(Baonghean) – GS, TS, NGND Nguyễn Tài Cẩn, cây đại thụ về ngôn ngữ học nước nhà đã đột ngột ra đi ở tuổi thọ 86 bên trời Nga. Nói đột ngột bởi Thầy vẫn miệt mài làm việc liên tục, chỉ chịu buông bút trước đó không lâu. Tôi may mắn thuộc lứa sinh viên cuối cùng được Thầy trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn luận văn tốt nghiệp ngành ngôn ngữ, khoa Ngữ Văn ĐH Tổng hợp Hà Nội vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước.
 
Lớp chúng tôi tốt nghiệp vừa xong là Thầy sang làm chuyên gia tại Đại học Pari 7 (Pháp) rồi thầy nghỉ hưu. Tôi ra trường rồi đi làm báo, nhiều lần tôi có ý định viết một chút về Thầy nhưng thú thực không dám viết, phần vì "kính nhi viễn chi" về tầm cao của cây đại thụ, phần vì tự thấy mình còn quá non nớt, chưa làm được gì đáng kể để xứng với công ơn rèn dạy của Thầy.
 
Nhiều người trước tôi vốn cũng là học trò của Thầy đã viết về Thầy thật sâu sắc và cảm động, tôi rất ngưỡng mộ. Nhưng giờ đây Thầy đã sang thế giới người hiền, tôi cũng không dám bàn đến tầm vóc "cây đại thụ ngôn ngữ" bởi nhiều người đã viết rất sâu, tôi chỉ dám ghi lại đôi dòng ký ức về một thời tôi được Thầy trực tiếp giảng bài, hướng dẫn luận văn tốt nghiệp... xem như một nén tâm nhang kính cẩn ngưỡng vọng lên hương hồn Thầy trên cõi cao xanh.
 
Trước hết và trên hết trong tôi, hình ảnh Thầy Cẩn luôn là một nhân cách lớn, một tấm gương lao động khoa học nghiêm túc, cẩn trọng, hết sức mẫu mực. Có lần Thầy tâm sự với chúng tôi là nhiều lần được cấp trên ngỏ ý đề bạt thầy lên chức nọ, chức kia (toàn cỡ cấp vụ, viện, trường ĐH) nhưng Thầy đều thành thật từ chối. Lý do đơn giản là Thầy chỉ muốn tập trung làm chuyên môn cho tốt, nếu làm quản lý có thể mang lại nhiều bổng lộc hơn nhưng sẽ khó làm tốt chuyên môn. Thầy đã thành thật nói rằng, việc quản lý có nhiều người làm tốt hơn tôi nhưng về chuyên môn khó có người theo đuổi tiếp.
 
Ngay từ thời đó, việc Thầy từ chối nhận chức vụ cao đã là một hiện tượng hiếm có, không ít lời bàn tán cho rằng, đó là ảnh hưởng nét "gàn" của ông đồ Xứ Nghệ. Riêng chúng tôi thực sự bái phục về sự lựa chọn của Thầy và cũng thấy thích thú về lời bàn tán kia nữa. Phong cách sống của Thầy trước sau vẫn rất đạm bạc, giản dị, thực sự không màng danh lợi, thầy từ chối chức vụ một cách thanh thản nhẹ nhàng như từ chối một lời mời hay một vật gì mà mình không có nhu cầu. Thầy chỉ chuyên chú vào nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Tôi được chứng kiến trên bàn làm việc của thầy có người tặng thầy mấy chữ "giáo nhi bất quyện" (dạy người không biết mỏi) bằng chữ nho vẽ trên chiếc đĩa sứ là rất hợp với cốt cách của thầy.
 
Thầy sống rất hòa đồng, thân ái, vô tư, rất dí dỏm mà sâu sắc, rất nghiêm khắc mà lại rất độ lượng bao dung với học trò. Những năm 80 thế kỷ trước, cuộc sống còn rất khó khăn. Nhà ở của Thầy nằm sâu trong con phố nhỏ không tên, phải đi qua khu vực chợ giời (chợ bán đồ cũ) cuối phố Huế. Tôi được Thầy nhận hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp. Ngày đầu đến nhà Thầy, tôi mang theo vài cân lạc ở quê ra biếu, sau khi tự giới thiệu tôi quê từ Nghệ An, đây là chút quà quê, phải nói mãi Thầy mới nhận và còn dặn đi dặn lại lần sau không được mang quà gì nữa. Thầy chỉ yêu cầu một điều là làm luận văn với thầy là phải chăm chỉ, chịu khó mới được.
 
Đề tài luận văn được Thầy hướng dẫn cho tôi quả là một thách thức quá lớn với một SV chuyên ngành ngôn ngữ như tôi, đó là khảo sát hệ thống chữ Nôm cuối TK 18 qua bản Thi Kinh giải âm của Sùng Chính Viện do La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Trong vòng khoảng 3 tháng, tôi vừa phải học thêm về kiến thức Hán-Nôm, vừa tìm thêm tư liệu lại vừa phải đáp ứng các yêu cầu, hướng dẫn của Thầy. Nhưng với cách hướng dẫn tỷ mỷ, từ thấp lên cao, từ bao quát đến những vấn đề cụ thể, lại được sự động viên khích lệ kịp thời của Thầy nên tôi cũng đã hoàn thành luận văn, có một điều hiếm gặp xảy ra, bên tổ ngôn ngữ không có người nhận phản biện buộc Thầy phải đề nghị nhờ GS Lê Văn Quán, tổ trưởng Hán-Nôm sang phản biện. Tôi tự thấy qua hơn 3 tháng được Thầy hướng dẫn, kiến thức chuyên môn mà tôi thu nhận được thật nhiều và sâu, nhất là về phương pháp luận, giúp tôi xử lý tốt trước mọi yêu cầu.
 
Trong thời gian làm luận văn, tôi thường hay lui tới nhà và được biết Thầy và Cô (vợ thầy là GS Nona Xtankievich người Nga) vừa qua một "cú sốc" lớn. Nguyên do nhà thầy gần khu chợ giời ồn ào phức tạp, một đêm thầy cô đọc sách đến khuya bỗng phát hiện có kẻ trộm đột nhập vào nhà, bị phát hiện tên kẻ trộm quay lại hành hung nhằm thoát thân. Tuy thầy cô chỉ bị thương tích nhẹ, của cải không mất gì đáng kể nhưng sau đó cô Nona bị ngã bệnh trọng, Thầy phải đưa cô ra nước ngoài điều trị nhiều năm mới đỡ. Rồi Thầy phải quyết định bán căn nhà để có tiền dưỡng bệnh cho Cô và tránh khỏi khu vực phức tạp này. Ngày Thầy chuyển nhà về khu tập thể Thanh Xuân ở gần trường, tôi được cùng một số học trò khác tham gia chuyển nhà. Nói là chuyển nhà nhưng chủ yếu là chuyển sách, phải mất tới vài ba chuyến xe tải mới hết sách, tài liệu và phải mất cả buổi xếp lên giá cẩn thận.
 
Trong ký ức của tôi về thầy Cẩn có 2 điều thực sự gây ấn tượng đậm nét nhất. Một là về chuyên môn mà tôi được nghe trực tiếp từ thầy kể, đó là cách học ngoại ngữ. Những năm gần nghỉ hưu thầy vẫn còn học thêm các ngoại ngữ khác như tiếng Nhật và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Với đám học trò chúng tôi, Thầy thường đặt ra yêu cầu bắt buộc mỗi ngày phải học thuộc mấy chục từ, kể cả đi đường từ nhà đến trường.
 
Điều thứ hai là liên quan đến đời tư của thầy (tôi chỉ được nghe người gần gũi với Thầy kể chứ Thầy chưa bao giờ thổ lộ). Ai cũng biết Thầy có 2 đời vợ, nhưng Thầy đã sống trọn vẹn, chu toàn cả hai. Nhất là những năm 60 TK trước, khi chính sách kết hôn với người nước ngoài còn khắt khe, Thầy và Cô Nona đã vượt qua được thử thách để bảo vệ trọn vẹn tình yêu của mình đã là "kỳ tích". Riêng với tôi, dù chỉ là chuyện đời tư nhưng cũng là bài học lớn về đạo làm người. Qua việc từ chối danh lợi đã khẳng định thầy thực sự là bậc sư biểu hiếm có, khiến tôi muốn liên hệ đến lời điếu thầy học là cụ Sơn Nguyễn Thức Tự của cụ Phan Bội Châu đầu TK trước: "Kinh sư dĩ đắc/ Nhân sư nan tầm".
 
Vào đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, di hài Thầy được đưa từ nước Nga về với quê nhà đúng theo ước nguyện cuối đời của Thầy. Khi thắp nén hương trước mộ Thầy cũng như lúc ngồi viết những dòng này, tự biết mình còn chưa xứng với sự dạy dỗ và mong mỏi của Thầy, nhưng tin rằng với lòng nhân ái bao dung của Thầy, xin cho chúng em được tự hào là học trò Thầy Cẩn và cầu cho linh hồn thầy siêu nhiên tịnh độ !
 
                        Thầy ơi ! Cánh hạc mải miết từ cõi Bắc
                        Lớp lớp học trò ngưỡng vọng tự trời Nam.


Mai Hồ Minh