(Baonghean) - Bạn tôi tên là Lê Ý. Đếm đi đếm lại cũng vỏn vẹn 3 chữ cái. Trộm vía bạn, như vậy, nếu “vác” tên bạn mà đối chiếu với đề xuất “tên không quá 25 chữ cái” thì ít nhất bạn tôi đã “làm lợi” được những 22 ký tự!  
 
Chuyện cái tên bấy lâu nay tưởng chừng như vô phận vô sự, ai ngờ mấy ngày qua, dư luận quá rộn ràng để bàn cãi về nó. Nó trở thành đề tài quan trọng khủng khiếp. Thưa rằng, tên không phải là phát minh của thế giới hiện đại! Những cái tên được coi là kỳ dị, thậm chí làm đụng đến tận cả nghị trường cũng không phải đến tận bây giờ mới có. Nếu nói về “độc”, thì ngày xưa, với quan niệm đặt tên xấu xí cho dễ nuôi thành thử mức độ “cả gan” và sự hóc hiểm của những cái tên còn dễ đỏ mặt hơn bây giờ nhiều. Làng tôi còn có nhà nọ “sở hữu” 4 đứa con thì cả 4 đứa đều mang tên của 4 bộ phận trên cơ thể người, tất nhiên là ít nhất 3 đứa phải chấp nhận rủi ro! Tên đẹp, tên xấu, cả tên rất xấu không phải là chuyện thời sự, tôi nhớ không nhầm thì nó từng hiện diện cả trong chuyện cười dân gian cơ mà. 
 
images1168765_dat_ten_cho_con.jpgTranh minh họa: Internet
Trở lại với vấn đề “làm luật cho tên”, từ đề xuất của Bộ tư Pháp về độ dài của họ, chữ đệm và tên không được phép quá 25 chữ cái. Chúng ta nhận thấy, ngay trong nghị trường cũng đã hình thành những quan điểm khác nhau. Ủng hộ đề xuất có mà không ủng hộ đề xuất cũng có. “Phe” “hai lăm chữ” đưa ra những lập luận cực kỳ sắc sảo mà “phe” “dài vô tư” đưa ra cái lý cũng rất hay ho. Họ còn viện dẫn cả hiến pháp vào, “phê” thật! Phía “kẻ tám lạng” tỏ rõ tinh thần không khoan nhượng, mà phía “người nửa cân” cũng thể hiện thái độ bảo vệ đến cùng. Dư luận  ban đầu cũng định bỏ ngoài tai theo kiểu “chuyện của nghị trường” nhưng rồi ai cũng có một cái tên và cái tên ai cũng rất quan trọng bởi thế họ không đặt mình ngoài sự xôn xao của chuyện này. Trên các trang mạng ầm ầm cuộn lên những đợt sóng tranh luận chưa hồi kết. 
 
Vấn đề cần làm rõ ở đây là tên như thế nào mới phù hợp? Trước hết, tôi đồng ý với quan điểm không nên “thả rông” chuyện đặt tên theo kiểu mặc kệ thiện hạ. Tên là của riêng, nhưng tên có ảnh hưởng nhất định đến mọi người xung quanh. Không ai có thể tự đặt tên cho mình, do đó trách nhiệm với người có bổn phận thiêng liêng ấy (thường là cha mẹ) lại càng phải được coi trọng. Đặt cho kẻ khác một cái tên, để rồi nó gắn bó với người ta suốt cuộc đời, thậm chí chi phối cả cuộc sống tinh thần của họ thì làm sao lại được phép coi thường được. Tên cũng là nơi thể hiện chính danh, là cầu nối của mỗi con người với xã hội, bởi vậy nó yêu cầu phải có những chuẩn mực về thẩm mỹ. Chúng ta nghĩ gì nếu trong phần giới thiệu đại biểu trang trọng nào đó lại đọc lên một dòng tên quái dị? Chả nhẽ “Kính thưa các vị khách quý. Về dự lễ hội cùng bà con huyện nhà, chúng ta vô cùng vinh dự được đón tiếp đồng chí Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi” (Lưu ý, Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi là một cái tên có thật ở Quảng Nam). 
 
Hiện nay, những cái tên “dị” đã gây không ít phiền toái cho cả người mang tên lẫn cơ quan quản lý rồi. Một trong những ví dụ ấy là chàng trai sinh năm 1992 đang gây sốc cho nhiều người khi sở hữu cái tên  Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân. Khổ thân, bạn này không phải là người duy nhất sở hữu tên lạ trong gia đình, người chị đầu của Nhân có tên là Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn và người chị kế có tên Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng (họ ngụ tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh).
 
Trường hợp bạn Mai Phạt Sáu Nghìn Rưỡi, sinh năm 1987, trú tại thôn Quảng Đại, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam chỉ vì ông Mai Xuân Cán sinh đứa con thứ 5, bị UBND xã này buộc phải nộp phạt sáu nghìn rưỡi, ấm ức quá nên khi khai sinh cho con, ông lấy luôn mức tiền phạt đó để đặt tên cho con trai mình. Trường hợp này thì ai phát biểu “tên là thông điệp thiêng liêng mà cha mẹ dành cho con cái” nữa không nhỉ? Vâng, tên là giá trị tình cảm đặc biệt. Chính vì thế lại càng không thể bỏ mặc nó. Không thể vì “thông điệp” mà người ta có thể thoải mái đặt tên con dài cả trang giấy A4 được! Lộ trình triển khai thẻ căn cước công dân đã có, hỏi “đất” đâu trên thẻ để “nhốt” hết sự lòng thòng ấy? Tôi không nghĩ giới hạn độ dài của tên sẽ làm mất đi quyền tự do trong việc lựa chọn tên họ. Khái niệm tự do cũng cần hiểu một cách có trách nhiệm. Tự do không có nghĩa muốn làm gì thì làm. Tôi cũng không nghĩ quy định này là vi hiến. Hiến pháp là đạo luật gốc, hiến pháp không bắt buộc phải chi tiết hết mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, bởi thế dưới Hiến pháp mới tồn tại các bộ luật. Thậm chí, trong trường hợp cần thiết Hiến pháp vẫn có thể được sửa đổi cho phù hợp cơ mà. 
 
Tuy nhiên, tôi cũng không ủng hộ phương án “25 chữ cái”. Vì sao à” Vì nó vẫn chưa đạt được giá trị tối đa của mục đích. Ví dụ cái tên nổi tiếng đã từng soán ngôi dài nhất tỉnh Thái Nguyên là chị Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương (ngụ xóm 6, xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cũng vẫn “nằm trong quy định” bởi chỉ 25 chữ cái! Nếu theo giới hạn này thì người ta vẫn có thể đặt tên Lê Thị Vi Vi Vu Vu Đi Vô Cô Ca Cô La ! Tên này có vi phạm không? Có “thông điệp” không?  Tóm lại quy định độ dài 25 chữ cái vẫn chưa gạn sạch được sự lòng thòng của những cái tên. Theo tôi thay vì quy định 25 chữ cái nên quy định về số âm tiết. Ví dụ một họ tên đầy đủ không được quá 5 đơn vị âm tiết, như vậy đối với trường hợp Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương (7 đơn vị âm tiết) là dài so với quy định. Quy định về số đơn vị âm tiết sẽ giới hạn được độ dài của tên, đồng thời nó không “làm khó” quá trình phát âm cũng như ít trắc trở khi thể hiện trong hồ sơ thân nhân. Chuyện cái tên chắc còn phải tranh luận nhiều. 
 
Trước khi gửi bài viết này cho báo tôi gọi cho Lê Ý, nói rằng tôi có mượn họ tên của bạn để đặt vấn đề trong bài báo. Lê Ý cười rồi tếu táo:
“Tên ơi ta bảo tên này
Ngắn dài đâu chỉ có mày với tao”
 
Nguyễn Khắc An