(Baonghean) - Vài, ba năm lại đây, một câu hỏi thường trực được đặt ra cho nông nghiệp Nghệ An nói riêng: Nông nghiệp muốn tiếp tục phát triển phải đi theo con đường nào? Và đi bằng cách nào?

Về mặt lý lẽ thì chưa thấy cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cao nhất là Bộ NN&PTNT đưa ra một văn bản nào; trong thực tế thì đã đưa ra và tổ chức thực hiện một số chủ trương như: dồn điền đổi thửa, xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, điện, thủy lợi), xây dựng chợ nông thôn: “Là nông thôn mới phải có chợ, và dùng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức liên kết “4 nhà”; gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến để tạo chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng ngày một cao; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn”...


Kết quả của các chủ trương đó đến nay có thể nhận định như thế nào? Chúng tôi xin được đưa ra ý kiến như sau:


- Dồn điền đổi thửa chỉ xóa được sự manh mún về số thửa ruộng (đất) cho từng hộ, chứ hoàn toàn không xóa được tình trạng manh mún của toàn bộ ngành Nông nghiệp.


- Đường nông thôn được cứng hóa, được mở rộng để tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động vận tải cả trong sản xuất và thông thương sản phẩm nông nghiệp. Điện đã gần như phủ kín hầu hết các xã, tạo nguồn năng lượng cho sản xuất chế biến, phát triển ngành nghề ở nông thôn; đây là kết quả rất đáng ghi nhận.


- Về thủy lợi đã tăng năng lực tưới tiêu nhưng cơ bản vẫn trên tư duy cũ. Thủy lợi cho vùng cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu gần như chưa có mấy kết quả, đặc biệt chưa đề cập một cách căn cơ thủy lợi theo tư duy công nghệ cao là tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới ngấm từ dưới lên. Do đó, gặp năm bị hạn thì các vùng cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu đều lao đao.


-    Chợ nông thôn gần như phủ kín các xã; song chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản xuất hàng hóa nhỏ chứ không đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn.


- Tổ chức liên kết “4 nhà” đã có kết quả tốt, song vẫn đang ở dạng mô hình chứ chưa thành phổ biến.
- Gắn sản xuất với chế biến thì luôn trục trặc trong quan hệ giữa người sản xuất nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến. Quan hệ lợi ích giữa 2 bên luôn có mâu thuẫn nhưng chưa có giải pháp xử lý căn bản.


- Ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất để giúp từng hộ nông dân sản xuất có hiệu quả hơn ở cây này cây khác, con nọ con kia nhưng chưa tạo ra được bước đột phá về kỹ thuật mang tính phổ biến.


- Kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp thì kết quả chưa được bao nhiêu. Các doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng đứng trước nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về ruộng đất, về cơ chế, về chính sách và cả về luật pháp nên đành “chịu thua” chuyển sang hướng đầu tư khác.
- Cuối cùng, là xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao xem ra khó có thể nói là khả quan. Công nghệ cao trong nông nhiệp là từ khâu tạo giống, chọn lọc giống, làm đất, tưới nước, bón phân, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, chế biến… chỉ khi nào có đầy đủ tính chất đó và đạt đến trình độ đó thì sự phát triển mới có năng lực để cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, sự phát triển đó mới bền vững...


Đến đây, chúng tôi xin nêu quan điểm riêng: Nếu muốn tiếp tục phát triển bền vững, nông nghiệp Nghệ An nói riêng phải đi theo con đường liên kết, bằng cách tự giác tổ chức sự liên kết đó. Và, trước khi đi vào cụ thể về “con đường liên kết”, xin được khẳng định 2 điều sau đây:


Một là, lãnh đạo kinh tế, chỉ đạo kinh tế, điều hành kinh tế… mà không bắt đầu từ lợi ích kinh tế là hoàn toàn vô nghĩa. Khoán 10 và Chỉ thị 100 trước đây đã giải quyết tận gốc lợi ích kinh tế của từng hộ nông dân, do đó đã tạo ra động lực từ từng hộ nông dân thúc đẩy nông nghiệp phát triển.


Thứ hai, đến nay động lực từ lợi ích kinh tế của từng hộ nông dân đã không còn đủ để đưa nông nghiệp phát triển đến tính chất và trình độ mà nó phải đi tới. Vậy, phải tạo ra được động lực mới; mà động lực mới ấy không gì khác ngoài con đường liên kết và cách tổ chức liên kết.


Vậy con đường liên kết và tự giác tổ chức liên kết cụ thể ra sao? Chúng tôi xin trình bày tiếp quan điểm riêng về vấn đề này:


1. Trước hết, các hộ nông dân phải liên kết với nhau dưới một hình thức nào đó. Còn cán bộ, hội, hiệp hội, hợp tác xã… khi có được sự liên kết này mới có điều kiện để xóa hiện trạng nhỏ lẻ, manh mún của hàng chục vạn, hàng triệu hộ nông dân, tạo ra các doanh nghiệp tập thể có quy mô đủ lớn. Có được sự liên kết này mới mở đường, mới “dọn tổ” để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (kể cả đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm); mới có khả năng đầu tư cơ sở kỹ thuật, cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn, tạo ra “thị trường” cho KHCN, có tổ chức được sự liên kết từ hộ nông dân với nhau, đồng thời có đủ điều kiện để thực hiện liên kết “4 nhà”. Trong quan hệ liên kết “4 nhà” ấy, thì nhà nông không còn con số chục vạn, con số triệu nữa mà sẽ ít hơn 100 lần. Mỗi tổ chức (hay đơn vị) liên kết của hộ nông dân sẽ đại diện cho quyền, lợi ích và trách nhiệm của hàng chục, hàng trăm hộ nông dân ký kết các hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp, với các cơ quan hoặc các nhà khoa học và với các cơ quan nhà nước.


2. Sự liên kết các hộ nông dân để đi lên sản xuất hàng hóa lớn là một tất yếu kinh tế, dẫu muốn hay không nó vẫn cứ diễn ra. Sự khác nhau chỉ là chỗ để nó diễn ra tự phát hay tự giác tổ chức sự liên kết. Nếu để quá trình này diễn ra tự phát thì sự liên kết sẽ diễn ra chậm chạp. Ngược lại, nếu là quá trình tự giác thì tổ chức sự liên kết sẽ rút ngắn được thời gian.


3. Nói tự giác tổ chức liên kết trước hết phải có vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của Đảng  với tư cách lãnh đạo toàn diện, cầm quyền, kế đó là vai trò và trách nhiệm “bà đỡ” của Nhà nước kết hợp với sự giác ngộ của nông dân sau thời gian tư duy trên luống cày của họ; cùng với đó là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, doanh nhân, của các cơ quan và nhà khoa học, một số tổ chức chính trị liên quan.


4. Liên kết các hộ nông dân với nhau để có cơ sở tổ chức kinh tế cho liên kết “4 nhà”. Liên kết “4 nhà” là liên kết kinh tế và do đó phải có 2 cơ sở: lợi ích và pháp lý. Các hộ nông dân chỉ tham gia các tổ chức liên kết (hội, hiệp hội, câu lạc bộ kiểu mới…). Khi ở trong tổ chức liên kết họ có được lợi ích lớn hơn, chắc chắn hơn. Liên kết “4 nhà” phải giải đáp hài hòa lợi ích của mỗi nhà. Và cuối cùng các hợp đồng kinh tế liên kết phải được đảm bảo bởi các quy định pháp luật chặt chẽ và nghiêm minh.


5. Quá trình tự giác tổ chức sự liên kết cũng là quá trình thay đổi về chất đối với giai cấp nông dân. Người nông dân Việt Nam, người nông dân Nghệ An nói riêng sẽ từ nông dân sản xuất nhỏ lên nông dân hiện đại. Nông thôn Việt Nam - Nghệ An từ nông thôn làng truyền thống lên nông thôn hiện đại. Việc đang  xây dựng nông thôn mới chỉ có thể coi là hoàn tất khi sản xuất nông nghiệp đạt đến tính chất sản xuất hàng hóa lớn và có được trình độ của nông nghiệp công nghệ cao.


Trả lời cho câu hỏi nông nghiệp Nghệ An nói riêng phải đi theo con đường nào? Và đi bằng cách nào? Thì cách khái quát nhất là: phải đi theo con đường khoa học và cách mạng;  và đồng thời  theo cách “đi” khoa học và cách mạng! Bởi nói cho cùng, để đưa nông nghiệp tiểu nông hiện nay lên nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn dựa trên nền tảng kỹ thuật công nghệ cao, đó thực sự là một cuộc cách mạng lớn có cơ sở khoa học chân chính.

Trương Công Anh