(Baonghean) - Quốc hội lại khai mở một kỳ họp mới. Một kỳ họp được khá nhiều cử tri thuộc tầng lớp bình dân quan tâm. Nhất là những người đang lao động trong các nhà máy, xí nghiệp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. Bởi có một vấn đề liên quan sát sườn quyền lợi, cuộc sống của họ là Luật BHXH. 
 
Vì lẽ, trong Luật BHXH sửa đổi sắp có hiệu lực thi hành vào 1/1/2016 quy định người lao động không được nhận BHXH theo kiểu một cục, mà phải chờ đến đúng ngày, đúng tháng theo luật định mới được lĩnh theo từng tháng. Xét về tổng thể, quy định đó thể hiện trách nhiệm của người làm luật là lo nguồn sống về già cho người lao động. Nhưng đi vào chi tiết cụ thể thì lại chứa đựng nhiều sự bất cập. Như nhiều người phân tích, thì người lao động, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất mấy ai đủ sức cầm cự được sau mười mấy năm liên tục tăng ca, tăng kíp. Cường độ lao động cao, thời gian lao động kéo dài từ 10 - 12 tiếng mỗi ngày; nên sau chừng 10 đến 13 hay 14 năm là người ta phải nghỉ. Chẳng mấy người đủ dẻo dai để lao động trong các nhà máy, xí nghiệp tới 20 hoặc 25 năm để đủ thời gian được hưởng lương hưu từ BHXH. Thế nên, khi lui về quê hay chuyển qua công việc khác, ai cũng mong muốn có số vốn nho nhỏ từ việc nhận bảo hiểm một lần để làm vốn tìm kế sinh nhai. Hơn nữa, giới chủ sử dụng lao động luôn ưa thích những lao động trẻ, dồi dào sức lực để có năng suất cao từ việc tăng ca, tăng kíp nên sẽ tìm cách đẩy đội ngũ già yếu ra ngoài. Người lao động có muốn tiếp tục làm việc cũng khó có cơ hội. Khi đó, nếu không cho lĩnh một cục thì quả thực là họ không biết phải xoay trở để tiếp tục tồn tại bằng cách nào. Do đó, khi mới nghe phong thanh có chuyện như thế, không ít công nhân vì lo lắng thái quá nên đã tụ tập lại và có những hành vi phản ứng quá mức.
 
Thế nhưng, nếu sửa luật cho phù hợp với nguyện vọng của công nhân là nhận bảo hiểm một lần nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ sở hữu chút vốn liếng  để có cơ hội “làm lại cuộc đời”, thì vô hình trung lại tạo ra sự rủi ro cho chính tương lai của họ. Đó là khi về già mắt mờ, chân chậm, không thể lao động để tạo ra thu nhập mà lại không có bất cứ một nguồn trợ cấp ổn định nào để duy trì cuộc sống. Lúc đó, họ sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vậy là “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, sửa không ổn mà để như cũ cũng không xong. Từ sự việc này mới thấy, có vẻ như các nhà làm luật của ta thiếu thực tế nên chưa tính đến tình huống này. Và việc lấy ý kiến về sửa đổi Luật BHXH thực hiện chưa đến nơi, đến chốn và chưa nhắm đúng đối tượng cần hỏi nên mới xảy ra cơ sự như thế. Sự việc này cũng làm phát lộ một thực tế nữa là không ít đại biểu của dân chưa thật  sự gần dân, nên chưa nắm bắt, hiểu thấu tâm tư, nguyện vọng cũng như tình hình, hoàn cảnh thực tế của một bộ phận không nhỏ cử tri là công nhân lao động, dẫn đến, luật chưa có hiệu lực thi hành nhưng đã bị phản ứng dữ dội ngay từ đội ngũ này. 
 
Như vậy là các đại biểu của ta đã nghĩ xa, lo xa cho dân mà quên nhìn gần, nhìn vào thực trạng cụ thể đang diễn ra hằng ngày. Luật do Quốc hội thông qua và ban hành, muốn sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống thì cũng phải được Quốc hội chuẩn y. Vì thế, dịp này mong đại biểu Quốc hội vừa lo xa vừa nhìn gần, lo cho dân vẹn toàn cả đôi bề. 
 
Duy Hương