(Baonghean)-GS Nguyễn Tài Cẩn sinh năm 1926, quê làng Thượng Thọ (Nay thuộc xã Thanh Văn), huyện Thanh Chương, Nghệ An. Với hơn 10 cuốn sách khoa học và trên 100 bài báo xuất sắc đã được công bố trong và ngoài nước về ngôn ngữ, tiếng Việt, Hán Nôm; năm 2000 Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Nhân dân (GS.TS.NGND) Nguyễn Tài Cẩn vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nghe truyền lại, thì ngay từ lúc còn đi học thầy Cẩn đã rất nghịch ngỗ, thông minh và có tài nhớ lâu. Có lần, thi đọc ca dao ở lớp, thầy đã đọc liền 500 câu ca dao theo trí nhớ, khiến mọi người lúc đó hết sức ngạc nhiên, thán phục. Sau này trưởng thành, theo lời khuyên của người thân, thầy về Nghệ An tham gia kháng chiến chống Pháp, vào hẳn ngành giáo dục, gắn bó với nghiệp giảng dạy và nghiên cứu.
Có thể nói thầy Cẩn là người đầu tiên đưa ra đề xuất mới về thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều. Ấy là khoảng thời gian từ năm 1787 đến năm 1790, khi nhà thơ mới ngoài tuổi 30! Cuốn sách Ngữ pháp tiếng Việt, gồm tiếng, từ ghép, đoản ngữ được khởi thảo từ năm 1967, ở Đại Từ nơi sơ tán, đến năm 1969 về Hà Nội thì viết xong. Nhưng do cẩn trọng, muốn tham khảo trao đổi thêm nên mãi tới năm 1975 thầy mới cho in. Đọc công trình này, GS.V.Xônxev(Nga) có lần phát biểu: "Nguyễn Tài Cẩn, ông ấy thật sự đã tạo ra một trường phái của Việt ngữ học!".
2. Hè năm 1972, chiến tranh chống Mỹ đang hồi quyết liệt, cả thầy trò Trường ĐH Tổng hợp phải đi sơ tán khỏi thủ đô. Lần ấy, thầy Cẩn đi dạy một lớp Đại học Thông tin văn hoá ở Hà Tây. Buổi trưa, mọi người đang ngủ hoặc đánh cờ, thì thầy Cẩn tranh thủ mang sách bút ra quán nước đầu làng để làm việc. Quán kề ngôi miếu cổ, thấy có chữ Hán, thầy liền kiếm thang trèo lên sát nóc coi, thì phát hiện những tấm ván có chữ cổ. Nhà khoa học nhanh chóng tìm ra một "kho" ván khắc đời Lê sơ (lúc bấy giờ về lịch sử in ấn, giới khoa học mới chỉ biết đến thời điểm muộn hơn).
Đó là bản khắc ván "Cao thương Ngọc hoàng bổn hạnh tập kinh" rất quý hiếm. Ngay sau đó thầy đã dành công sức thảo luận bản này, rồi viết một loạt bài khiến cho giới Sử học và Cổ học lúc bấy giờ phải chú ý. Cũng từ đó thầy Cẩn chuyển sự quan tâm sang lĩnh vực Hán học mà có người từng bảo rằng vốn kiến thức chữ Hán ở Việt Nam có 2 "bồ" thì một bồ là của Nguyễn Tải Cẩn, còn một bồ nữa là của những người khác !
3. Còn nhớ cái năm ấy, từ nước Nga bay về Việt Nam dự Hội nghị khoa học quốc tế, thầy Cẩn hào hứng kể lại mẩu chuyện rất đời thường, cho một cậu học trò của mình đang dạy văn hoá dân gian tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội: "Có sáng kiến thì phải hành động ngay! Tôi kể các ông nghe chuyện ni. Cả nhà tôi cũng đi thăm mộ ông cụ bố vợ (vợ thầy Cẩn là bà Nôna, người Nga). Ông cụ vốn là Thiếu tướng Hồng quân. Cả nhà ra xe, còn tôi thì cứ lục cục trong bếp. Bin, Bin, Bin... Còi xe thúc dục.
Tôi khệ nệ bê ra một thùng giấy. Cô Nônabảo như trách móc: "Nhà khoa học mà chậm giờ, mọi người đợi!". Tôi im re. Ra đến mộ, cây cỏ mọc trùm lên cả. Thằng Nam nhổ, thằng Việt nhổ, các cháu nhổ. Thế mà chẳng ăn thua gì. Bấy giờ tôi mới mở hộp, dao đây, búa đây, lưỡi xẻng đây. Mời anh, mời chị! Cả nhà mới ồ lên khen tôi thông minh, biết lo xa. Sướng chưa! Thì có gì đâu, việc này ở bên Việt Nam ta là đi tảo mộ ấy mà. Tảo mộ thì phải đem dụng cụ, thế thôi. Tôi cũng thương ông, bà nó cũng thương ông, các cháu cũng thương ông. Nhưng vấn đề là phải hành động!".
4. Năm 2005, GS. Nguyễn Tài Cẩn tròn tuổi 80, trong một bức thư gửi trò là đồng nghiệp, có kèm theo một bài thơ Đường luật bày tỏ cốt cách, lối sống gần với một đạo sĩ phương Đông:
Tám mươi đâu đã chẵn là trăm,
Chúc thọ còn nhiều năm lại năm.
Vẫn gắng yoga theo Đạo thuật,
Vẫn thường thư giãn định Thiền tâm.
Vẫn như Trang Tử vui đời bướm,
Vẫn học Ngu Công rút ruột tằm.
Sống - ở, thác - về, tuỳ phận phúc,
Ấy lời đáp tạ khách tri âm!
5. Thế rồi, có ai ngờ vào ngày 25/02/2011, tại Thủ đô Maxcơva , thầy Cẩn từ biệt người thân, đồng nghiệp, bạn bè, đi vào cõi vĩnh hằng. Theo di chúc của người quá cố, gia đình đưa bình tro của thầy về nước và an táng tại quê nhà. Sân trường cũ cấp I của xã Thanh Văn trở thành nơi truy điệu và lễ an táng một trí thức lớn của quê hương. Tôi cũng có mặt sáng đó, ngày 12/04/2011. Người dự đông lắm, gia đình họ tộc, đồng nghiệp, bạn hữu, học trò từ Thanh Chương, từ Vinh, từ Hà Nội, từ nước Nga kéo về, đau xót tiễn biệt thầy. Bà con xã Thanh Văn bên cạnh niềm xót thương, còn có niềm tự hào nữa. Giữa rất nhiều vòng hoa, bức trướng, thư điện chia buồn, tôi đọc được 4 câu bằng chữ Hán kính viếng GS. Nguyễn Tài Cẩn, do cụ Bùi Văn Chất phụng soạn:
ĐĨNH CÁN
(Cung vãn Nguyễn giáo thụ)
Đĩnh cán Đông Phương ngôn ngữ học,
Trí Tường, Nguyễn tộc, Việt Nam hoa.
Đông - Tây tao ngộ, Đông - Tây hợp,
"Hiếu cổ kỳ duyên" - nhất thế gian!
Dịch nghĩa:
ĐỨNG ĐẦU
(Kính viếng GS. Nguyễn Tài Cẩn)
Đứng đầu ngành ngôn ngữ học phương Đông,
Bông hoa Việt Nam, người họ Nguyễn, thôn Trí Tường.
(Văn hoá) Đông - Tây gặp gỡ, Đông - Tây hoà hợp,
Bởi "Kỳ duyên hiếu cổ", một dòng dõi thế gian!
Tôi không có may mắn được học trực tiếp thầy Cẩn, như một số anh chị quen biết: Nguyễn Huy Hoàng, Đỗ Thị Kim Liên, Nguyễn Hùng Vỹ, Phan Văn Thắng, Giao Hưởng, Mai Hồ Minh,... Tuy vậy, những bài viết, câu chuyện kể về thầy thì tôi được đọc, được nghe nhiều lắm, lâu dần trở thành những giai thoại làng giáo rất độc đáo! Xin dẫn lại đây bốn câu thơ trên, của CLB Hán Nôm Nghệ An, xem như là cái kết cho bài báo còn tản mạn này ! - Chân dung một thế kỷ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nxb ĐHQG Hà Nội (2006). - Nguyễn Tài Cẩn, học giả "bất yếm, bất quyện", Tạp chí Văn hoá Nghệ An sưu tầm, biên soạn, xuất bản (TP.Vinh, tháng 04/2011).
----------------------
* Bài viết có tham khảo tư liệu của một số tác giả trong hai cuốn: