(Baonghean) - Một tin vui cho những người giàu tính lạc quan. Ấy là cách đây chưa lâu, báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xếp Việt Nam đứng thứ 12 về kết quả khảo thí môn Toán và khoa học của học sinh độ tuổi 15, đứng trước cả Mỹ và Úc.
 
Và mới vài ngày trước, Việt Nam ta lại được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng thứ 59 trong tổng số 124 quốc gia về chỉ số “Vốn con người” 2015, sau Thái Lan, nhưng lại đứng cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ, Brazin, Indonesia… Mà vốn con người, theo WEF, là chỉ số đánh giá mức độ giáo dục, kỹ năng của người lao động và việc làm ở 5 nhóm tuổi từ 15 đến trên 65. Tức là đo lường khả năng nuôi dưỡng tài năng thông qua giáo dục, phát triển kỹ năng ở tất cả mọi giai đoạn trong vòng đời của con người. Nói cách khác, đây là chấm về kỹ năng khai thác tiềm năng của con người. Phần Lan là nước đứng đầu và khai thác được 86% tiềm năng vốn con người, còn Việt Nam gần 68,5%, trung bình khá. Ghê thật! Xứng đáng là  nòi giống Tiên Rồng thật!
 
Nhưng những người ít lạc quan hay hoài nghi thì lại băn khoăn, thắc mắc, thậm chí là nghi ngờ về kết quả mà thế giới bên ngoài “cân đong, đo đếm” khả năng của dân ta. Vì trước đây, đã có lần ta bị người ngoài cho đi “tàu bay giấy” khi một tổ chức quốc tế công bố người Việt có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Chuyện đã trở thành đề tài cho chính dân ta châm chọc, đàm tiếu suốt một thời gian dài. Còn nay, chuyện học sinh xứ ta giỏi Toán thì khỏi phải bàn. Vì đó là sự thật. Năm nào đi thi quốc tế mà học trò nước ta không rinh về một hoặc vài ba Huy chương Vàng, Bạc còn Đồng thì thôi, khỏi tính. Nhưng việc đánh giá ta khai thác được tới 68,5% tiềm năng nguồn vốn con người thì có lẽ phải cần xem lại.
 
Biểu hiện rõ nét nhất là hàng chục năm qua chúng ta đã có hàng trăm em học sinh đoạt Huy chương Vàng, Bạc các kỳ thi Toán học, Vật lý, Tin học quốc tế. Nhưng cho đến nay, tên tuổi của họ vẫn mới chỉ gắn với huy chương mà chưa thấy gắn với một sản phẩm, một chương trình hay công trình nào nức tiếng toàn cầu, hay cả nước. Mà sau thời khắc lóe sáng đó, các em lại chìm đi như muôn vàn học sinh bình thường khác. Chẳng thấy ai để lại dấu ấn gì đáng kể. Thế nghĩa là tiềm năng sẵn có của các em chưa được khai thác, tận dụng và phát huy hết để làm giàu cho bản thân và cống hiến, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà.
 
Lỗi do đâu? Dĩ nhiên là không ở hẳn một phía nào cả. Một phần do cá nhân, nhưng một phần rất lớn có lẽ là do chưa có môi trường, điều kiện thuận lợi để phát huy nguồn vốn ban đầu, sẵn có. Nói vui một tí là đến như rồng mà không gặp được nước, không có nước thì cũng không phát huy hết được sức mạnh thánh thần của mình huống hồ “người trần, mắt thịt”. Thế mới thấy điều kiện,  môi trường thuận lợi cho tài năng đơm hoa, kết trái quan trọng đến nhường nào. Nhưng muốn đơm hoa, kết trái thì phải có đất để đứng chân, nghĩa là phải được trọng dụng. Mà chuyện trọng dụng người tài ở ta thì chắc là ai cũng biết, cũng cảm nhận được.
 
Cách đây chưa lâu, Thành phố Hà Nội tổ chức thi tuyển công chức. Trong số người dự thi bị trượt, có 30 người giỏi. Cụ thể là có 5 người có bằng thạc sỹ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Quản trị tài chính, Kỹ thuật Hóa học, Ngữ văn. 25 người còn lại không qua được kỳ sát hạch vừa qua đều là thủ khoa, thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài. Một vài người trong số  này khẳng định mình hoàn thành tốt bài thi nhưng điểm số công bố lại không đạt. Trong khi đó, thi vấn đáp thì không có ghi âm, không có người giám sát và  ứng viên lại không có quyền phúc khảo bài thi sát hạch nên rất khó kiểm tra lại để xem điểm thi có được chấm chính xác, công bằng hay không.
 
Còn những người đỗ, được trở thành công chức nhà nước  thì như thế nào? Xin mượn lời của ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu trong phiên họp của Thường vụ Quốc hội hôm 11/5 vừa rồi về trình độ cán bộ “nói thật là không lên mà đi xuống... Tôi đi chấm thi chuyên viên cao cấp đã 5 năm nay, chấm phúc tra thấy họ thực sự không biết xấu hổ, làm bài nguệch ngoạc vài câu mà cũng yêu cầu phúc tra. Toàn cấp vụ trưởng, giám đốc sở, mà thi vấn đáp không nắm được các nội dung quản lý nhà nước của ngành mình. Tôi thấy họ nếu có tự trọng thì không nên đi thi". Chỉ thế thôi cũng đã đủ nói lên tất cả. Và nước ta hiện vẫn là nước xuất thô mọi thứ , từ tài nguyên thiên  nhiên đến các nông sản và cả con người vẫn chỉ là những lao động thủ công. Chừng đó cũng đã đủ để hình dung sự thật về cái gọi là khả năng khai thác tiềm năng con người ở xứ ta. 
 
Thế nên cứ nghe, cứ xem người bên ngoài  đánh giá, nhận xét, xếp loại ta như thế nào để mà biết. Và biết để mà phân biệt đâu là đúng, là sai, là thật, là giả. Đâu là cứ liệu quý giá có tác dụng thiết thực và đâu là thứ chỉ để tham khảo cho vui mà không tính vào thành quả, thành tích. Và không phải cứ “Tây nói” là đều khách quan, chính xác hết. Chuyện chấm điểm, xếp hạng khai thác tiềm năng nguồn vốn con người của ta cũng chỉ nên coi như là một dạng thông tin tham khảo cho vui thôi!  
 
Bụt Sơn