(Baonghean) - Em nhắn tin hỏi thăm vỉa hè phố cũ. Tôi bảo nhắc chi không nhắc, sao nhắc chuyện vỉa hè? “Anh đừng coi thường vỉa hè nhé, hãng truyền hình cáp CNN từng nói rằng nước Mỹ sinh ra nhà hàng di động nhưng Việt Nam mới là thiên đường đồ ăn phố xá với vô số món ăn và hàng quán vỉa hè đấy”. Em ơi, đó là cái nhìn của du khách, của người đang muốn thâu nạp những nét khác lạ cho “thực đơn” của đôi mắt mình, thì sẽ thấy nó lạ lẫm và thú vị. Cả em nữa, vỉa hè trong em là những quán bún lá, hàng xôi, buổi sáng, hàng bánh kẹo và nước mía buổi trưa, hàng bánh gói lá buổi chiều... Tất cả đi qua “bộ lọc” ký ức, gắn bó với năm tháng tuổi thơ và khi em đi xa nó đã hóa thành tâm hồn rồi, thì sao mà không đẹp được.
Còn anh ở lại với con phố xưa, vỉa hè xưa. Phố và vỉa hè với anh giờ không chỉ khung trời kỷ niệm mà còn là nơi đi về trong cõi mưu sinh và nhân sinh với bao bộn bề, bận rộn.
Trước cơ quan anh có vỉa hè và một gánh hàng ăn thật đông người mỗi buổi sáng. Mỗi lần ai đi bộ qua đoạn vỉa hè đó cứ phải đi vòng xuống lòng đường để tránh. Em thấy lạ không, vỉa hè để đi bộ, mà rồi người đi bộ lại phải tránh vỉa hè. Cái cú ngã ê mông anh kể với em năm trước và em gửi thuốc về cho anh, cũng là vì hàng quán vỉa hè cản trở lối đi mà anh phải quẹo xuống lòng đường, bị xe máy tông và ngã xuống đường đấy! Anh có lỗi, hay người đi xe máy có lỗi, mà cả hai đều bị đau? Những người bán hàng vặt có nhất thiết phải “chung thân” chơi trò “trốn tìm” với nhà chức trách, đến thì chạy, đi thì ra, chỉ để kiếm lợi cho riêng mình, mà cản trở, ảnh hưởng đến người khác và mỹ quan đô thị như thế mãi không nhỉ?
Một lần khác, về thăm trường cũ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11, anh thấy học trò tụ tập ngồi uống nước mía kín cả vỉa hè. Sau này đi vào ký ức các cô các cậu ấy rồi khoảnh khắc này cũng sẽ đẹp lắm. Nhưng anh lại thấy các thầy cô giáo cũ hẹn nhau gửi xe chung một nơi, rồi cùng nhau đi bộ trên vỉa hè để đến trường dự lễ. Em ạ, một thầy giáo mắt đã yếu, chẳng may va phải một cây mía dài làm đổ chiếc bàn nhựa và mấy cốc nước mía. Bà bán nước mía đã to tiếng như thể người đi bộ trên vỉa hè mới chính là người có lỗi.
Em ạ, vỉa hè thời nào chẳng là vỉa hè, ký ức muôn năm vẫn là ký ức. Nhưng bắt vỉa hè gánh vác “trách nhiệm” phải làm đẹp cho ký ức, liệu có nặng quá không em? Mà, ngay từ thực tại nó chưa đẹp, thì sao khi đi vào ký ức lại trọn vẹn được. Rồi nữa, người ta còn có ý định bắt vỉa hè gánh cả cuộc mưu sinh, gánh cả trách nhiệm phải trở thành “thiên đường” cho ai đó chỉ qua đường ngắm nghía, thì thật là quá sức của vỉa hè, là đang làm khổ cho vỉa hè phải không em!
Ngô Kiên