(Baonghean) - Việc Tổng thống Sudan về nước ngay sau phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) tổ chức tuần này tại Nam Phi bất chấp lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã đặt nước chủ nhà vào thế không thể khó hơn.

2 năm trước, vào ngày 16/7/2013, giới truyền thông quốc tế liên tiếp đưa tin “Tổng thống Sudan Omar al-Bashir chạy trốn khỏi hội nghị thượng đỉnh AU”. Đó là khi ông al-Bashir đã thành công thoát khỏi khả năng bị các công tố viên Nigeria bắt giữ bằng cách vội vã rời quốc gia này.
images1180742_e6d9353ef65f6233aaf8be273627935c0dd5bcd0.jpgOmar al-Bashir (phải) gặp gỡ Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tại Khartoum hôm 31/1. Ảnh: AFP
 
Khi ấy, nhiều nơi tại châu Phi đã dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt và chỉ trích mạnh mẽ nhất xuất phát từ Chính phủ Nam Phi. Bashir bị ICC truy bắt để làm rõ những cáo buộc về các tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và diệt chủng trong cuộc xung đột diễn ra tại tỉnh Darfur ở phía Tây Sudan khiến hơn 300.000 người thiệt mạng. Nam Phi đã đưa ra tuyên bố hứa hẹn sẽ bắt giữ nhà lãnh đạo này nếu ông dám đặt chân lên đất Nam Phi.
 
Thế mà sau đó al-Bashir dám thật. Ông đã bay tới quốc gia này để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25 của AU tổ chức tại Johannesburg. Lần này, cũng giống với lần trước tại Nigeria, các nhóm nhân quyền địa phương tại Nam Phi đã nộp đơn yêu cầu bắt giữ ông. Tuy nhiên, hôm 15/6, bất chấp trát bắt giữ do Tòa án Nam Phi đưa ra, al-Bashir đã bay tới Khartoum bằng trực thăng từ một căn cứ quân sự gần Pretoria với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nam Phi. 
 
Quả thực, 2 vụ việc này không gây ngạc nhiên khi Tổng thống Sudan tiếp tục phát hiện ra những giới hạn mới của tinh thần đoàn kết tại châu Phi. Sau toàn bộ những lời nói đãi bôi của mình, Chính phủ Nam Phi hiện đã bị kéo vào cuộc tranh luận về al-Bashir. Hôm 19/6, ICC đã yêu cầu Chính phủ Nam Phi trong thời hạn 7 ngày phải giải trình với các thẩm phán lý do tại sao không tuân thủ yêu cầu của ICC cấm Tổng thống Sudan Omar al-Bashir rời khỏi Nam Phi. Trước đó, hôm 5/6, Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi đã bảo đảm quyền miễn trừ ngoại giao cho tất cả đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh AU và rất có thể sắc lệnh này sẽ được viện dẫn để biện minh cho hành động vừa rồi của quốc gia này. 
 
Trong 2 năm trở lại đây, Chính phủ Nam Phi hầu như không hiện hữu trên trường quốc tế, thế nhưng sự việc này đã đẩy Nam Phi vào tâm điểm quốc tế trong tuần qua. 
 
Một số nhà lãnh đạo châu Phi đã âm thầm hoan nghênh sự chú ý xoay quanh Bashir, đơn giản vì điều đó làm xao nhãng khỏi các vấn đề cấp bách khác. Chẳng hạn, Jacob Zuma đã phải đối mặt với chỉ trích vì những vụ tấn công bài ngoại gần đây xảy ra trong đất nước của ông. Ngoài ra, vẫn thiếu tiến triển trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh AU, vấn đề có thể khiến lãnh đạo chính phủ các nước châu Âu bận tâm nhưng không mảy may khơi gợi nỗ lực chú ý từ các chính trị gia châu Phi vốn đã để hàng trăm nghìn người phải rời bỏ quê hương. 
 
Vụ việc xảy ra tại Johannesburg chứa đựng thông điệp không mấy thú vị rằng Nam Phi và Nigeria, 2 nước có ảnh hưởng lớn cả về kinh tế lẫn chính trị tại châu Phi, đã công khai đi ngược lại với ICC - tòa án hiện có trưởng công tố viên là người châu Phi - khiến thật khó để tin rằng bà này đang theo đuổi các cuộc điều tra theo chủ nghĩa thực dân kiểu mới chống lại các nguyên thủ châu Phi, như một câu chuyện mà những nhà độc tài của châu lục này vẫn thường kháo nhau.
 
Bất chấp hiệu lực của mệnh lệnh từ tòa án, tình huống này đã kéo Nam Phi, AU và ICC vào một vụ ầm ĩ về pháp lý cũng như một cuộc tranh cãi về chính trị và ngoại giao. Cốt yếu nhất, khi Tổng thống Sudan không bị bắt giữ và chuyển giao cho Tòa án, một lần nữa ICC lại trở nên giống như một thể chế không có sức mạnh thực tế bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi chính trị. Nó cũng giảm bớt hình ảnh quốc tế của tòa án này như là cơ quan độc lập trên toàn cầu đấu tranh cho công lý. 
 
Đối với Nam Phi, nước này cũng đã lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, buộc phải đưa ra sự lựa chọn giữa 2 trách nhiệm hoàn toàn trái ngược nhau: nghĩa vụ với tư cách là một quốc gia thành viên AU phải giúp đỡ thành viên khác là Sudan; hay vai trò là một chủ thể nhà nước tham gia vào ICC với nghĩa vụ phải bắt giữ và giao nộp Bashir. Và thực tế cho thấy rõ ràng Nam Phi đã không ngần ngại gạch bỏ lựa chọn thứ hai.
 
Theo giới phân tích, tuân thủ những trách nhiệm đối với ICC bằng việc bắt giữ Bashir đồng nghĩa với việc hoàn toàn vi phạm những quyết định được lặp lại nhiều lần của AU rằng không hợp tác với ICC về bất cứ sự vụ nào dính dáng đến các lãnh đạo Kenya và Sudan.
 
Do vậy, Nam Phi lựa chọn tôn trọng và tuân theo quyết định của AU, tức là trực tiếp bác bỏ những nghĩa vụ của mình đối với ICC, đối với cộng đồng quốc tế và thậm chí là đi ngược lại cả phán quyết của tòa án tối cao của quốc gia này.
 
Khi làm vậy, Nam Phi phải đối mặt với một “con dao 2 lưỡi” đầy hiểm hóc. Đáng lẽ rằng với tư cách là một quốc gia có hiến pháp dân chủ tôn trọng sự phân chia các quyền lực nhà nước, bao gồm tính độc lập của bộ máy tư pháp, thì nước này phải thi hành và thực thi bất cứ phán quyết nào do tòa án tối cao đưa ra.
 
Nhưng cái khó là ở chỗ, nếu không làm vậy, Chính phủ Nam Phi sẽ có thể bị kéo sâu vào một tranh cãi chính trị nội bộ rất có khả năng gây ra những hậu quả to lớn đối với sự độc lập của bộ máy tư pháp, và sự ổn định chung của toàn thể đất nước.
 
Mặt khác, nếu làm theo ý muốn của ICC, Nam Phi sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng khác về ngoại giao quốc tế tại khu vực liên Phi sau những chỉ trích gần đây về một loạt vụ tấn công vào những người châu Phi di cư trong châu lục này.
 
Trong bối cảnh chính trị và văn hóa của AU, nếu Nam Phi hợp tác với ICC trong vụ việc của Bashir, đối với một số nước, đây sẽ chẳng khác gì hành động phản bội lại tinh thần đoàn kết của châu Phi, thậm chí nước này có nguy cơ bị xem là kẻ thù của toàn bộ châu lục. Điều này là bởi trong con mắt của những người dân châu Phi, dường như ICC chỉ nhắm tới việc truy tố và buộc tội các nhà lãnh đạo của họ.
 
Tổng thống Nam Phi đã phải đối mặt với 2 lựa chọn mà đều có khả năng dẫn tới những kết quả không mong đợi như nhau. Tuy nhiên, thực ra vẫn còn một lựa chọn khác: đáng lẽ ông có thể sử dụng sức mạnh của tổng thống, hay một thỏa thuận trước đó với AU hoặc Sudan trao quyền miễn trừ hoàn toàn cho các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh AU theo quy định tổ chức hội nghị, các quyết định của AU về ICC, và có thể dựa trên các công ước quốc tế về quyền miễn trừ ngoại giao.
 
Dù Zuma đã quyết định để Bashir rời khỏi đất nước Nam Phi một cách gây tranh cãi, thế khó hiện nay sẽ không chỉ giới hạn ở quốc gia này. Thay vào đó, nó sẽ làm trầm trọng và phức tạp thêm mối quan hệ giữa ICC và AU cũng như cuộc tranh luận xoay quanh vị thế của ICC tại châu Phi.
 
Thu Giang