Người "chị cả" tần tảo
Nhà báo Phạm Hồ sinh năm 1927, quê xã Sơn Long (Hương Sơn - Hà Tĩnh). Trước khi vào chiến trường Khu 5, Phạm Hồ giữ trọng trách Thư ký toà soạn, Bí thư Chi bộ Báo Hà Tĩnh. Những năm đầu 1960, cùng Tổng biên tập Võ Trọng Cúc, Phó Tổng biên tập Nguyễn Đăng Đơ, Phạm Hồ lo toan tổ chức xuất bản đều đặn mỗi tuần hai kỳ báo Hà Tĩnh trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất.
Thuở ấy, số phóng viên đếm trên đầu ngón tay. Để đảm bảo yêu cầu thông tin toàn diện, Phạm Hồ tìm kiếm, phát hiện những người có khả năng viết tin bài từ cơ sở. Anh chủ động mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ viết tin, bài, chụp ảnh cho từng huyện, từng ngành, xây dựng lực lượng viết báo không chuyên đông tới gần 300 người.
Nhiều cộng tác viên được Phạm Hồ truyền nghề với tất cả lòng đam mê, sau này trở thành nhà báo chuyên nghiệp tên tuổi như các tổng biên tập Trần Văn Trạc, Đinh Nho Liêm; Phó Tổng biên tập Lê Xuân Thụ; Giám đốc Đài phát thanh Nguyễn Công Tiến và các nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng Phan Thoan, Từ Tiện...
Cuối năm 1967, Phạm Hồ vào chiến trường Khu 5 nhận công tác tại báo "Cờ giải phóng Trung Trung bộ". Độ ấy, Quảng Nam - Đà NΩng nằm trong mục tiêu chiến dịch "tìm diệt", "bình định cấp tốc" của Mỹ và lực lượng lính chư hầu. Cơ sở Cách mạng ven đô và đồng bằng đổ vỡ, mọi nguồn tiếp tế lên cơ quan khu uỷ ở đại ngàn Tây Quảng Nam gần như tê liệt. Cả chiến trường Khu 5 đói quay quắt.
Từ các sư đoàn chủ lực, bộ đội địa phương đến cán bộ dân chính đều phải dành ra một bộ phận làm nhiệm vụ phát rẫy, vỡ đất trồng lúa, trồng sắn, tự đắp đổi lấy miếng ăn mà đánh giặc. Cơ quan báo "Cờ giải phóng Trung Trung bộ" cũng không ngoại lệ.
Đang lúc đau đầu tìm lời giải vừa làm báo vừa lo đủ lương thực cho cả cơ quan thì Phạm Hồ bình thản nói: "Để tôi làm. Tôi quen việc từ nhỏ mà!". Quên cả căn bệnh sốt rét đang hành hạ cơ thể gầy guộc của mình, Phạm Hồ lặng lẽ chuẩn bị hành trang đi tìm đất, lập hậu cứ sản xuất lương thực.
Với dăm cân muối, mấy bộ quần áo lính, lọ thuốc phòng sốt rét, chiếc võng vải Tô Châu, Phạm Hồ ngược huyện Trà My, vùng đất đồng bào Cor sinh sống. Bươn bả gần mười ngày luồn rừng, Phạm Hồ đặt chân tới làng Ngheo, xã Trà Đốc. Anh tới gặp Kră-play (tiếng Cor chỉ người chủ làng) đổi muối, áo quần lấy công cụ phát cây, vỡ đất và giống lúa, giống ngô, hom sắn. Nhìn anh "cán bộ Giải phóng" ốm xo, già làng Don lắc đầu bảo: "Một mình cán bộ không làm được đâu. Để tao kêu người giúp".
Thế rồi lầm lũi, quần quật hàng tháng trời lên rẫy, xuống nương cùng bấy nhiêu người dân làng Ngheo tốt bụng, Phạm Hồ có được năm sào trỉa lúa, trỉa ngô và vài sào trồng sắn. Như một người "chị cả" tần tảo, một mình Phạm Hồ trong năm 1968 lo cung ứng đầy đủ lương thực cho cơ quan báo "Cờ giải phóng Trung Trung bộ".
Lời cuối cùng gửiđồng nghiệp
Ở chiến trường Khu 5, người gắn bó sâu sắc nhất với anh Phạm Hồ là anh Nguyễn Văn Nhĩ (nguyên Tổng biên tập Báo Đắc Lắc). Anh Nhĩ quê Thanh Chương, đồng hương xứ Nghệ với Phạm Hồ. Hai anh đều là cây bút chủ lực của báo "Cờ giải phóng Trung Trung bộ" từ năm 1967. Sau Tết Mậu Thân 1968, Nguyễn Văn Nhĩ được cử xuống bám trụ Quảng Ngãi theo sát các đơn vị quân Giải phóng đánh địch.
Chiến trường khốc liệt, chia cắt, Nguyễn Văn Nhĩ không nhận được tin Phạm Hồ ốm nặng tại hậu cứ Trà My. Tháng 7-1969, mặt trận yên ắng, từ Quảng Ngãi, Nguyễn Văn Nhĩ theo đường giao, hối hả cắt rừng tới hậu cứ. Vừa chạm cửa lán dựng chênh vênh bên rẫy sắn, Nguyễn Văn Nhĩ gọi gấp gáp tên bạn. Không một tiếng đáp lại. Anh hốt hoảng lao vào căn lán tối om. Căng mắt giây lát, anh nhận ra thân hình teo tóp như chiếc lá dính vào tấm võng. Căn lán trống hoác không cả hạt muối cuối cùng.
Sau này già làng kể với anh Nhĩ, số lúa, ngô mùa rẫy trước Phạm Hồ chuyển hết cho cơ quan, chỉ ăn sắn thay gạo đợi mùa rẫy tới. Lon muối, là gia tài quý nhất, Phạm Hồ cũng dành cho mấy đứa trẻ trong làng đau yếu. Chợt nhớ trong ba lô của mình còn ít gạo mang theo từ Quảng Ngãi, Nguyễn Văn Nhĩ dốc hết vào ăng gô, nhóm lửa nấu cháo. Anh chắt mấy thìa nước, dỗ dành Phạm Hồ cố nuốt lấy sức vượt qua cơn bão bệnh.
Nhưng Phạm Hồ thều thào như gió thoảng "Mình không qua nổi trận này đâu, cậu cho mình một bát nước chè xanh! Mình thèm lắm". Chiều bạn, Nguyễn Văn Nhĩ tìm đâu đó trên rẫy người Cor được một nắm lá chè xanh, anh vò nát, hãm chè vào cái bát tráng men quân dụng. Phạm Hồ uống bát nước chè xanh đặc sánh, háo hức như chưa bao giờ được nhấm nháp vị chát quê nhà. Nguyễn Văn Nhĩ khấp khởi hy vọng.
Nào ngờ lát sau cố rướn người về khoảng sáng cuối chiều, Phạm Hồ nói đứt quãng tiếng được, tiếng mất "Mình cưới vợ được hai tuần thì đi B, vào mặt trận chưa viết được gì như mình khao khát. Mình mong các cậu viết thay mình. Thôi cậu ở lại, mình đi đây". Hôm ấy là ngày 12 tháng 7 năm 1969... Sáng ra, biết tìm đâu những tấm ván giữa rừng già thăm thẳm, Nguyễn Văn Nhĩ đành bó bạn trong chiếc võng, quấn tròn tấm tăng ni lông. Anh mai táng bạn trên mái rừng quế, đầu nguồn con suối Ngheo.
...Sau năm 1975 không lâu, trong chuyến trở về quê hương, Nguyễn Văn Nhĩ đã ngược đường số 8 tìm tới gia đình người thân Phạm Hồ ở Hương Sơn. Rồi anh vội vã cùng người em trai Phạm Phác vào Trà My cất mộ, chuyển hài cốt bạn về quê cha đất tổ. Hôm ấy, bên phần mộ Phạm Hồ, mọi người cùng thổn thức nao lòng khi hương quế cay nồng, ngào ngạt phả quanh khu vực hành lễ trang nghiêm. Dưới vòm quế ngan ngát đầu nguồn sông Tranh (Quảng Nam), nhà báo Phạm Hồ đã lặng lẽ hoá trầm. Một thứ trầm được kết tụ bởi khí thiêng dân tộc, mãi trường tồn cùng xứ sở, sông núi quê hương.
Plâycu năm 1996
Vinh tháng 03 năm 2011