Hiện nay, tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Vinh tập trung rất đông người dân đến mua sắm thực phẩm Tết. Đặc biệt các chợ như: chợ Vinh, chợ ga Vinh, chợ Hưng Dũng, chợ Quán Lau… lượng người đến mua, bán tăng thêm 50% so với những ngày thường. Sức mua tăng chủ yếu ở nhóm thực phẩm tươi sống: thịt bò, gà, cá, tôm…
Giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm và các loại chả, giò tăng khoảng 10 - 15% so với ngày thường. Cụ thể: thịt bò hiện có giá từ 260.000 - 280.000 đồng/kg; thịt lợn 120.000 - 145.000 đồng/kg; gà ta sống 120.000 - 140.000 đồng/kg; giò lụa 160.000 đồng/kg; giò bò 250.000 - 300.000 đồng/kg…; mỗi loại tăng từ 15.000 - 30.000 đồng/kg.
Chị Trần Thị Mùi, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Quán Lau cho biết: “Giá thịt lợn đã tăng gần 1 tháng nay, 3-4 ngày nay thì giá thịt lợn nhích thêm 10.000 đồng/kg, theo đó, thịt loại ngon nhất hiện nay là 145.000 đồng/kg. Riêng thịt bò giá tăng mạnh 20 - 30.000 đồng/kg do nhu cầu làm bò khô, xúc xích, giò bò, bắp bò ngâm mắm… dịp Tết tăng cao”.
Riêng các loại hàng thủy hải sản không có biến động. Theo đó, cá thu cắt khúc giá 250.000 đồng/kg, mực tươi 300.000 đồng/kg; tôm 220.000 - 250.000 đồng/kg.
Trong khi đó, các loại rau lại khá rẻ: Rau cải 5.000 đồng/bó; súp lơ xanh 7.000 - 10.000 đồng/cây; các loại củ, quả 10.000 - 15.000 đồng/kg…
Theo các tiểu thương thì sở dĩ giá rau, củ quả rẻ là do thời tiết thuận lợi, người dân các vùng trồng rau trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất vụ Đông Xuân nên sản lượng rau tăng, nguồn cung dồi dào, giá cả bình ổn.
Chị Nguyễn Hải Hà (phường Hưng Bình, TP.Vinh) cho biết: “Giá các thực phẩm ở chợ hiện đã tăng so với cách đây mươi ngày. Đây là quy luật chung của thị trường vì Tết thì các loại thịt vẫn được ưa chuộng để chế biến nhiều món cho mâm cỗ so với các loại thủy hải sản. Tôi thấy thị trường thực phẩm Tết khá đa dạng, phong phú, dễ mua, dễ lựa chọn. Giá cả tăng nhưng không đột biến, không có gì đáng lo ngại”.
Ở các chợ dân sinhkhác trên địa bàn tỉnh, sát Tết Nguyên đán, sức mua tăng dần. Giá các loại thực phẩm theo đó cũng tăng nhẹ. Hầu hết, người dân vùng nông thôn chủ động được nhiều loại thực phẩm Tết như: Gà, lợn, rau, nếp, đậu… chỉ mua một số thứ thiết yếu. Với lại, họ cũng sắm Tết từ sớm, sắm rải từ đầu tháng Chạp nên sức mua tăng nhưng không biến động nhiều; giá cả một số mặt hàng cũng chỉ nhích nhẹ.
Tại các siêu thị, giá hàng hóa đang được các doanh nghiệp nỗ lực kìm giữ ở mức hợp lý nhất thể kích thích tiêu dùng. Trong đó, hai nhóm hàng hóa có sức mua bật tăng mạnh so với tuần trước là nhóm các loại trái cây và nhóm các mặt hàng thực phẩm.
“Để giúp người dân thuận lợi mua sắm Tết, chúng tôi phân công các phòng chuyên môn phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường hàng hóa để kịp thời đề xuất các giải pháp ổn định giá cả thị trường. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng, địa phương nắm tình hình thị trường, giá cả hàng hóa để kịp thời xử lý nếu xảy ra tình trạng thiếu hàng, giá cả “leo thang”…