Dạy và học như thế nào?
Tiếng Anh là 1 trong 4 môn thi bắt buộc tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và cũng là một trong những môn thi vốn là “thế yếu” của học sinh xứ Nghệ. Tại Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Thanh Chương), khó khăn này cũng không là ngoại lệ bởi trước đó học sinh của trường không được tiếp xúc với tiếng Anh sớm và thường xuyên. Hơn nữa, việc học thêm để trau dồi tiếng Anh của học sinh trong trường cũng không thuận lợi bởi học sinh thường sống xa trung tâm và nhiều em vẫn e ngại, chưa mặn mà với môn học này.
Với thực tế này nên khi tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Tâm không đặt quá cao mục tiêu mà chỉ cố gắng để học sinh trung bình có thể đạt điểm 4 - 5 (cao hơn mức bình quân của tỉnh) và học sinh khá, giỏi thì có thể đạt điểm 7,8 điểm trở lên. “Trong quá trình nghỉ dịch, chúng tôi cũng đã tiến hành phân tích cấu trúc đề minh họa, tập trung phân tích số lượng các câu hỏi và phân loại theo từng mức độ".
"Từ đó, trong quá trình ôn tập, giáo viên sẽ tập trung dạy những tiết cơ bản xoay quanh mức độ nhận biết, thông hiểu để học sinh có thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Với những học sinh khá giỏi, các em sẽ được hướng dẫn học các chuyên đề và ra thêm các đề thi THPT Quốc gia để làm thêm ở nhà và làm quen với những câu hỏi khó mang tính vận dụng cao”, cô Tâm chia sẻ.
“Hiện trong quá trình ôn tập nhà trường phân thành 3 mức học sinh, thứ nhất là học sinh chất lượng cao đi vào các trường tốp trên, mức thứ 2 là chất lượng khá và học sinh thường đi học vào tầm trung. Ngoài ra, trường có 5 lớp đại trà và học sinh chủ yếu phân luồng, không thi vào đại học. Trên cơ sở những nhóm học sinh khác nhau trường sẽ điều chỉnh lại việc ôn tập để bổ sung những kiến thức mà học sinh còn thiếu trong quá trình học trực tuyến. Ngoài ra, trường sẽ sớm họp phụ huynh với học sinh lớp 12 để có kế hoạch dạy thêm và ôn tập cho học sinh đến khi kỳ thi diễn ra”.
Sau hơn 2 tuần Bộ Giáo dục và Đào tạo trình phương án điều chỉnh Kỳ thi THPT Quốc gia thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, việc dạy và học của các trường đã có những điều chỉnh. Thầy Phan Mạnh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật (TP. Vinh) cho biết: “Kỳ thi năm nay, chúng tôi phải đổi mới việc ôn tập để đáp ứng 2 yêu cầu quan trọng là trang bị đủ kiến thức, kỹ năng để học sinh làm tốt bài thi tốt nghiệp và tiếp tục nhận những thông tin tuyển sinh từ các trường đại học nhằm tư vấn và ôn tập cho học sinh để các em có đủ năng lực tham gia các kỳ tuyển sinh riêng”.
Ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh), ngay trong buổi học đầu tiên, nhà trường đã rà soát để toàn bộ học sinh đăng ký lại nguyện vọng về khối thi và dự kiến các trường đăng ký tuyển sinh.
Từ thực tế khảo sát, thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Gần 100% học sinh của trường sẽ đăng ký vào các trường đại học nên đây là mục tiêu quan trọng của nhà trường trong thời điểm này. Hiện chúng tôi có lợi thế là học sinh đã phân khối từ đầu năm lớp 10 nên các em đã chủ động ôn tập theo khối trong suốt 3 năm. Dự kiến đến cuối tháng 5 trường sẽ hoàn thành chương trình lớp 12 và từ tuần này sẽ bắt đầu ôn tập cho học sinh vào buổi chiều đến hết tháng 6".
"Chúng tôi cũng khá yên tâm vì so với năm trước tuy có những điều chỉnh nhưng quỹ thời gian ôn tập của các em dài hơn, khối lượng kiến thức lại ít hơn nên các em có điều kiện để ôn tập kỹ càng. Trước đó, vào cuối học kỳ I, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và gần 20 trường khác cũng đã phối hợp tổ chức thi thử cho học sinh khối 12 và đang tiếp tục chuẩn bị thi thử lần 2 với khoảng 30 trường khác vào tháng 6. Kết quả của kỳ thi sẽ là cơ sở để giáo viên điều chỉnh việc ôn tập sao cho phù hợp. Về phía học sinh, đây cũng là căn cứ quan trọng để các em đánh giá đúng năng lực của mình và có phương án lựa chọn vào các trường đại học phù hợp”.
Các trường tốp đầu đã công bố phương án tuyển sinh
Sự thay đổi lớn nhất của kỳ thi năm nay là việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Đến thời điểm này, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án điều chỉnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, nhiều trường cũng đã công bố phương án tuyển sinh và một số trường thuộc tốp đầu đã điều chỉnh khá nhiều.Như ở Trường Đại học Bách Khoa, nếu như những năm trước trường lấy kết quả xét tuyển từ Kỳ thi THPT Quốc gia thì năm nay việc tuyển sinh có sự thay đổi khá lớn. Cụ thể, để vào các khối kỹ thuật, kinh tế, thí sinh phải làm một bài trắc nghiệm kết hợp tự luận ngắn trong một buổi với thời gian làm bài 180 phút; riêng đối với các ngành Ngôn ngữ Anh, thời gian làm bài 210 phút. Bài thi này, sẽ kết hợp 3 môn thi gồm Toán, đọc hiểu và một môn thi thứ 3 và trước khi thi, thí sinh còn phải đáp ứng các tiêu chí phụ mới có thể đăng ký vào trường.
Nói về phương án này, thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh) nói thêm: “Với các bài thi về kiến thức, học sinh không quá lo lắng nhưng bài thi đọc hiểu thì hoàn toàn mới và các em chưa có kinh nghiệm làm bài. Vì thế, để đăng ký vào những trường này, các em phải ôn tập rất nhiều, trong đó có cả những kiến thức thuộc lĩnh vực khoa học và xã hội”.
Phương án thi vào các trường thuộc ngành y, dược và khối quân sự cũng đang nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh và phụ huynh bởi hiện các trường này chưa công bố phương án thi và khả năng xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng không cao.
Liên quan đến việc xét tuyển năm nay, trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự đoán chỉ có khoảng 10% các trường tốp đầu tổ chức kỳ thi riêng. Hiện tại, theo phương án đang dần được công bố thì số trường xét tuyển dựa vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020 khá cao và đây là thuận lợi cho thí sinh trong kỳ thi sắp tới. Tuy nhiên, khi vẫn chưa có phương án tuyển sinh chính thức thì không chỉ các em học sinh mà cả phụ huynh đều đang thấp thỏm trông chờ trong lo lắng./.