Chia rồi lại nhập

Kỳ Sơn là một trong những huyện thực hiện nghiêm túc việc giãn cách sau khi cho học sinh đi học trở lại. Theo đó, để đảm bảo an toàn đúng quy định và phù hợp với đặc thù của một huyện có đến 18/19 trường THCS là trường bán trú, huyện đã điều chỉnh lịch học với khối 8 và khối 9 học vào thứ 2, 3, 4 và học sinh khối 6,7 học vào thứ 5, 6,7. Học sinh tất cả các lớp cũng không tập trung học trong một lớp mà được chia thành 2, học cả sáng và chiều.

img_2965320668_552020.jpgThực hiện giãn cách, nhiều trường học đã sử dụng phòng hội đồng thành phòng học cho học sinh. Ảnh: Mỹ Hà

Thời điểm mới triển khai thực hiện giải pháp này được đánh giá là hiệu quả tốt trong giãn cách vì sĩ số lớp học từ 30 - 35 em/lớp, xuống còn một nửa. Tuy vậy, chỉ sau một vài ngày đầu thực hiện đã bộc lộ những bất cập khi giáo viên phải tăng tiết gấp 2 so với số tiết đã quy định. Trong khi đó, chưa có cơ chế hỗ trợ làm thêm giờ cho giáo viên. Hiện, phương án này đã phải điều chỉnh và tất cả các lớp học ở Kỳ Sơn được trở về xuất phát điểm ban đầu. Có chăng, các trường điều chỉnh phương án giãn cách như sắp xếp lại bàn ghế hoặc tăng thêm bàn học ở những lớp có sĩ số đông hơn.

Huyện Nghĩa Đàn cũng đã thí điểm việc tách lớp ở các bậc học. Trong những ngày đầu với tinh thần “một người làm việc bằng hai” giáo viên đã vào cuộc khá tích cực. Nhưng với đặc thù của nghề giáo, việc đứng trên bục giảng và nói liên tục 8 - 9 tiết/ngày đối với giáo viên là quá tải.

Sĩ số lớp đông là một áp lực cho các trường tiểu học trong việc thực hiện giãn cách. Ảnh: Mỹ Hà
Khi học sinh tiểu học đi học trở lại, huyện tiếp tục thực hiện phương án tách lớp với một lớp học 2 ca sáng và chiều. Vậy nhưng, đến ngày thứ 2 thực hiện, các lớp học lại được bố trí lại như cũ. Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện đã cho biết: Hiện tỷ lệ giáo viên ở bậc tiểu học của Nghĩa Đàn chỉ mới đạt khoảng 1 giáo viên/lớp. Vì thế, nếu bố trí dạy 2 buổi liên tục là quá áp lực với giáo viên. Hơn nữa, phụ huynh cũng không đồng tình bởi nếu con học vào buổi chiều, việc đi lại khá vất vả, nhất là trong thời tiết nắng nóng như 2 ngày nay.
              Phụ huynh xin không giãn cách
Chuyện hy hữu này xảy ra ở thành phố Vinh, một ngày trước khi học sinh tiểu học đi học trở lại. Sự việc bắt nguồn từ thông tin nhiều trường tiểu học trong thành phố đang có ý định giãn cách bằng việc tách lớp. Tuy nhiên, thay vì chia đôi lớp thì các trường lại dự kiến bốc thăm hoặc cắt theo số thứ tự mỗi lớp từ 4 -  6 cháu để lập thành lớp mới. Và phụ huynh có lý do để phản đối bởi với họ điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ, các cháu không muốn đi học và ảnh hưởng chất lượng học tập.
Sau những phản ứng trên, nhiều trường đã điều chỉnh bằng cách chuyển sang các phòng chức năng hoặc kê thêm bàn ghế. Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cũng cho rằng: Việc thực hiện giãn cách là giải pháp tình thế và bản thân các nhà trường cũng không mong muốn. Thế nên, trước mắt các trường sẽ triển khai trong 1 đến 2 tuần và nếu thời gian tới tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt như hiện nay thì phòng sẽ xin ý kiến Sở Giáo dục và Đào tạo cho các trường tổ chức lại việc dạy học như cũ và có thể sẽ trở lại dạy học 2 buổi/ngày.
 
Lớp học ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Mỹ Hà
Ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, trước khi thực hiện giãn cách lớp, trường cũng đã lấy ý kiến của toàn bộ phụ huynh và không bất ngờ khi tất cả phụ huynh đều phản đối. Thế nên, dù phương án đã được đưa ra nhưng cho đến nay không khả thi.
Một hiệu trưởng của một ngôi trường trung tâm ở thành phố Vinh tâm sự: Sau 1 tuần giãn cách chúng tôi sẽ cho học sinh trở lại như ban đầu. Bởi, phương án giãn cách trong lớp học không hiệu quả vì nếu tách học sinh mỗi lớp thành một lớp mới thì học sinh mặc cảm, không chịu đi học; nếu học ở phòng hội đồng thì lớp quá rộng, học sinh ngồi cuối cùng thì không thấy bảng, không nghe được giáo viên giảng bài.
            Đừng đổ lỗi cho nhà trường
Trong những ngày qua, việc giãn cách ở các nhà trường cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Về trách nhiệm, việc làm của các nhà trường là cần thiết và thực hiện đúng quy định theo các văn bản đã hướng dẫn…
Một lớp học được giãn cách ở Trường Tiểu học Nghi Hải - thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà
Những bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai, suy cho cùng là do chưa phù hợp với thực tế, nhất là trong bối cảnh các lớp học đều đang quá đông, phòng học nhỏ và giáo viên thì không đáp ứng đủ yêu cầu dạy và học. Việc giãn cách “phá sản” phần nào cũng là lý do đó.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không giãn cách thì môi trường giáo dục có an toàn không. Bằng cái nhìn khách quan, ngành giáo dục đã làm rất tốt quá trình chuẩn bị cho học sinh trở lại trường với hàng nghìn vòi rửa tay được lắp mới, hàng trăm buổi lao động dọn vệ sinh trường lớp, bàn ghế trong các lớp học được sắp xếp, điều chỉnh lại… Đến trường, học sinh được giáo viên nhắc nhở thường xuyên, được khuyến cáo không tụ tập khi đông người. Dù rất khó khăn và bất tiện nhưng trong những ngày qua giáo viên và học sinh các trường đã thực hiện khá nghiêm túc việc đeo khẩu trang trong giờ học…Với những sự chuẩn bị đó, tin rằng, đa phần phụ huynh tin tưởng và yên tâm khi học sinh trở lại trường.
Tổ chức đo thân nhiệt cho học sinh là một biện pháp để kiểm tra sức khỏe cho học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: Mỹ Hà
Câu hỏi cũng đặt ra, thế môi trường giáo dục có khả năng lây bệnh. Điều này là có cơ sở khi trường học là môi trường trường tập trung rất đông người và nếu chẳng may có một trường hợp nhiễm bệnh thì việc lây lan nhanh là điều dễ xảy ra. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng nguồn lây bệnh có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau và khả năng từ ngoài nhà trường là rất lớn. Thế nên, để giãn cách và phòng bệnh hiệu quả thì cần có sự phối hợp của phụ huynh trong việc bảo vệ con em ở gia đình và cộng đồng. Và, đây mới chính là điều khó khăn nhất hiện nay khi tâm lý chủ quan đã xuất hiện ngày càng nhiều!.