(Baonghean) - Người ta thường nói đất quý như vàng, vậy mà ở một vùng quê có một thầy giáo nghèo hai lần hiến 12.000 m2 đất xây trường học cho quê hương. Từ việc làm của thầy, ở đây đã dấy lên phong trào hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng.  Đó chính là thầy giáo Lê Công Diễn, xóm Đô Lương, xã Tân An (huyện Tân Kỳ, Nghệ An).

Chúng tôi tìm được tới gia đình thầy Lê Công Diễn vào một buổi chiều, căn nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình thầy nằm ngay sát cổng trường THCS xã Tân An. Sinh năm 1939, quê gốc ở xã Đại Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An). Năm 1957, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Hà Nội thầy Diễn được phân công về dạy học tại thị xã Phủ Lý - tỉnh Hà Nam (nay là thành phố Phủ Lý – Hà Nam). Năm 1965 theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước thầy Diễn xin gia nhập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), đơn vị đại đội C357 tỉnh Hà Nam. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tháng 9 - 1969 thầy Diễn lại được cử về học trường Đại học Sư Phạm Hà Nội.  

764497_small_61820.jpg 
Thầy giáo Lê Công Diễn và vợ - bà Chu Thị Hoa.

Sau ngày đất nước được giải phóng, mang trên mình những vết thương chiến tranh, năm 1975 thầy xung phong chuyển về huyện Tân Kỳ - Nghệ An tiếp tục giảng dạy và lập gia đình cùng bà Chu Thị Hoa, có được hai người con. Sau bao năm dành dụm, góp nhặt cả đời đến lúc gần nghỉ hưu đầu những năm 1990, hai vợ chồng thầy mới mua được mấy lô đất ở xóm Đô Lương, xã Tân An (Tân Kỳ, Nghệ An) để vừa trồng cây chăm lo tuổi già và cũng để mai này cho con cái có nơi lập nghiệp.
 
Thầy kể lại: “Những năm 1994 – 1995 đất mới bắt đầu có giá, nhiều người anh em họ hàng khuyên nên bán bớt đất để xây nhà, mua xe và cho con cái nhưng tôi không nghe. Cùng lúc ấy xã lại có ý định xây trường THCS thành trường chuẩn quốc gia nhưng khuôn viên đất của trường lúc đó lại quá chật không xây được. Mà di dời đi nới khác để xây dựng thì tốn kém tiền của cho Nhà nước và bà con nhân dân xã mình đóng góp qúa. Biết được sự khó khăn đó của chính quyền xã nhà nên năm 1995 tôi chủ động gặp chính quyền xin hiến 5.000 m2 đất vườn nhà mình ngay sát trường để xã xây trường…”.

Được biết khi 5.000 m2 đất ấy có hàng mấy trăm gốc cây ăn quả nào là cam, là ổi 5 năm tuổi đang đến độ thu hoạch. Vậy nhưng gia đình thầy không đòi hỏi bất cứ điều gì. Tiếp đó, năm 2007 khi thấy khuôn viên của trường vẫn chật, chưa đủ để cho các cháu có sân chơi và tập thể dục, thầy Diễn lại bàn với vợ và các con tiếp tục hiến thêm 7.000 m2 đất cho chính quyền xã mở rộng khuôn viên trường học. Bà Chu Thị Hoa (vợ thầy Diễn) tâm sự: “Biết là đất đai càng càng ngày càng có giá, nhưng quan trọng hơn là mình đã cống hiến được một việc nhỏ góp phần vào việc xây dựng sự nghiệp giáo dục của quê hương...” Thầy Diện còn kể tiếp: “Lúc hiến 7.000 m2 với hàng trăm gốc cây ăn quả trên mảnh đất hàng năm có thể thu hoạch được hàng chục triệu đồng, nhiều người lúc đó bảo vợ chồng nhà tôi “hâm”. Nhưng tôi nghĩ, mình cống hiến đất đó để xây dựng trường học, xây những mầm non trí thức của quê hương còn quan trọng hơn nghìn lần cây trái hoa quả..”
 
Giờ đây, tuy không đứng trên bục giảng nữa nhưng những trăn trở về nghiệp giáo dục vẫn không lúc nào nguôi. Trong căn phòng riêng nhà thầy có hàng trăm cuốn sách được thầy bao năm sưu tầm cất giữ. Hàng ngày các em học sinh của trường THCS Tân An đến mượn sách học tập và chính thầy lại là người hướng dẫn, đón tiếp các em đến đọc sách.


 Trường THCS Tân An, nơi thầy Diễn hiến đất.

Việc làm của thầy Lê Công Diễn và gia đình thầy là một tấm gương bình dị mà cao quý. Liên tục trong nhiều năm qua thầy đã được Đảng bộ huyện Tân Kỳ, xã Tân An trao tặng giấy khen trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
 
Sau việc làm của thầy Diễn, bà con ở xã Tân An đã hưởng ứng phong trào, tham gia hiến đất. Ông Trần Đại Thắng - cán bộ địa chính xã Tân An cho biết: “Tính từ năm 2005 tới nay hưởng ứng lời kêu gọi hiến đất của chính quyền địa phương, mà đi đầu là thầy Lê Công Diễn, đến nay đã có trên 20 hộ trong xã tham gia, với khoảng 7 héc ta đất để chính quyền địa phương xây dựng các công trình trường học, trụ sở uỷ ban và đường giao thông…. Đa phần bà con không đòi hỏi quyền lợi gì. Đây là một tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, theo tiêu chí mới tại một xã nghèo như Tân An...”.


Nguyễn Hải