(Baonghean) - Hôm rồi ra Hà Nội chơi, được ông bạn đón từ sân bay về nội thành đi qua đường cao tốc cầu Nhật Tân. Xe đang chạy “bon” thì bỗng nhiên bạn mình bẻ lái vội một cái, khiến mọi người trên xe ngã dúi dụi. Ngoái nhìn lại mới thấy: một cụ già chạy xe đạp điện ung dung chạy trái làn đường cao tốc, đã vậy còn đi ở làn phía trong cùng! Bạn mình lau mồ hôi lạnh, lẩm bẩm: 
 
- Cụ ơi là cụ, đường cao tốc chứ có phải đường làng đâu mà cụ “liều” thế? Cụ mà có làm sao, chắc cháu cũng không sống nổi với các con, các cháu của cụ mất…
 
Nói rồi, bạn mình kể chuyện hồi còn làm việc ở nước ngoài. Bên ấy hầu như rất ít xảy ra tai nạn giao thông, hi hữu lắm mới có và thường do sự cố kỹ thuật, máy móc. Không bao giờ có chuyện tai nạn do người tham gia giao thông chạy ngược làn đường, vượt đèn đỏ, lấn làn xe khác,… tóm lại là những trường hợp tương đối phổ biến ở Việt Nam…Hồi mới về nước, bạn mình bước chân ra đường tuyệt đối không dám tự chạy xe, toàn được chở hoặc gọi taxi vì “Giao thông Việt Nam như ma trận vậy! Làn đường, dải phân cách, đèn tín hiệu,…có mà như không. Ai thích chạy đường nào, như thế nào tuỳ thích…”. Tất nhiên bây giờ thì đó đã là chuyện quá khứ, bạn mình bây giờ cũng là một tay lái tương đối “cứng”, duy có điều từ khi chạy xe ở Việt Nam, có thêm tật xấu hay chửi thề. 
 
Mình cứ nghĩ mãi về những so sánh của ông bạn mình giữa giao thông nước ngoài và giao thông ở Việt Nam. Theo đó, ở nước ngoài nhất nhất đều làm theo luật. Có khi trong một vụ tai nạn, người bị thiệt hại nặng hơn (kể cả về con người) vẫn phải bồi thường và chịu trách nhiệm - nếu như lỗi thuộc về người đó. Trái lại, ở Việt Nam thường có kiểu tư duy “xe lớn, xe bé”. Có khi người điều khiển xe ô tô đang lưu thông hoàn toàn bình thường, đúng luật, va chạm với một chiếc xe máy đi sai luật thì người điều khiển ô tô vẫn phải bồi thường cho người đi xe máy nếu chẳng may có thiệt hại về người.
 
Có người nhận xét việc người bị thiệt hại vẫn có thể phải bồi thường ở nước ngoài là biểu hiện của một tư tưởng “cứng nhắc, vô cảm”. Song nếu đặt ngược câu hỏi: nếu theo “luật chơi” ở Việt Nam, người làm đúng vẫn phải chịu trách nhiệm, liệu chúng ta có đang dung túng, khích lệ cho sự sai phạm, thiếu tôn trọng luật lệ và sự an toàn của cộng đồng? Quay trở lại với câu chuyện cụ già chạy trái làn trên đường cao tốc, nếu đặt câu hỏi: nếu ở nước ngoài, các tài xế hoàn toàn có quyền làm theo luật - “đường tôi được phép chạy, tôi đúng - anh sai” thì chuyện gì sẽ xảy ra cho cụ già? Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chính do luật lệ “cứng nhắc” như vậy nên sự chấp hành của người tham gia giao thông cũng hết sức nghiêm chỉnh. Việc đi trái làn đường như vậy, có lẽ cũng chỉ…ở Việt Nam mới có mà thôi!
 
Suy cho cùng, thứ thực sự vô cảm ở đây là một hệ thống luật lệ và ý thức chấp hành nghiêm chỉnh tuyệt đối, hay là sự ngang nhiên vi phạm vì suy nghĩ “Chân lý thuộc về người gặp nạn”? Trên thực tế, mỗi khi vi phạm một quy định, luật lệ về ATGT, mỗi người đều nghĩ “Mọi người sẽ phải tránh mình ra”, “Chẳng ai dám đụng mình”,…Nhưng đó là suy nghĩ ngây thơ của những người nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng. Bởi vốn dĩ không ai muốn chủ động va chạm gây tai nạn cho mình và cho người khác, nhưng nếu ai cũng suy nghĩ theo tư duy thụ động, ích kỷ như trên thì đến một lúc nào đó, sẽ chẳng ai tránh ai nữa! 
 
Nói như vậy, không phải là suy nghĩ ngây thơ mà chính là sự vô trách nhiệm, vô cảm với bản thân - trước khi nghĩ đến cộng đồng. “Mọi người sẽ phải tránh mình ra” - tại sao không chủ động nắm lấy trách nhiệm đối với sự an toàn của bản thân mà phải phụ thuộc vào người khác như vậy? Nếu ngay với chính mình mà còn dễ dãi, hời hợt như thế, thì đến bao giờ chúng ta mới sống có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội đây?
 
Hải Triều