(Baonghean) - Các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google+... ngày càng trở nên quen thuộc với người dân nước ta, thu hút hàng triệu người sử dụng, tạo ra một “cộng đồng” mạng lớn, với tốc độ lan tỏa thông tin rất nhanh. Ngay cả những trang thông tin điện tử, một loại hình báo chí mới, đôi khi cũng thua kém mạng xã hội trong việc lan tỏa thông tin, ít nhất dưới góc độ thời gian. Và người ta đã nhận ra có một sự “thách thức” không hề nhỏ về sự ảnh hưởng của loại phương tiện thông tin mới này đối với các công cụ thông tin truyền thống như báo in, truyền hình, phát thanh...
Và như chúng ta đã biết, báo chí là một kênh quan trọng để làm công tác tư tưởng có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. Sự thách thức của mạng xã hội với báo chí cũng chính là sự thách thức đối với công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay. Chỉ cần một vài thiết bị cá nhân phổ biến như điện thoại thông minh hay máy tính bảng gọn nhẹ, thông tin và hình ảnh về một sự kiện hay nhân vật nào đó sẽ nhanh chóng và dễ dàng được đưa lên internet. Trong khi, tính xác thực của thông tin và hình ảnh không hề được bảo đảm. Ngoài ra, mạng xã hội còn làm thay đổi hành vi của công chúng từ chỗ họ chỉ là người tiếp nhận thông tin một cách bị động, nay họ đã trở thành người chủ động tham gia sản xuất, cung cấp và chia sẻ thông tin.
Dĩ nhiên, khi chia sẻ và cung cấp thông tin, người ta luôn đưa theo nhãn quan, ý muốn, mong muốn chủ quan của họ để đạt mục đích nào đó. Mục đích đó có thể là tốt, có thể là xấu. Và người tiếp nhận thông tin tuy không kiểm chứng được những hình ảnh, thông tin đó là thật hay giả tạo, nhưng ít nhiều đều tác động đến tư tưởng, tình cảm của họ. Khiến họ suy nghĩ theo ý muốn chủ quan của người cung cấp. Đã có không ít trường hợp, chỉ một vài người đã dẫn dắt cả số rất đông người sử dụng mạng xã hội tạo nên hiệu ứng tập thể, hiệu ứng đám đông từ cộng đồng mạng, biến thành những trào lưu, xu hướng ngoài đời thực. Điển hình là vụ việc cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay sản phẩm nước giải khát của Tân Hiệp Phát gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp này.
Về sau, mới vỡ ra đó là chiêu cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ cùng ngành hàng. Thế nên, những kẻ xấu và các thế lực thù địch đã tận dụng triệt để lợi thế này của mạng xã hội để tung tin thất thiệt theo kiểu thật giả lẫn lộn gây xáo trộn xã hội, tạo sự hoài nghi, thậm chí là làm sứt mẻ niềm tin của người dân vào chế độ. Gần đây nhất là việc Đại tướng Phùng Quang Thanh ra nước ngoài chữa bệnh đã bị các thế lực xấu thêu dệt, thổi phồng lên thành một âm mưu triệt hạ nhau trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Dĩ nhiên là không nhiều người tin có chuyện đó, nhưng cũng gây ra sự hoài nghi và cả sự hoang mang cho xã hội trong một thời gian ngắn. Không chỉ có thổi phồng, bịa đặt, xuyên tạc mà “đội quân diễn biến hòa bình” còn dành nhiều thời gian, công sức sử dụng những bài báo chống tiêu cực trên các tờ báo chính thống rồi tổ chức phân tích, bình luận theo chiều hướng nói xấu chế độ, kích động người dân. Có thể nói, mở các mạng xã hội ra, không ngày nào là không có những câu chuyện, những hình ảnh tương tự được tung lên rồi bàn luận theo kiểu đó. Tất cả đang như những dòng nước ô nhiễm ngày đêm đầu độc tư tưởng người dân.
Tuy nhiên, không vì thế mà coi mạng xã hội là xấu là nên ngăn chặn triệt để bằng các biện pháp hành chính hay kỹ thuật. Mà nên “nương theo chiều gió”, sử dụng chính mạng xã hội như là một thứ vũ khí mới, sắc bén để làm công tác tư tưởng tới người dân. Để làm được điều đó, đội ngũ những người làm công tác tưởng hôm nay, không chỉ phải có lập trường tư tưởng vững vàng, nắm chắc, thấu suốt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn phải là một “chiến sỹ bàn phím”, một “cư dân mạng” tích cực, xông xáo và chủ động vào cuộc để lôi kéo, dẫn dắt cộng đồng mạng đi theo chiều hướng có lợi cho đất nước, cho nhân dân.
Đồng thời tập trung phân tích, làm rõ giúp người sử dụng mạng xã hội nhận diện rõ đâu là những làn gió độc, đâu là những dòng nước mát lành thông qua những status hay những comments sinh động, dí dỏm mà không kém phần sâu sắc và có hàm lượng trí tuệ cao. Dĩ nhiên, làm được như thế thì tốn thời gian, công sức lắm. Và chắc chắn là không thể làm việc gói gọn trong “8 giờ vàng ngọc” được mà phải là 24/24 giờ đồng hồ. Và cũng không thể thụ động ngồi chờ văn bản, chỉ thị hay lệnh miệng từ thủ trưởng cơ quan rồi mới hành động mà phải chủ động trong mọi nơi, mọi lúc. Hễ phát hiện có làn gió độc nào đang phát tán trên mạng xã hội là lập tức phải “điều binh, khiển tướng” qua cái đầu lạnh và 10 ngón tay linh hoạt để ngăn chặn và đẩy lùi bằng những lập luận sắc bén và dẫn chứng cụ thể, rõ ràng.
Làm công tác tư tưởng bây giờ phải vậy. Phải chủ động tiến công, phải đi trước một bước. Phải biết phát huy ưu thế của công nghệ thông tin hiện đại để phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục. Dùng chính công cụ mạng để làm tan rã âm mưu, ý chí của những kẻ dùng mạng xã hội để mưu toan làm những việc bất chính. Như thế gọi là dùng “gậy ông đập lưng ông”.
Bụt Sơn