, tham nhũng, thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ khiến  tổ chức minh bạch quốc tế luôn xếp Việt Nam vào hàng những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao. Có lẽ dưới suối vàng các liệt sỹ cũng không thể yên lòng được bởi họ đánh đổi tuổi thanh xuân, hy sinh tính mạng mình không phải để cho những điều đó xảy ra.
 
Thế nên, phải tập trung giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho lớp trẻ hôm nay đẻ rồi mai mốt không có thêm một hành động nào nữa khiến liệt tổ, liệt tông cũng như hương hồn các liệt sỹ phải đau lòng. Và nhất là phải làm cho lớp trẻ thật sự thấm nhuần câu khẩu hiệu “Lao động là vinh quang”. Vì chỉ khi họ nhận thức được một cách sâu sắc và đầy đủ giá trị từ thành quả của lao động của chính mình mang lại thì họ sẽ không ăn cắp của riêng cũng như không tham nhũng của công và cũng không lãng phí đồ ăn, thức uống một cách bừa bãi. Các thương binh, liệt sỹ đã đổ máu xương của mình ra để bảo vệ Tổ quốc thì thế hệ trẻ hôm nay cần phải đổ mồ hôi ra mà kiến thiết, dựng xây đất nước cường thịnh để ngày càng nâng cao vị thế đất nước, dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Đó cũng chính là hành động tri ân vừa thiết thực vừa sâu sắc.
 
Duy Hương